Theo tín ngưỡng, ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng giêng, nhiều người tìm mua vàng về cúng Thần Tài để "lấy hên" cả năm, mâm cúng ông Thần Tài thường có tam sên hoặc cá lóc nướng.
Ngày vía Thần Tài là gì?
Trao đổi với Thanh Niên, TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, người Việt xưa thường nói "mùng 9 cúng trời, mùng 10 cúng đất".
Câu nói trên thể hiện truyền thống coi trọng trời đất trong đời sống người Việt. Tuy nhiên, sau này, có phần ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, Thần Tài trở thành một vị thần của tín ngưỡng dân gian của người Việt, được thờ cúng phổ biến trong nhiều gia đình.
Ngày vía Thần tài mua ‘vàng’ ăn được: giá vừa túi tiền, không cần xếp hàng
Theo đó, trong những quan niệm phong phú, đa dạng về Thần Tài, có 2 loại Thần Tài là văn Thần Tài và võ Thần Tài.
Khi đời sống kinh tế thị trường phát triển, người ta tin rằng mua vàng đầu năm sẽ "lấy hên" được cả năm. Nhưng điều này chủ yếu mới phổ biến ở các đô thị lớn, tại các vùng quê, người ta trữ vàng như một cách để tiết kiệm.
Theo TS Dương Hoàng Lộc hiện có nhiều tài liệu, nhiều nghiên cứu nói về ngày vía Thần Tài và vẫn có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Tại Trung Quốc, người ta cúng Thần Tài vào ngày mùng 5 tháng giêng. Ở Việt Nam, theo tập tục, mùng 8 người ta thường cúng sao giải hạn, mùng 9 cúng trời (chư thiên), mùng 10 cúng đất.
Huy động họ hàng thức xuyên đêm nướng cả ngàn con cá lóc ngày vía thần tài
Trong khi đó, đất là ông Thổ Địa, thường đặt chung với ông Thần Tài ở hướng đối diện cửa ra vào của mỗi gia đình. Theo đó, tượng Thần Tài là một ông già ngồi trên ngai vàng, tóc trắng râu dài, người mặc áo gấm thắt đai ngọc, một tay cầm gậy, một tay cầm những thỏi vàng.
Người Việt thờ Thần Tài làm gì?
TS Dương Hoàng Lộc cho hay, người Việt quan niệm thiên - địa - nhân phải hòa hợp, nên ngày đầu năm mới có 2 ngày để cúng trời và đất, để hy vọng năm mới an khang, thịnh vượng.
"Theo tín ngưỡng, người Việt cho rằng, con người sống trên đất, đất đai tốt thì mới có của cải làm ăn, trồng trọt, đi lại. Ngày nay, chúng ta còn hiểu rằng, ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường, đất đai. Người ta hay nói "hiền như đất", tượng ông Thổ Địa cũng vậy, lúc nào cũng cười hiền từ… qua đó nhắc nhở chúng ta sống hiền hòa, chất phác, thật thà, bao dung… để có một năm mới suôn sẻ", TS Dương Hoàng Lộc phân tích.
Ngoài ra, cúng đất vào ngày mùng 10 tháng giêng còn thể hiện sự coi trọng nơi mình sinh sống, tức là ruộng đồng khơi thông, nhà cửa sạch sẽ, môi trường xung quanh trong lành.
Bên cạnh đó, người ta cũng thường lý giải rằng thổ sinh kim; trong đó: thổ là đất, kim là của cải nên người ta cúng ông Thần Tài trùng ngày với cúng đất (ông Thổ Địa).
Mâm cúng vào ngày vía Thần Tài thường được bắt đầu trước 12 giờ trưa của ngày mùng 10 tháng giêng. Mâm cúng hay có đĩa tam sên gồm: thịt heo quay, tôm, trứng vịt; có nơi cúng thêm cá lóc nướng hoặc thịt vịt quay.
TS Dương Hoàng Lộc giải thích, người Việt thờ Thần Tài với mong muốn mang đến tài lộc cho gia đình, gia đình sung túc, giàu có, thịnh vượng. Ở Nam bộ, Thần Tài được thờ chung với ông địa đặt ở dưới đất trong nhà nhìn ra cửa chính.
Nhiều người tin rằng việc tôn thờ, tin tưởng vào Thần tài sẽ mang lại tiền bạc, lợi lộc, sự giàu có, sung túc, dư dả.
Riêng về thói quen mua vàng trong ngày vía Thần Tài, chuyên gia nghiên cứu cho rằng đây là thói quen ở những đô thị, thành phố lớn. Theo TS Dương Hoàng Lộc, người Việt có thói quen tích trữ vàng trong gia đình như để tiết kiệm, tích cóp. Trong ngày vía Thần Tài, nhiều người đi mua vàng để lấy lộc, lấy hên đầu năm để cả năm có vàng tích trữ trong gia đình.
Bình luận (0)