Nghề MC hút bạn trẻ

Thu nhập cao, dễ nổi tiếng... nghề dẫn chương trình hiện đang thu hút nhiều người trẻ.

Thu nhập cao, dễ nổi tiếng... nghề dẫn chương trình hiện đang thu hút nhiều người trẻ.

MC Lê Thị Anh Đào (bìa trái) đang dẫn cho một chương trình - Ảnh: T.ĐMC Lê Thị Anh Đào (bìa trái) đang dẫn cho một chương trình - Ảnh: T.Đ
Thực tế, những người dẫn chương trình (MC) trẻ xuất hiện ngày càng nhiều như Hoàng Vũ, Phong Linh, Trần Thủy, Đào Duy, Trần Hoàng, Anh Đào, Hoài Hương, Lý Gia Hoàng... trong các chương trình về giáo dục, văn hóa giải trí, thể thao, thời sự trên truyền hình. Bên cạnh đó, họ còn tham gia các sự kiện ở những công ty, doanh nghiệp, trường học, sân khấu ca nhạc...
Theo MC Quyền Linh, sở dĩ nhiều bạn trẻ thích làm MC bởi nghề này đem lại nhiều cơ hội việc làm, từ những chương trình truyền hình, các sự kiện ở công ty, trường học... Bên cạnh đó, khi làm MC còn thể hiện được cá tính, cái tôi, được làm chủ, làm nhân vật chính. Ngoài ra, việc dễ được nổi tiếng, có thu nhập khá cao cũng là những yếu tố hấp dẫn người trẻ. MC Anh Đào và Lâm Trí Thuận tiết lộ thu nhập mỗi tháng hiện nay khoảng từ 15 - 20 triệu đồng. Những dịp cao điểm thì thu nhập cao hơn.
Chính vì thế mà nhiều người dù học những chuyên ngành không liên quan như kinh tế, ngoại thương... nhưng cũng chọn ngã rẽ tìm đến nghề MC. Có thể kể đến như Anh Đào (cựu sinh viên ngành quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) hay Phong Linh, Hoài Vũ, Việt Thắng (sinh viên Trường ĐH Văn Lang)... cũng chọn nghề MC để theo đuổi.
Mẫu số chung của họ là bắt đầu bằng việc học qua lớp đào tạo người dẫn chương trình, sau đó thử sức ở những cuộc thi như: Cầu vồng, Người dẫn chương trình truyền hình... để tạo tên tuổi và tìm kiếm cơ hội làm việc.
Không ít MC trẻ để lại nhiều ấn tượng với các MC nổi tiếng. MC Phan Anh đã nhận định: “Lứa đồng nghiệp trẻ hiện nay rất năng động và sáng tạo. Họ thể hiện được cá tính và cái tôi rõ ràng”.
Phải không ngừng học hỏi
Chia sẻ với người viết, các MC trẻ cho biết ước mong lớn nhất của họ là được xuất hiện trên truyền hình, các sân khấu lớn. Vì khi đó sẽ được nhiều người biết đến, nhiều đơn vị tuyển dụng chú ý và mời dẫn cho các sự kiện.
Tuy nhiên, đại diện một công ty sự kiện tại TP.HCM thừa nhận những MC trẻ hiện gặp không ít áp lực, đặc biệt là sự cạnh tranh. Bởi trong các chương trình lớn, hầu hết nhà tổ chức mời những người nổi tiếng, những MC đã định hình tên tuổi. Chính vì thế những MC trẻ chưa có nhiều cơ hội để phát huy khả năng.
Nói về vấn đề này, MC Nguyên Khang cho rằng những MC mới vào nghề có lợi thế trẻ, năng động. Nếu áp lực và chật vật trong việc tìm kiếm cơ hội thì nên tăng kỹ năng để làm “điểm cộng” trong mắt các nhà tuyển dụng, nhà sản xuất, công ty. Ngoài việc xây dựng hình ảnh cá nhân thật tốt thì cần tôi luyện những kỹ năng như: hài hước, xây dựng mối quan hệ, ngoại ngữ và chuyên môn.
MC Phan Anh cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất của nghề này là giữ được sự bình tĩnh trên sân khấu để có thể xử lý tình huống tốt nhất. Chính vì thế phải thường xuyên theo dõi các chương trình, xem những MC chuyên nghiệp ứng xử tình huống như thế nào, phong cách dẫn dắt của họ ra sao.
Những MC kỳ cựu cũng nhận xét, nhiều MC trẻ hiện nay sáng tạo, có khả năng dẫn chương trình rất tốt, giọng nói lưu loát, truyền cảm, có ngoại hình đẹp... Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khi dẫn chương trình chưa thể hiện thật sự phù hợp với văn hóa, truyền thống của người VN. MC Quyền Linh nói: “Đây là điều cần lưu tâm. Có thể theo dõi và học tập những MC nước ngoài, nhưng khi áp dụng cho bản thân thì cần có sự cân nhắc hài hòa, chọn lọc hợp lý. Và điều quan trọng nhất của nghề MC chính là vốn sống. Ai cũng làm được MC cả, ai cũng có thể nhìn kịch bản và thuộc lòng được. Nói theo kịch bản thì quá dễ, nhưng vốn sống mới cần thiết. Vậy nên phải tích lũy từ cuộc sống, liên tục cập nhật kiến thức”.
Chia sẻ thêm với những MC trẻ, MC Nguyên Khang cho rằng: “Để có thể giữ được “lửa” thì khi bước vào nghề này phải xác định rõ bản thân có đam mê thật sự hay không? Bên cạnh đó, cần phải định hình rõ phong cách theo đuổi phù hợp với khả năng thì mới có thể thành công”.
Ý kiến
“Các MC trẻ phải tự trau dồi, học hỏi mỗi ngày. Những ngày đầu vào nghề, mình phải dẫn chương trình ở hầu khắp các sự kiện như: tiệc cưới, khai trương cửa hiệu, ra mắt sản phẩm của doanh nghiệp. Phải dẫn nhiều thì mới mạnh dạn trên sân khấu và sửa đổi những khuyết điểm, sau đó phát triển dần lên”.
MC Anh Đào
“Ngoại ngữ không chỉ là “chìa khóa” giúp bản thân mình “mở cửa” thành công các chương trình của các công ty nước ngoài mà còn là cơ hội giúp mình có thể kết nối với cộng đồng, tìm hiểu văn hóa của các quốc gia trên thế giới, nhất là trong Cộng đồng kinh tế ASEAN”.
MC Trần Vũ Hoàng
“Làm MC hiện nay không chỉ xuất hiện, dẫn theo kịch bản là đủ, mà còn phải học hỏi thêm nhiều kiến thức về vấn đề, sự kiện mà mình dẫn. Ví dụ khi phỏng vấn một người nổi tiếng nào đó, ngoài kịch bản của biên tập viên, mình còn phải tìm thêm thông tin về nhân vật đó, có như thế buổi nói chuyện mới thành công”.
MC Lâm Trí Thuận
Học MC ở đâu ?
Có nhiều nơi tổ chức những khóa đào tạo MC dành cho những người trẻ yêu mến nghề này. Ở Hà Nội có thể kể đến: Trung tâm đào tạo kỹ năng mềm VietSkill (26/45 Nguyên Hồng, P.Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội), Trung tâm tư vấn và đào tạo kỹ năng mềm Connect (tòa nhà Talico, 22 Hồ Giám, Tôn Đức Thắng, Q.Đống Đa, Hà Nội)... Tại TP.HCM: Nhà văn hóa Thanh niên (4 Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Q.1), Cung văn hóa Lao động (55B Nguyễn Thị Minh Khai, P.Bến Thành, Q.1), Trường John Robert Powers (55 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Bến Nghé, Q.1), Nhà văn hóa Phụ nữ (188 - 192 - 194 Lý Chính Thắng, P.9, Q.3), Trường Gemini (39 Hoa Lan, P.7, Q.Phú Nhuận), Trường đào tạo nghệ thuật ứng dụng IMMC (42A đường số 21, P.8, Q.Gò Vấp), Tổ chức Giáo dục và nhân đạo Lời nói gói vàng (46 Nguyễn Văn Thủ, P.Đakao, Q.1)... Ngoài ra, các trung tâm văn hóa các quận, nhiều trường ĐH cũng tổ chức dạy nghề này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.