Nghề môi giới cầu thủ: Chạnh lòng với những thành kiến

29/08/2020 09:30 GMT+7

Bản thân từ “cò” đã đánh mất khá nhiều thiện cảm của mọi người, nhất là sau những phi vụ đi đêm, “lật kèo”... ở VN. Nhưng trong giới vẫn có những người muốn làm việc một cách tử tế, lâu dài, và bóng đá VN vẫn cần tới họ dù có muốn thừa nhận hay không.

Cách biệt giữa ông hoàng và “rác”

Anh Nguyễn Minh Châu kể, gần 10 năm trước khi sang Anh mở rộng thị trường, bước xuống sân bay Healthrow (thủ đô London), anh choáng khi thấy 4 chiếc siêu xe bóng lộn đợi sẵn. Anh nhớ lại: “Tôi sốc thật sự khi nhìn thấy 2 chiếc Ferrari. Sở dĩ có đến 4 chiếc xe vì 1 trong số đó để chở... hành lý cho tôi. Tôi được chăm sóc suốt cuộc hành trình như một ông hoàng dù đối tác chỉ là những CLB hạng nhất, hạng nhì của Anh. Tất nhiên, tôi hiểu chủ nhà trân trọng khách mời như là cách thể hiện tầm vóc của họ. Nhưng tôi xúc động vì thấy ở đây nghề của mình có giá trị, được trân trọng. Điều này khác hẳn so với ở Việt Nam, nhiều khi xong việc chúng tôi có cảm giác bị coi như “rác”. Không phải CLB nào cũng vậy, nhưng cảm giác chung thì ai làm nghề này cũng thấy”.
“Từ ngày bóng đá Việt Nam bước lên chuyên nghiệp đến nay, thử hỏi có bao giờ VFF có lời mời anh Đại (“siêu cò” Trần Tiến Đại) hay những người môi giới chúng tôi đến dự các buổi tổng kết để chia sẻ khó khăn, góp ý để cùng giúp bóng đá Việt Nam tốt hơn? Không có chúng tôi, liệu cầu thủ Việt Nam đời có lên hương hay vẫn đá bóng kiểu “ba cọc, ba đồng” như trước kia?”, anh Nguyễn Minh Châu chia sẻ.
Tốt nghiệp đại học luật và sở hữu 3 bằng cử nhân, anh Nguyễn Minh Châu có thâm niên gần 20 năm làm môi giới cầu thủ tại Việt Nam. Từng bị thân chủ, thậm chí là các ông bầu, giám đốc CLB “phản kèo”, anh đang tạo ra một cách làm việc riêng cho mình bằng nghệ thuật phòng ngự mà anh hay nói vui là “thủ đồ chơi”, đảm bảo tính pháp lý cao nhất. Đó cũng là một cách tự bảo vệ, khi “cò” cầu thủ vẫn hoạt động kiểu nhập nhằng tranh tối tranh sáng bởi không phải CLB nào cũng thích minh bạch tài chính.

Giá trị không thể phủ nhận

Một trong những điều làm các nhà môi giới lâu năm dễ chạnh lòng là hình ảnh không tốt trong mắt truyền thông và dư luận, khán giả. Anh Châu bày tỏ: “Thực ra chúng tôi cũng hiểu cái nhìn của VFF với chúng tôi không được thiện cảm lắm. VFF như vậy thì các CLB cũng không có cái nhìn tích cực với chúng tôi. Những người làm môi giới nghiêm túc như chúng tôi không dám đòi hỏi VFF tôn trọng, chỉ dám mong công nhận hay một chút quan tâm, ghi nhận nhỏ bé nào đó. Vì thực sự bóng đá Việt Nam vẫn gắn chặt với công việc của chúng tôi. Các CLB vẫn cần chúng tôi để có những ngoại binh tốt, với mức tiền phù hợp. Để làm tử tế, nghiêm túc và lâu dài, chúng tôi phải đầu tư rất nhiều, động não tìm cách làm bài bản, có kế hoạch và chiến thuật rõ ràng. Chúng tôi luôn phải tìm hiểu luật để tránh bị đối tác “lật kèo”. Nghề môi giới cầu thủ ở Việt Nam vẫn chưa thực sự “lên mặt bàn”, lý do một phần do chúng tôi nhưng còn từ phía khác”.

Ông Minh Châu và tiền đạo Henry Kisekka của Đồng Nai

Quốc Việt

Thực tế thì dù VFF hay các CLB có thừa nhận hay không thì nghề môi giới cầu thủ ở Việt Nam - kể cả “chính thống” hay “cò chui” - vẫn tồn tại vì giá trị, hiệu quả công việc của họ. Trong rất nhiều trường hợp người môi giới hiểu rõ cầu thủ nhất, phản ứng nhanh nhất khi cầu thủ gặp sự cố. Đặc thù nghề nghiệp khiến “cò” cầu thủ chủ động đầu tư xây dựng những mối quan hệ đặc biệt để “phản ứng nhanh” khi cần. Như mùa 2015 - 2016, tiền đạo Henry Kisekka của Đồng Nai sau trận đấu đã về Sài Gòn chơi tại khu phố Tây Phạm Ngũ Lão (Q.1). Nửa đêm anh này bị nhồi máu cơ tim phải đi cấp cứu. Anh Nguyễn Minh Châu kể: “Đã 2 giờ sáng nên khách sạn gọi đến CLB Đồng Nai nhưng không ai bắt máy. Tôi tức tốc chạy từ Q.Bình Tân lên Q.1 để đưa Henry đi bệnh viện và ứng viện phí. Sáng tỉnh dậy anh này nhe răng cười nói: “Có gì giúp giùm, lo cho tui đi”. Sau đó CLB Đồng Nai đã cảm ơn tôi rất nhiều”.
Một kỷ niệm khác là khi tiền đạo Abass Dieng của Becamex Bình Dương gãy chân trong trận chung kết Cúp quốc gia Việt Nam 2015 sau pha vào bóng thô bạo của Thanh Hào (Hà Nội). Lập tức, xe cấp cứu đưa Abass vào Bệnh viện FV. Anh Châu đã phải cầm ô tô ngay trong đêm để có tiền ứng viện phí. “FV quy định phải đóng trước 6.000 USD mới phẫu thuật. Hạn mức rút tiền ATM không đủ, cần gấp quá nên tôi chạy sang Q.4 cầm ô tô lấy tiền đóng viện phí. Sau đó tôi phải đi mua từng chén cháo, tô cơm về cho Abass”, anh Châu kể. Sau 2 mùa giúp Bình Dương vô địch V-League (2014, 2015), Abass khi giải nghệ đã được anh Châu mở đường lấy visa 10 năm tại Mỹ, hiện đang sống cùng gia đình. Họ vẫn là bạn tốt cho đến lúc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.