Nghề làm ‘tượng sống’

20/10/2015 05:16 GMT+7

Trào lưu hóa thân thành “tượng sống” rồi đứng nhiều giờ liền trong các sự kiện, chương trình nghệ thuật hay ở các khu vui chơi, trung tâm thương mại đang gây sự chú ý của nhiều người...

Trào lưu hóa thân thành “tượng sống” rồi đứng nhiều giờ liền trong các sự kiện, chương trình nghệ thuật hay ở các khu vui chơi, trung tâm thương mại đang gây sự chú ý của nhiều người...

Phạm Tuấn Vỹ khiến nhiều khách hàng tại một trung tâm thương mại thích thú khi hóa thân thành bức tượng một thuyền trưởng - Ảnh: T.ĐPhạm Tuấn Vỹ khiến nhiều khách hàng tại một trung tâm thương mại thích thú khi hóa thân thành bức tượng một thuyền trưởng - Ảnh: T.Đ
Trịnh Hải Đăng, người quản lý và cung cấp nhân tượng của nhóm Body Art Sài Gòn, cho biết trong ngày khai trương một quán cà phê, người ta sẽ thuê người mẫu rồi hóa trang thành bức tượng đang bưng ly cà phê bốc khói đứng trước quán. Nhân tượng lạ, đẹp, nghệ thuật sẽ thu hút sự tò mò của người qua đường, quan khách. Họ nhìn ngắm và chụp hình cùng nhân tượng thỏa thích. Nghề mẫu nhân tượng ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Còn Thúy Nga (20 tuổi), nhà ở quận 4, TP.HCM, kể: “Cách đây hai năm, một người bạn nhờ mình làm nhân tượng. Lúc đầu bị tô màu lên người, mình ngại lắm, nhưng hóa trang xong, nhìn mình trong gương thấy thích vô cùng, đó là một tác phẩm nghệ thuật mà mình vinh dự làm mẫu. Kể từ đó, mình chuyển hẳn sang nghề mẫu nhân tượng”.
Là một trong những mẫu nhân tượng đắt show hiện nay, Hoàng Diệu (23 tuổi) quê ở tỉnh Lâm Đồng, hiện ngụ tại Q.12, TP.HCM vào nghề hơn 3 năm, hóa thân thành nhiều nhân vật ở các chương trình nghệ thuật, sự kiện khác nhau. Diệu cho biết: “Vốn là người mẫu rồi rẽ sang nghề nhân tượng, lúc đầu mình chỉ thấy nó mới, lạ nên thích. Vào nghề, ngoài thỏa mãn đam mê, nhân tượng còn là một nghệ thuật. Người mẫu hóa thân vào nhân vật, diễn suất có lúc phải nhảy, múa. Nhiều loại hình nghệ thuật kết hợp trong nhân tượng khiến mình ngày càng yêu nghề hơn. Dẫu nghề này hơi vất vả khi phải đứng liên tục, bị sơn phết lên người khá khó chịu nhưng thấy người xem thích thú mình quên hết mỏi mệt”.
Nếu như trước đây nhân tượng chỉ xuất hiện ở các buổi khai trương, giới thiệu sản phẩm, thì gần đây các chương trình ca nhạc, diễn thời trang, cải lương… người ta cũng dần chuộng loại hình này.
Phạm Tuấn Vỹ (22 tuổi), hiện đang sống tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM là vũ công và người mẫu ảnh tự do. Vốn nhảy đẹp, múa giỏi nên Vỹ nhập nghề nhân tượng khá “ăn rơ”. Vỹ cho biết: “Đã là tượng người mà chỉ đứng yên thì phí lắm, mình phải chuyển động phù hợp với nhân vật để thu hút thêm sự chú ý của mọi người và có sự giao lưu, gắn kết với khách xem, như thế sẽ tăng lên giá trị”.
Sau hơn 7 năm xuất hiện tại TP.HCM, lực lượng người mẫu nhân tượng hiện khá dồi dào với nhiều nhóm lớn nhỏ khác nhau đang hoạt động. Tuy vậy, người mẫu nam chiếm đa số bởi làm mẫu tượng bị tô màu lên cơ thể, mặc ít đồ, nhiều người mẫu nữ ái ngại.
Để nhân tượng đẹp, thu hút cần phải có một người vẽ giỏi, có gu thẩm mỹ tốt để thể hiện được nhân vật mà người mẫu hóa thân. Vì lẽ đó, thường những ông bầu, trưởng nhóm nhân tượng là người đã từng hoạt động nghệ thuật hoặc tốt nghiệp trường kiến trúc, mỹ thuật.
Làm việc với một trưởng nhóm tốt, có tâm, giỏi nghề là ước mơ của những người mẫu nhân tượng. “Có những người không hiểu nghề, hám lợi, không biết trân trọng người mẫu, họ quét lên người mình loại màu dỏm, thậm chí có khi xịt cả sơn khiến da bị dị ứng, ngứa. Đó là những cái sợ của người mẫu tượng”, Hoàng Diệu thổ lộ.
Theo Trịnh Hải Đăng, thu nhập của người mẫu tượng tùy thuộc vào quy mô của chương trình, độ khó của tượng. Thường sẽ có giá từ 400.000 đến hơn 1 triệu đồng cho 2 giờ đứng mẫu. “Trong tương lai nghề mẫu tượng sẽ còn phát triển bởi nhu cầu xã hội đang rất cao. Mặc dù vậy, người mẫu tượng ngoài việc chăm sóc vẻ đẹp cơ thể còn phải học múa, học nhảy để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường”, Thúy Nga nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.