Nghe lời hứa hẹn được 'nâng hạn mức tín dụng' rồi… sập bẫy lừa

Thanh Nam
Thanh Nam
02/08/2024 12:24 GMT+7

Ngày càng có nhiều nạn nhân... sập bẫy lừa khi tin tưởng vào những cuộc gọi hứa hẹn hỗ trợ cho vay, nâng hạn mức tín dụng.

"Bay" tiền triệu trong chốc lát

Anh Văn Công Ấn (31 tuổi), làm việc tại The Coffee House, Q.1, TP.HCM, cho biết mới đây đã... sập bẫy lừa, mất 6 triệu đồng trong chớp nhoáng. Lý do vì tin vào lời dẫn dụ của người lạ mạo danh là nhân viên một ngân hàng TMCP giúp nâng hạn mức tín dụng.

Nghe lời hứa hẹn được 'nâng hạn mức tín dụng' rồi… sập bẫy lừa- Ảnh 1.

Khi có nhu cầu vay hoặc sử dụng các dịch vụ cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng để tìm hiểu kỹ

THANH NAM

Anh kể vào ngày 18.7 đã nhận được cuộc gọi từ số 0299888… Phía đầu dây bên kia, người gọi cho biết là nhân viên ngân hàng mà anh Ấn đang sử dụng. "Họ nói tôi có công việc, thu nhập ổn định và lịch sử tín dụng "đẹp" (tức không bị nợ xấu – PV) nên ngân hàng cảm thấy tôi hoàn toàn có khả năng thanh toán dư nợ tín dụng trong dài hạn. Vì thế, ngân hàng quyết định nâng hạn mức tín dụng cho tôi. Bản thân đang có nhu cầu nên tôi đồng ý", anh nhớ lại.

Sau đó, anh được yêu cầu đóng lệ phí 6 triệu đồng "vì đây là phí để làm hồ sơ nâng hạn mức tín dụng, số tiền này sẽ được hoàn trả sau khi hoàn thành thủ tục". "Tôi nghe theo và bị lừa mất 6 triệu đồng", anh ta thán.

Trên nhiều hội, nhóm ở Facebook, không ít người cũng than thở và tỏ ra ngán ngẩm vì… trót dại, nghe lời theo những cuộc gọi của người lạ để nâng hạn mức tín dụng và rồi nhận cái kết đắng nghét, tức bị lừa tiền.

Phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác

Anh Đỗ Hoàng Sơn, thành viên diễn đàn chongluadao.vn, cho biết bẫy lừa này tuy không mới, thậm chí khá phổ biến suốt thời gian qua, tuy nhiên ngày càng có nhiều người trở thành nạn nhân. Để tránh sập bẫy lừa này, cần phải biết được những dấu hiệu. Có thể kể như: không được tin vào những cuộc gọi mà bên kia đầu dây tự xưng là nhân viên ngân hàng, đừng tương tác hoặc liên hệ với các fanpage có nội dung về dịch vụ cho vay tiền, tuyệt đối không nghe những lời hứa hẹn về dịch vụ mở thẻ tín dụng hay nâng cấp hạn mức tín dụng tiêu dùng...

"Tất cả những nạn nhân của bẫy lừa này đều chủ quan vì nghe lời người lạ, tức kẻ lừa, để chuyển tiền đóng khoản phí đảm bảo tài sản cũng như để được duyệt nâng hạn mức. Số tiền này sẽ bị kẻ lừa chiếm đoạt. Sau đó chặn số điện thoại, Facebook, Zalo...", anh Sơn nói.

Cũng theo anh Sơn, mọi người cần tìm hiểu kỹ và sử dụng dịch vụ của các cơ quan, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Phải cảnh giác khi nhận cuộc gọi từ số lạ. Nên liên hệ trực tiếp tại các quầy giao dịch hoặc gọi đến số hotline trên trang chủ của những ngân hàng để kiểm tra thông tin. Hơn hết, không được chuyển tiền đặt cọc, đảm bảo tài sản khi có nhu cầu vay tiền hoặc đăng ký dịch vụ tín dụng qua mạng.

Ông Lê Quang Thương, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần ở Q.1, TP.HCM, cho biết ngoài bẫy lừa nâng hạn mức tín dụng, thì nhiều người cũng là nạn nhân của các "chiêu" khác như kẻ lừa hứa hẹn làm hồ sơ vay tiền trực tuyến, sau đó yêu cầu người vay phải chuyển một khoản tiền nhỏ phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay. Kẻ lừa còn có thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng, dẫn dụ người vay tiền đóng phí trước để được vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp…

"Khi có nhu cầu vay hoặc sử dụng các dịch vụ cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng để tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác cũng như được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu trở thành nạn nhân của những bẫy lừa, nên nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất", ông Thương nói.

Ngân hàng không cung cấp các dịch vụ mời chào nâng hạn mức qua điện thoại

Mới đây, trên website của ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã có những khuyến cáo để khách hàng giao dịch an toàn. Cụ thể, VIB đã nêu ra các nguy cơ lừa đảo cần chú ý trong giao dịch ngân hàng. Đó là mạo danh ngân hàng tiếp cận khách hàng với các kịch bản: hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học, dẫn dụ khách hàng kết bạn qua Zalo và yêu cầu cung cấp hình ảnh chứng từ CCCD, ảnh selfie và hoặc gọi video cho mục đích thu thập giọng nói, cử chỉ của khách hàng để thực hiện hành vi mạo danh, chiếm đoạt tài khoản hoặc sử dụng với mục đích xấu khác.

Ngoài ra, kẻ lừa còn thực hiện các cuộc gọi thu thập thông tin thẻ của khách hàng bao gồm cả mã OTP hoặc tiếp cận thông qua website giả mạo, email giả mạo gần giống với website, email ngân hàng với các dịch vụ chào mời : dịch vụ nâng hạn mức, dịch vụ hủy thẻ, miễn/ hủy phí thường niên…

Kẻ lừa cũng giả mạo website và ứng dụng dịch vụ công có chứa mã độc để kiểm soát và chiếm quyền sử dụng thiết bị của khách hàng, thực hiện hàng loạt các giao dịch chiếm đoạt tài sản…

"VIB cam kết tuyệt đối không có bất kỳ mối liên hệ hoặc hợp tác nào với các tổ chức này. Không cung cấp các dịch vụ mời chào nâng hạn mức qua điện thoại và các dịch vụ trái phép thông qua các cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, email giả mạo", VIB thông báo.

Nhiều ngân hàng khác cũng có những thông báo tương tự.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.