Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, mặc dù đã cố “trải chiếu hoa” để mời bác sĩ trẻ về làm việc nhưng 20 năm nay, bệnh viện này vẫn không nhận được một bác sĩ chính qui nào. Tại đây, mỗi ngày có trên 200 bệnh nhân điều trị, dịp cao điểm lên đến gần 400, chưa kể gần 9.000 bệnh nhân ngoại trú, 13.000 bệnh nhân ở cộng đồng nhưng bệnh viện chỉ có 19 bác sĩ.
“Mỗi bác sĩ ở đây hiện đang phải làm việc của hai người. Chúng tôi đã tìm mọi cách để mời gọi các bác sĩ trẻ nhưng chẳng ai chịu về”, bà Xuyến nói.
|
Để "chữa cháy", bệnh viện phải gửi một số y sĩ đi đào tạo bác sĩ chuyên tu nhưng cũng chỉ được 2 người, hiện 3 người còn đang đi học. Do thiếu bác sĩ, bệnh viện phải dùng 18 y sĩ làm thầy thuốc.
Cùng cảnh ngộ, Bệnh viện Lao - Phổi Nghệ An cũng chỉ có 21 bác sĩ nhưng phải phụ trách 260 giường bệnh và kiêm cả công việc ngoại tuyến, phòng chống lao ở cộng đồng.
“Gần chục năm nay, không bác sĩ chính qui nào chịu về dù chúng tôi đã trải thảm đỏ. Ngoài 20 triệu của tỉnh hỗ trợ, bệnh viện cũng để dành quỹ thưởng ưu ái bác sĩ mới, cho họ mượn nhà ở... nhưng cũng chẳng đón được ai”, Giám đốc Bệnh viện Lao - Phổi Nghệ An, bác sĩ Đậu Minh Quang, nói.
|
Để có bác sĩ, bệnh viện này cũng phải gửi y sĩ đi học chuyên tu. Trong 21 bác sĩ của bệnh viện, có đến 12 bác sĩ chuyên tu.
Ông Quang thừa nhận, chuyên môn của một số bác sĩ chuyên tu còn hạn chế nhưng nếu không đào tạo và sử dụng thì bệnh viện không có bác sĩ.
“Chúng tôi phải giật gấu vá vai, phải vận động các bác sĩ trực cố gắng không nghỉ bù và trả tiền làm thêm giờ cho họ; một số phải kiêm nhiệm như vừa trưởng khoa vừa kiêm hành chính. Chúng tôi còn đang tính mời bác sĩ lãnh đạo bệnh viện đã nghỉ hưu quay lại làm ở phòng khám”, ông Quang tâm sự.
Tại Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An, 10 năm nay cũng không có bác sĩ nào về công tác. Ở đây hiện đang cần 13 bác sĩ. Năm 2006, có hai bác sĩ trẻ về nhận công tác, nhưng chỉ được vài tháng thì cả hai xin nghỉ việc để chuyển đi nơi khác.
Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Đình Long, thừa nhận ngoài các bệnh viện đặc thù nói trên, các bệnh viện tuyến huyện ở Nghệ An cũng gặp tình trạng tương tự.
Tại Bệnh viện H.Diễn Châu cần 60 bác sĩ thì mới có 29 bác sĩ. Các bệnh viện ở miền núi còn bi đát hơn.
Nguyên nhân do nguồn bác sĩ đã được đào tạo quá ít trong khi chế độ đãi ngộ cho các bác sĩ công tác tại các bệnh viện đặc thù và bệnh viện tuyến huyện đã có nhưng chưa thật tương xứng.
Năm 2012, Nghệ An tuyển được gần 100 bác sĩ. Với tiến độ này, ông Long dự báo đến năm 2017, may ra địa phương mới có thể tạm đủ số lượng bác sĩ.
Khánh Hoan
>> Thiếu bác sĩ nghiêm trọng
>> Thiếu bác sĩ sản, nhi tuyến huyện
>> Đưa bác sĩ trẻ về các vùng nghèo
>> Vận động 200 bác sĩ trẻ về huyện nghèo công tác
Bình luận (0)