Nghề lạ ở miền Tây: Những người trầm mình dưới sông cả ngày… để lấy đất

28/08/2023 13:45 GMT+7

Trầm mình dưới sông từ hừng đông đến tối mịt, những người lặn lấy đất thuê kiếm tiền sinh sống phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Không ruộng đất canh tác nên phải bám nghề

Nghề lặn lấy đất thuê (còn gọi là xắn đất thùng) vẫn được nhiều người H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ, chọn làm kế mưu sinh. Một người có thể thu nhập vài trăm ngàn đến tiền triệu mỗi ngày, nhưng phải có sức khỏe dẻo dai, chịu được cực nhọc và đối diện nhiều nguy hiểm.

Những người chuyên kiếm tiền... dưới sông  - Ảnh 1.

Những người gắn bó hàng chục năm với nghề lặn lấy đất

DUY TÂN

Ông Trương Văn Bê (58 tuổi), trưởng nhóm xắn đất thùng, có gần 30 năm theo nghề. Ông Bê cho biết, đội ông có 5 thành viên, tuổi đời từ 40 đến hơn 50. Hầu hết họ là người không ruộng đất canh tác, không kiếm được công việc khác nên phải gắn bó với công việc này kiếm tiền mưu sinh.

Nghề lạ miền Tây: Vớt đất mưu sinh dưới đáy sông

Những người chuyên kiếm tiền... dưới sông  - Ảnh 2.

Có ngày, họ phải đạp xe hàng chục cây số để đi lặn lấy đất

DUY TÂN

Hằng ngày, các thành viên tập trung từ sớm. Sau đó, mỗi người mang đồ nghề là thùng múc đất cột phía sau xe đi xắn đất ở sông hoặc tại những mương nước của vườn cây ăn trái. "Ngày nào làm thuê ở gần nhà thì trời hừng sáng mới tập trung. Nếu làm ở nơi xa, phải đạp xe hàng chục cây số thì phải thức từ 3 - 4 giờ sáng để kịp đến nơi làm việc, tranh thủ lúc nước ròng cho dễ lấy đất", ông Bê nói.

Những người chuyên kiếm tiền... dưới sông  - Ảnh 3.

Để lấy đất dưới sông phải canh nước ròng, nếu nước lớn phải dùng chân đạp thùng mới lấy được đất đầy thùng

DUY TÂN

Nhóm thợ của ông Bê phân chia công việc luân phiên để giữ sức và làm nhanh hơn. Mỗi người một công đoạn như người phụ trách trầm mình dưới sông, mương để lấy đất vào thùng, người đứng nhận thùng đất đưa lên bờ và người khiêng thùng đi đắp nơi người thuê chỉ định.

"Nghề này không còn thịnh hành nhưng vẫn kiếm sống được, bởi nhiều nhà vườn và người dân có nhu cầu lấy đất đắp nền. Chỉ trừ mùa mưa và mùa nước nổi không làm được, còn những ngày nắng thì chúng tôi làm không có ngày nghỉ", ông Bê chia sẻ.

Những người chuyên kiếm tiền... dưới sông  - Ảnh 4.

Người phụ trách khâu vác đất từ sông lên bờ

DUY TÂN

Cần sức khỏe dẻo dai, chấp nhận nguy hiểm

Theo ông Bê, người làm nghề xắn đất thùng phải trầm mình dưới sông nhiều giờ liền. Nước ròng, việc xắn đất có phần dễ hơn, còn nước lớn phải lặn hụp mới lấy được đất, rất tốn sức. Ngoài ra, mỗi thùng đất nặng gần 20 kg, mỗi ngày khiêng hàng trăm thùng là vô cùng nặng nhọc. Vì vậy, đòi hỏi người làm nghề phải có sức khỏe dẻo dai.

Những người chuyên kiếm tiền... dưới sông  - Ảnh 5.

Khiêng đất đến nơi khách yêu cầu

DUY TÂN

Tuy nhiên, theo ông Bê, mọi người làm riết cũng quen. Đội của ông có 5 người, mỗi người một khâu. Khi người ở dưới sông lạnh thì đổi việc với người khiêng thùng đất trên bờ. Cứ luân phiên như vậy để đủ sức làm việc cả ngày.

Những người chuyên kiếm tiền... dưới sông  - Ảnh 6.

Mỗi thùng đất nặng gần 20 kg

DUY TÂN

Gắn bó với nghề xắn đất thùng hơn 30 năm qua, ông Nguyễn Kè (47 tuổi, ngụ H.Vĩnh Thạnh), thành viên trong đội của ông Bê, cho biết nghề này kiếm được nhiều tiền hơn so với đi làm phụ hồ. Mỗi ngày, cả đội nhận làm từ 200 - 1.000 thùng, mỗi thùng giá 4.000 đồng. Nếu đoạn đường từ nơi đào đất đến nơi đắp đất xa hơn thì giá tiền càng cao hơn. Nhờ đó, khi chia đều thì mỗi thành viên kiếm được từ vài trăm đến cả triệu đồng/ngày.

Những người chuyên kiếm tiền... dưới sông  - Ảnh 7.

Mỗi ngày, đội của ông Bê lặn lấy đất từ 200 - 1.000 thùng

DUY TÂN

"Nhiều vườn diện tích lớn, chủ vườn thuê trọn gói gần cả tháng nên đội có thu nhập kha khá. Đơn cử, mới đây chủ vườn dừa ở Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) thuê đội làm suốt 1 tháng để xắn đất ở mương đắp gốc cho vườn dừa hơn 10 ha, với giá gần 50 triệu đồng. Nhờ đó, anh em cũng sống khỏe", ông Kè kể.

Những người chuyên kiếm tiền... dưới sông  - Ảnh 8.

Nụ cười vẫn nở trên môi dù cực nhọc bởi ông vẫn kiếm được tiền để lo cho gia đình

DUY TÂN

Ông Lê Văn Cập (52 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trinh, H.Vĩnh Thạnh) chia sẻ, trước kia thấy nhiều người làm có tiền nên ông xin theo làm chung. Đến nay, ông đã theo nghề hơn 20 năm. "Nghề này rất nhọc nhằn và đối mặt nhiều nguy hiểm vì có lúc phải ngâm mình ở vùng nước ô nhiễm. Thậm chí giẫm đạp miểng chai, miểng sành và gai góc dưới lớp sình bùn là chuyện thường ngày. Bù lại, nhờ đó mà tôi kiếm được tiền được tiền để trang trải cuộc sống gia đình", ông Cập trải lòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.