Nghề livestream - Kỳ 7: Lựa chọn phổ biến trong xu hướng làm việc tự do

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
01/09/2024 07:18 GMT+7

Theo các nhà cung cấp giải pháp nhân sự, ngành livestream đang là một chọn lựa nghề nghiệp phổ biến, nhất là đối với người trẻ, trong bối cảnh chuyển đổi xu hướng làm việc tự do, đa dạng nguồn thu nhập.

Gia tăng tuyển dụng nhân sự

Theo bà Phạm Thị Phương Khanh , Giám đốc marketing của Navigos Group (tập đoàn tuyển dụng nhân sự, có nền tảng việc làm trực tuyến là VietnamWorks và dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search), nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến livestream tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) và công nghệ kỹ thuật số.

Nghề livestream - Kỳ 7: Lựa chọn phổ biến trong  xu hướng làm việc tự do- Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Phương Khanh, Giám đốc Marketing của Navigos Group

ẢNH: NVCC

Bà Khanh dẫn các thông tin nghiên cứu của McKinsey's E-commerce Global Initiative (một công ty tư vấn chuyển đổi số hàng đầu thế giới) cho thấy hình thức livestream bán hàng đang chứng minh hiệu quả vượt trội so với các hình thức TMĐT truyền thống, khi trên các nền tảng mạng xã hội mỗi ngày có khoảng 70.000 - 80.000 phiên livestream bán hàng. Hay theo báo cáo từ Coresight Research (một công ty nghiên cứu thị trường chuyên sâu ngành bán lẻ và TMĐT) cho thấy doanh số từ livestream toàn cầu đã tăng từ 60 tỉ USD (năm 2019) lên 171 tỉ USD (năm 2023). Trong khi đó, năm 2023, Việt Nam đã vươn lên vị trí top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới.

Xu hướng livestream có thể ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực khác trong nền kinh tế địa phương, nhất là trong việc thúc đẩy TMĐT và tiếp thị sản phẩm. Nhờ vào livestream, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng mà không cần đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng truyền thống.

Đi kèm theo sự bùng nổ này là nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho các vị trí trong ngành livestream như chuyên viên bán hàng qua livestream, người sáng tạo nội dung, chuyên viên booking KOL/KOC, chuyên viên quản lý vận hành studio, chuyên viên phân tích hiệu suất livestream, quản lý sàn TMĐT và livestream, biên tập viên video... tại TP.HCM và trên toàn quốc cũng đang gia tăng đáng kể.

Nghề livestream - Kỳ 7: Lựa chọn phổ biến trong  xu hướng làm việc tự do- Ảnh 2.

Livestream là công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức

ẢNH: UYỂN NHI

Theo phân tích của Navigos Group, các công việc tuyển dụng trong lĩnh vực livestream thường đòi hỏi ứng viên có ngoại hình ưa nhìn, giọng nói rõ ràng, dễ nghe, không mắc các lỗi phát âm như nói ngọng hay mang nặng giọng địa phương. Ứng viên cần nhanh nhẹn, có khả năng xử lý tình huống linh hoạt để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình livestream. Khả năng hoạt ngôn, tương tác tốt với khách hàng, chốt đơn hiệu quả, nắm bắt xu hướng nhanh chóng cũng là những kỹ năng quan trọng. Trong đó, những ứng viên tốt nghiệp chuyên ngành marketing, báo chí, hoặc có kinh nghiệm xây dựng nội dung livestream sẽ được ưu tiên. Bên cạnh đó, tính trung thực, sự chăm chỉ và nỗ lực trong công việc cũng là những phẩm chất cần thiết.

Trong tương lai, ngành này sẽ còn phát triển và nguồn nhân lực tiếp tục gia tăng, tức lĩnh vực livestream sẽ tạo ra một thị trường lao động phong phú với nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng.

Xu hướng phát triển của livestream

Bà Nguyễn Thị Việt Thanh, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe (công ty chuyên về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và nơi làm việc hạnh phúc), cho hay có 4 xu hướng phát triển của nghề livestream trong thời gian tới.

Nghề livestream - Kỳ 7: Lựa chọn phổ biến trong  xu hướng làm việc tự do- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Việt Thanh, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe

ẢNH: NVCC

Một là tích hợp công nghệ AI và AR. Bà Thanh dẫn khảo sát người tiêu dùng 2024 của PwC (một trong 4 tập đoàn cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy có 56% người tiêu dùng tin tưởng vào tính năng đề xuất sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI). Do đó, ứng dụng AI và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) trong livestream để cá nhân hóa sẽ giúp người dùng thấy gần gũi hơn.

Thứ hai, livestream sẽ trở thành công cụ chủ lực trong các chiến lược marketing của nhiều doanh nghiệp, tăng tỷ lệ chuyển đổi bán hàng vì nó củng cố mối quan hệ với khách hàng và tạo ra trải nghiệm mua sắm hấp dẫn và chân thực hơn.

Ba là livestream sẽ phát triển đa dạng nội dung và trên nhiều lĩnh vực khác nữa như giáo dục, y tế, nghệ thuật, dịch vụ công cộng.

Và cuối cùng, theo bà Thanh, tạo ra nhiều nghề nghiệp liên quan đến livestream; nói cách khác, thị trường sẽ chuyên nghiệp hóa ngành livestream. Các doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm những cá nhân có kỹ năng cơ bản, mà còn yêu cầu có sự am hiểu sâu sắc về kỹ thuật quay phim, ánh sáng, âm thanh, và cả nghệ thuật giao tiếp trước ống kính. Do đó, nó đòi hỏi một sự đầu tư nghiêm túc vào đào tạo và phát triển chuyên môn cho lực lượng lao động trong ngành.

Điều này cũng tạo nên thách thức về chất lượng nhân lực. Bà Thanh phân tích, người lao động, nhất là người trẻ ngày càng muốn làm tự do, đa nguồn thu nhập, và livestream đã trở thành một trong những lựa chọn phổ biến.

"Theo khảo sát Xu hướng người đi làm của Anphabe năm 2024, có 60% người đi làm đã bắt đầu có nhiều hơn một nguồn thu nhập, trong đó các công việc tự do (freelance) thuộc top 3 nguồn thu nhập tiềm năng nhất. Đây là sự thay đổi sâu sắc trong tư duy về nghề nghiệp", bà Thanh nhấn mạnh.

Không chỉ đơn thuần là việc xuất hiện trước ống kính

Theo bà Nguyễn Thị Việt Thanh, để thật sự thành công và phát triển bền vững trên con đường này, người lao động cần nhìn nhận nghề livestream không chỉ đơn thuần là việc xuất hiện trước ống kính nữa, thay vào đó là trách nhiệm xây dựng và bảo vệ hình ảnh, giá trị, và uy tín của doanh nghiệp.

"Đây là một trách nhiệm không hề nhỏ và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ kiến thức pháp luật, kỹ năng quản lý kinh doanh trực tuyến đến khả năng thấu hiểu tâm lý khách hàng và giao tiếp hiệu quả với công chúng", bà Thanh nói và cho biết thêm mặc dù ngành livestream đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng, nhưng chất lượng vẫn là một vấn đề lớn.

Nhiều streamer tại Việt Nam vẫn chưa được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để đảm bảo sự chuyên nghiệp trong công việc. Điều này có nghĩa lĩnh vực livestream đòi hỏi không chỉ tố chất tự nhiên mà còn cần có sự đào tạo bài bản. Khảo sát của Navigos Group cho thấy, hiện nay nhiều trường đại học và cao đẳng như Trường ĐH Gia Định và Trường cao đẳng FPT Polytechnic đã bắt đầu đưa nghề livestream vào chương trình giảng dạy. Giữa tháng 6.2024, Trường ĐH Gia Định và Hiệp hội TMĐT VN (VECOM) đã tổ chức khóa học livestream miễn phí cho sinh viên. Hay Trường cao đẳng FPT Polytechnic triển khai giảng dạy livestream bán hàng từ năm 2017 và gần đây ký hợp tác với MVOT X để phát triển hơn 1.000 phòng live chuyên nghiệp tại các cơ sở của trường, nhằm cung cấp cơ sở vật chất hiện đại cho sinh viên thực hành.

Cũng có ý kiến tương tự, theo bà Phạm Thị Phương Khanh, con đường trở thành streamer đòi hỏi loạt kỹ năng và kiến thức đa dạng, đó là kỹ năng giao tiếp và thuyết phục; hiểu biết về tiếp thị và kinh doanh.

Ngoài ra, streamer phải có kiến thức về công nghệ và sản xuất nội dung như hiểu biết về các công cụ quay phim, chỉnh sửa video, âm thanh, và các nền tảng phát sóng trực tiếp. Đặc biệt, phải am hiểu pháp luật, nhất là tuân thủ các quy định về thuế, bản quyền, và bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, theo bà Khanh, người livestream phải luôn cải thiện không ngừng để thu nạp kiến thức, kỹ năng; xây dựng và phát triển một thương hiệu cá nhân rõ ràng và nhất quán.

"Trong tương lai, con đường trở thành một streamer thành công sẽ không mấy dễ dàng. Nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cam kết nghiêm túc, người lao động có thể tận dụng được cơ hội lớn trong ngành này, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp số tại Việt Nam", bà Khanh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.