Nghệ nhân 9X suốt 4 ngày đêm tạc tượng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

26/07/2024 12:06 GMT+7

Bức tượng bằng gỗ mít tạc chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh mang theo trên hành trình từ Bắc Giang về Nhà tang lễ Quốc gia để bày tỏ tình cảm tri ân sâu sắc với vị lãnh đạo đáng kính, đã làm việc đến giây phút cuối đời, vì nước, vì dân.

Trong dòng người kiên nhẫn xếp hàng, chậm rãi đi từng bước để vào Nhà tang lễ Quốc gia sáng 26.7, anh Nguyễn Văn Mạnh (30 tuổi) ôm theo bức tượng gỗ tạc chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nghệ nhân 9X suốt 4 ngày đêm tạc tượng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 1.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Mạnh mang theo tượng điêu khắc chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào viếng tại Nhà tang lễ Quốc gia

PHAN HẬU

Nguyễn Văn Mạnh là nghệ nhân điêu khắc, được Hiệp hội làng nghề Việt Nam cấp bằng chứng nhận từ năm 2020. Mạnh có xưởng gỗ riêng tại quê nhà xã Thái Sơn, H.Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Chia sẻ về tác phẩm đặc biệt mang về Hà Nội, Mạnh cho biết, chiều 19.7 khi đọc tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bằng tình cảm xúc động rất tự nhiên, Mạnh đã quyết định ngay, sẽ tạc tượng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bày tỏ tấm lòng tri ân thành kính.

Nghệ nhân 9X tạc tượng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mang đến viếng mong tặng lại gia đình

"Tôi nghĩ ngay đến khúc gỗ mít đã cất công sưu tầm, cất giữ ở xưởng nhiều năm nay. Khúc gỗ này khô kiệt, độ bền cao rất phù hợp để tạc tượng chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", anh Mạnh nói.

Để bức tượng thật giống từ khuôn mặt, phong thái Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Mạnh lên mạng tìm ảnh chân dung, xem đi xem lại rất nhiều video của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều hoạt động, sự kiện khác nhau và chọn ra một tấm ảnh mẫu đẹp nhất.

Nghệ nhân 9X suốt 4 ngày đêm tạc tượng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 2.

Tác phẩm điêu khắc đặc biệt được nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh hoàn thành sau 4 ngày làm việc liên tục

PHAN HẬU

Bức tượng được nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh đục hoàn toàn thủ công. Ngay tối 19.7, Mạnh bắt đầu ngồi đục đến giữa đêm. Những ngày sau đó, Mạnh tạm gác lại một số công việc, dành toàn tâm toàn ý thời gian trong ngày để tập trung cao nhất vào tác phẩm điêu khắc đặc biệt này.

"Bắt đầu từ ngày 20.7, tôi ngồi đục tượng cả ngày, chỉ nghỉ lúc ăn cơm, làm việc thông trưa, buổi tối làm đến 22 giờ sau 4 ngày thì hoàn thành tác phẩm. Trong khi bình thường để làm một tác phẩm như thế này, một thợ đục phải làm việc liên tục trong khoảng 15 ngày", anh Mạnh kể.

Để có mặt trong đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sáng 26.7, anh Mạnh đã dậy từ 3 giờ 30, từ quê nhà Bắc Giang anh đi xe ô tô về Hà Nội đón thêm một vài người bạn. Đến 7 giờ, nhóm bạn của anh Mạnh bắt đầu xếp hàng, hòa cùng dòng người vào Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Sau hơn 1 tiếng đi bộ, anh Mạnh đã hoàn thành tâm nguyện khi được đứng trước linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chắp tay vái lạy tri ân, tiễn biệt vị lãnh đạo đã dành cả một đời vì nước, vì dân.

"Chỉ vài giây phút ngắn ngủi đứng trước linh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà lòng bồi hồi, nghẹn ngào, xúc động. Với tôi đây là khoảnh khắc thiêng liêng sẽ nhớ mãi trong cuộc đời và nguyện vọng lớn nhất sau lễ Quốc tang này là mong được tặng lại tác phẩm này cho gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", anh Mạnh nói.






Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.