“Thùng thùng tiếng trống rung ngày hội. Cờ hồng phơi phới khắp quê hương, cất bước lên đường ông lão phăm phăm cất bước lên đường, tuổi già như trẻ lại ối i a ối i à...”. Đó là mở màn hoạt cảnh chèo Lão dân quân anh hùng, do nghệ sĩ Đỗ Tùng sáng tác, biểu diễn hồi những năm kháng chiến chống Mỹ. Giờ đây, vẫn có thể tìm nghe lại hoạt cảnh này trên mạng. Tác phẩm được NSƯT Đỗ Tùng, khi đó là Đoàn phó Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, sáng tạo để hưởng ứng sự kiện các cụ lão dân quân Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bắn rơi máy bay Mỹ. Tiết mục này rất nổi tiếng trên làn sóng Đài Tiếng nói VN, nhận được yêu cầu phát đi phát lại nhiều chục năm về sau.
NSƯT Đỗ Tùng (trái) và người mê chèo |
Hưng Nguyễn |
Nghệ sĩ Đỗ Tùng sinh năm 1930, quê ở Sơn Tây, Hà Nội, trong gia đình có mẹ là cô đầu ca trù, cha là nghệ nhân chèo. Đời sống chèo vì thế đến với ông rất tự nhiên. Ông hát chèo từ năm 5 tuổi. Được mẹ gửi vào chùa sau khi cha mất, ông vừa thạo chèo cổ, vừa thạo kỹ thuật trống phách trong nghi lễ tôn giáo. Có thể nói, ông đã là một nghệ nhân chèo trước khi nhập ngũ năm 1947.
Tới năm 1966, ông Đỗ Tùng về công tác tại Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần. Tại đây, để xây dựng tổ chèo, ông đã trực tiếp tuyển lựa và đào tạo 10 cán bộ trẻ. Họ sau đó trở thành thế hệ nòng cốt của Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần. Trong số này có những nghệ sĩ đã diễn bộ ba Bài ca giữ nước của NSND Tào Mạt như: Xuân Theo, Xuân Dinh, Ngọc Viễn…
Nghỉ hưu năm 1990, ông vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy chèo cổ, dạy nghề cho Nhà hát Chèo Quân đội và Nhà hát Chèo VN. Ông vừa dạy hát, vừa dạy bộ gõ… Ông cũng là nhân tố quan trọng của vở múa đương đại Hạn hán và cơn mưa, đạo diễn người Pháp gốc Việt Ea Sola Thủy. Ông còn được coi như linh hồn âm nhạc của vở.
Chính vì thế, khi NSƯT Đỗ Tùng không có tên trong danh sách Bộ VH-TT-DL lấy ý kiến để trở thành NSND, nhiều người vô cùng thắc mắc. NSƯT Bảo Quý, người đóng vai Thái úy Lý Thường Kiệt trong Bài ca giữ nước, chia sẻ: “Thế hệ của tôi, cùng NSƯT Xuân Theo, NSND Ngọc Viễn, NSND Đào Lê, NSƯT Thanh Hải, NSƯT Thế Phiệt… đều chỉ là những học trò nhỏ bé của cụ. Vậy nên, đến bây giờ khi thầy đã sắp trăm tuổi mà vẫn chưa được tôn vinh xứng đáng thì đó là sự day dứt khôn nguôi của chúng tôi”.
NSND Thanh Bình, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh, nói: “Một nghệ sĩ tầm vóc và lớn tuổi như nghệ sĩ Đỗ Tùng, đã không làm hồ sơ thì thôi, nhưng đã làm thì không thể không được xem xét cẩn thận và có những ưu ái tương xứng”.
Hiện tại, Nghị định 40/2021 quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ có quy định về các trường hợp đặc biệt. Đó là các nghệ sĩ có thể thiếu giải thưởng theo quy định, nhưng vẫn được đề nghị xét danh hiệu khi: nghệ sĩ là người cao tuổi có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế. Với quy định này, NSƯT Đỗ Tùng đáp ứng cả 3 tiêu chí.
Gia đình nghệ sĩ cho biết cũng đã gửi đơn thư lên Bộ VH-TT-DL và đang chờ đợi kết quả.
Bình luận (0)