Rất tâm đắc với loạt bài Nghề chơi cũng lắm công phu của Báo Thanh Niên, cụ Hồ Quốc Việt tự gọi điện đến tòa soạn kể rằng mình đã tự tay ghép các mảnh sứ, vẽ thành chân dung Bác Hồ… Khi người viết bấm chuông căn nhà số 405/49 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cụ “chào” tôi một câu, nghe muốn xanh mặt: “Nhà báo hả, thế có cầm theo giấy giới thiệu không?”.
Cụ Việt sinh năm 1923, quê ở xã Vĩnh Thái, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Cụ kể rằng mình từng học Trường Kỹ nghệ thực hành Trung kỳ, chuyên ngành xây dựng (1937-1939), sau đó bỏ quê xuôi Nam: Đà Nẵng, Phú Yên rồi Sài Gòn... để tìm tung tích người anh con ông bác ruột tên Hồ Nguyên đang hoạt động cách mạng (ông này là anh rể của đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước). Vốn thành thạo tiếng Pháp, khi vào Sài Gòn, anh thanh niên Hồ Quốc Việt còn học thêm tiếng Nhật, tiếng Anh. Bằng những nỗ lực của bản thân, anh thợ hồ làm công nhật mỗi ngày nhận 1,2 đồng bạc Đông Dương đã được các ông chủ người Pháp công nhận đạt đến trình độ tay nghề GTEO (Công trình trên hạng ngạch ở Viễn Đông), ăn lương 83 đồng Đông Dương mỗi tháng (tương đương trên 3 tấn gạo/tháng)...
Năm 1941, ông Hồ Nguyên nhắn ông Việt trở về quê, giác ngộ cách mạng và giới thiệu cho ông vào Đảng (1946, tính đến nay, cụ Hồ Quốc Việt đã có 67 tuổi Đảng). Kể từ đó, hình ảnh và những lời giáo huấn Bác Hồ luôn ăn sâu vào tâm trí của Hồ Quốc Việt.
|
Thành “lão nghệ sĩ” lúc cuối đời
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, con cái trưởng thành (cụ có 2 người con trai, 2 con gái đều đã nên danh nên phận), trong giai đoạn “vui thú điền viên” ở Phan Thiết - nơi trước đây Bác Hồ cũng đã có một thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh, cụ Hồ Quốc Việt càng có thêm điều kiện để chiêm nghiệm về cuộc đời, lý tưởng của Bác. Vốn có “hoa tay” thiên bẩm, cụ quyết định chế tác chân dung Bác Hồ theo cách riêng của mình, và tác phẩm Điều mong muốn cuối cùng được cụ thực hiện rất độc đáo: ghép các mảnh sứ nhỏ thành chân dung Bác (như kiểu tranh dán giấy) mà theo cụ khó nhất là việc chọn màu để phối cho thật hài hòa.
Điều độc đáo nữa là phần nền (hậu cảnh) chân dung Bác, cụ Việt đã viết lại một đoạn Di chúc của Bác với cách “bắt chước” nét chữ của Người y như thật. Tác phẩm này có khổ 40 x 50 cm, vẽ tại Phan Thiết ngày 3.9.1984.
Quyết vượt... Da Vinci
Nhưng Điều mong muốn cuối cùng chưa phải là tác phẩm độc đáo nhất của cụ Việt. Cụ kể rằng nhân đọc một tài liệu kể về tác phẩm La Joconde của Leonardo Da Vinci, có nói đến điểm độc đáo nhất của tác phẩm này không chỉ là nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa mà là khi phóng đại con mắt của người đẹp lên nhiều lần, người ta phát hiện được trong tròng mắt bên này có chữ L (Lisa), tròng mắt bên kia có chữ V (Vinci). Nghĩa là giữa họa sĩ và người mẫu đã có tình ý với nhau… Cụ Việt suy nghĩ và quyết định phải làm… hơn cả cái điều Leonardo Da Vinci đã làm. Thế là cụ quyết định vẽ “một nhân vật mang hai nội tâm”, mà nhân vật thì cụ chỉ vẽ mỗi Bác Hồ, đành mạo muội thể hiện chân dung Bác theo tâm nguyện của mình, và cụ quyết định ghép chân dung Bác bằng chất liệu gốm men sứ (mosaique).
Trước tiên cụ mua khoảng chục bức ảnh Bác (vẫn dùng để treo trong công sở) để nghiên cứu. Cụ bảo do ngày xưa đã học Trường Kỹ nghệ thực hành nên cũng biết về đo đạc, rất gần với phương pháp giải phẫu học để nghiên cứu những cơ, múi thịt trên khuôn mặt con người. Khi mang tâm trạng vui hoặc buồn thì các cơ mặt sẽ nằm ở vị trí nào, giới hạn ở đâu, chỉ cần nhích thêm một tí thì thần thái sẽ khác hẳn… Vẽ đi, vẽ lại suốt 5 tháng, khi đã hết sức nhuần nhuyễn, cụ mới bắt tay vào thực hiện ghép chân dung Bác bằng 79 mảnh sứ (bằng số tuổi của Bác Hồ - NV) dưới dạng phù điêu. Vừa ghép vừa vẽ bằng màu dầu của Đức. Sau gần một năm thực hiện, tác phẩm Không đâu có với kích cỡ 119 x 91 cm được hoàn thành vào ngày 3.2.2001. Với tác phẩm này, khi nhìn ở khoảng cách thật gần sẽ thấy khuôn mặt Bác mang nỗi buồn man mác, mắt nhìn về xa xăm, nhưng khi lùi ra khoảng 0,8 m thì thấy mặt Bác tươi cười, càng nhìn xa càng thấy Người vui hơn. Dưới bức tranh, tác giả cảm tác mấy câu thơ: “Không đâu có người tài đức như Bác/Thế kỷ 20 nhân loại tôn vinh/Dâng chân dung kết hợp bốn loại hình/Trăm năm mới mờ thủ công mỹ nghệ - Tác phẩm cuối đời của thợ nề Huế Hồ Quốc Việt (Văn Ba) 79 tuổi VN 3.2.2001”.
Cụ Việt cho biết năm Mậu Dần (1998), cụ cũng có thực hiện bức chân dung trắng đen của Bác Hồ mang tên Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do bằng men trắng đen, nhưng khi cụ chuyển nhà vào TP.HCM đã bị thất lạc. Cụ cứ tiếc mãi… Cụ nói: “Tôi bị gãy xương đùi, thay van tim… không biết sống được thêm mấy ngày nữa, nhưng làm được mấy bức chân dung, mà quan trọng là đã tỏa được cái “thần” của Bác cũng là đã thỏa mãn tâm nguyện!”.
Hà Đình Nguyên
>> Vẽ tranh bằng phần mềm... Excel
>> Thi vẽ tranh bảo vệ nguồn nước
>> Vẽ tranh kể chuyện... phở quát
>> Vẽ tranh về an toàn giao thông
Bình luận (0)