Lúc 11 giờ 45 một ngày trong tuần, trong phòng làm việc ở trường tiểu học Q.3, TP.HCM, thầy hiệu trưởng trệu trạo nhai phần cơm hộp. Khi được hỏi vì sao không tranh thủ về nhà, thầy cười: “Cô có thể ăn ngon, ngủ kỹ được không khi cả ngàn đứa con của mình đang ngủ ở trường? Tôi sẽ chỉ về nhà khi các con đã trở về hết và chúng vui vẻ, khỏe mạnh”.
Nghề hiệu trưởng không hề dễ dàng, toàn “màu hồng” như trong suy nghĩ của nhiều người. Hiệu trưởng, người đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm cao nhất ở một ngôi trường cũng là những người có lúc thấy mình áp lực nhất, cô đơn nhất.
Một ngày của hiệu trưởng
Công việc mỗi ngày của một người hiệu trưởng là gì? Cô Châu Thị Minh Sâm (hiện đã về hưu), nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quang Vinh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay là tất cả các công việc của mọi người trong hội đồng sư phạm. Cô Sâm liệt kê ra: dự giờ giáo viên, kiểm tra giám sát bữa ăn bán trú, kiểm tra hồ sơ sổ sách, tình hình tài chính, làm báo cáo, lên kế hoạch, kịch bản và duyệt các kịch bản, kế hoạch chương trình, quản lý giáo viên... cùng nhiều việc không tên khác.
Sáu năm nay, khi đã nghỉ hưu ở trường công lập, cô Sâm là Hiệu trưởng Trường tiểu học Việt Mỹ (VASS), Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Là hiệu trưởng trường tư có “nhẹ gánh” hơn hiệu trưởng trường công? Cô Sâm cho hay bớt được áp lực về quản lý tài chính nhưng những áp lực khác vẫn rất cao.
Tại trường tư, mỗi phụ huynh là một thanh tra viên nghiêm khắc thường xuyên của trường, sĩ số của trường là một tiêu chí phải phấn đấu không ngừng. Chính vì vậy, phải nỗ lực nhiều lần và hết mình thì công tác giảng dạy mới đạt hiệu quả thực cao nhất, từ đó mới có được sự tin tưởng gắn bó lâu dài từ phụ huynh. Ngoài ra, quản lý đội ngũ nhân sự cũng là một khó khăn, vì nhiều người không gắn bó lâu dài như tại trường công lập.
Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) và các học trò |
PHƯƠNG VY |
Cô Sâm bộc bạch: “Dù là trường công hay trường tư thì nghề hiệu trưởng cũng là nghề đầy nguy cơ và áp lực. Nếu gọi giáo viên là yêu nghề thì người hiệu trưởng ngoài yêu nghề phải say mê, đắm đuối với nghề”.
Lo từ bữa ăn, giấc ngủ của học trò
Mỗi ngày làm việc của thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) không gói gọn trong 8 tiếng. Có khi từ sáng sớm tới tối muộn, thầy vẫn tất bật xử lý giấy tờ, công văn, kiểm tra giám sát công tác ở trường.
Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ có nhiều học sinh (HS) tham gia bán trú, toàn bộ các em ăn cơm trưa do bếp ăn, căn tin của nhà trường chế biến và nghỉ trưa trong trường. Dù đã có hiệu phó chuyên trách công tác bán trú nhưng thầy Đảo cho biết trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về người hiệu trưởng nên không thể nào lơ là.
Việc ngủ trưa của HS tại trường được quản lý chặt chẽ nhờ các giám thị, điểm danh bằng app để kịp thời phát hiện HS không có mặt, liên lạc ngay với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh.
Dù là trường công hay trường tư thì nghề hiệu trưởng cũng là nghề đầy nguy cơ và áp lực. Nếu gọi giáo viên là yêu nghề thì người hiệu trưởng ngoài yêu nghề phải say mê, đắm đuối với nghề.
Cô Châu Thị Minh Sâm (nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quang Vinh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Về bữa ăn, thầy Đảo chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra căn tin, bếp ăn bán trú với đầy đủ các thành viên đại diện ban giám hiệu nhà trường, nhân viên y tế, đại diện phụ huynh HS các khối lớp để thường xuyên kiểm tra, giám sát. Trong đợt cao điểm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm vừa qua, trong 10 ngày liên tục, tổ kiểm tra này làm việc liên tục, để học trò, phụ huynh yên tâm với bữa ăn an toàn tại trường. Các ngày sau đó, tổ duy trì hình thức kiểm tra đột xuất, từ xuất xứ thực phẩm, quy trình chế biến, tới công tác bảo quản, lưu mẫu…
8 năm làm hiệu trưởng, 2 năm làm hiệu phó, thầy Đảo cho hay công việc của người làm hiệu trưởng ngày nay rất nhiều áp lực. Ngoài quản lý các hoạt động dạy và học còn vô số các công việc hành chính khác trong nhà trường.
Nguy cơ trở thành “con nợ”
Hiệu trưởng một trường học có tiếng tại Q.1 cho hay xã hội hóa và đầu tư cơ sở vật chất trong trường học hiện nay đôi khi khiến người quản lý đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó có cả những thách thức có thể dẫn đến vi phạm đặc biệt.
Vị hiệu trưởng này minh chứng: “Giờ tôi đang bị nợ mười mấy tỉ, đứng ra ký vay ngân hàng bằng chương trình kích cầu. Nếu ngại, không đầu tư thì HS không có môi trường học hiện đại, thầy cô không có điều kiện để tổ chức tốt hoạt động dạy học. Không đầu tư, không làm công trình, không đứng ra vay thì khỏe mà làm thì trở thành “con nợ” vì đứng ra ký vay nợ ngân hàng”.
Nói đến vấn đề xã hội hóa, vị hiệu trưởng cho biết, một công trình xã hội hóa bằng vốn kích cầu có thể diễn ra đến 7 hay 8 năm, có khi cả chục năm. Thế hệ HS, phụ huynh thời điểm khi trường bắt đầu thực hiện công trình thì họ hiểu nhưng thế hệ khác vào trường sau này, họ không nắm thông tin từ đầu nên việc vận động là cả một vấn đề. “Trong khi đó, trường và hiệu trưởng có trách nhiệm phải hoàn tất khoản vay đúng thời hạn”, hiệu trưởng này tâm tư.
Cô Châu Thị Minh Sâm cho rằng nghề hiệu trưởng đầy nguy cơ và áp lực |
Thúy Hằng |
Cũng cần điều trị tâm lý
Hiệu trưởng một trường cũng tại Q.1 (TP.HCM) cho hay để điều hành nhà trường, hiệu trưởng đóng cả 3 vai: vừa là nhà chính trị, vừa là nhà kinh tế và là nhà giáo dục. Đôi lúc 2 vai kia nổi trội hơn cả vai giáo dục, hiệu trưởng thường bị “nặng đầu” ở vai trò nhà kinh tế.
Hiệu trưởng này tâm tư: “Thí dụ, trong thông tư đâu nói hiệu trưởng chịu trách nhiệm với công tác quản lý bán trú, xe đưa rước, chuyện ăn uống của HS nhưng cấp quản lý lại giao trách nhiệm cho hiệu trưởng. Hay mấy năm trở lại đây bãi bỏ Nghị định 68, là nghị định có quy định thực hiện hợp đồng với Sở cho các vị trí như nhân viên bảo vệ của trường học nên ngành không còn rót kinh phí chi trả cho lực lượng này. Trong khi trường học không thể không có bảo vệ. Vậy nên trường phải tự tính toán tài chính để trả lương cho đội ngũ này, ít nhất mỗi trường cần 2 bảo vệ để thay ca. Như vậy có phải đúng hiệu trưởng là nhà kinh tế, là nhà chính trị, giữ vững tư tưởng, không để xảy ra sự cố rồi mới đến là nhà giáo dục?”.
Vị hiệu trường này cho hay hiện nay công việc của hiệu trưởng ngày càng áp lực, bản thân người quản lý đôi khi cảm thấy rất cô đơn, bị khủng hoảng về tâm lý. Khi có sự cố xảy ra thì hiệu trưởng phải tự bơi, tự xử lý bên cạnh áp lực báo cáo, giải trình...
Kiến thức chuyên môn không, chưa đủ
Hiệu trưởng không chỉ cần có kiến thức về chuyên môn mà phải nắm vững tất cả mảng công tác khác như: tổ chức, chế độ, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, quản lý tài chính, tài sản, quy chế dân chủ, công khai, chính trị tư tưởng, y tế học đường, an toàn trường học… Và quan trọng nhất là công tác quản lý con người để tạo ra một môi trường làm việc sáng tạo, dân chủ, cởi mở trong các giáo viên, nhân viên. Trường học hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc thì học trò sẽ được lan tỏa những năng lượng tích cực từ người thầy…
Thầy Đỗ Đình Đảo (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM)
Trách nhiệm với học sinh
Hiệu trưởng nào khi nhận nhiệm vụ, giao sao làm vậy, chấp nhận thực tại của đơn vị, làm cho đến khi hết nhiệm kỳ hay làm đến khi nào nghỉ hưu thì an nhàn, khỏi phải giải quyết việc này việc kia, nặng đầu. Nhưng nếu làm vậy sẽ khiến mất thời gian của học trò vì học ở trường suốt mấy năm mà không nhận được giá trị gì từ nhà trường. Hiệu trưởng phải chịu khó làm là vì trách nhiệm với học trò của mình.
Hiệu trưởng một trường tại Q.1 (TP.HCM)
Bình luận (0)