Nghệ nhân mù 'truyền lửa' sắc bùa

14/04/2015 13:56 GMT+7

Ở tuổi 88 với đôi mắt mờ đục, nghệ nhân dân gian Lê Hổ ở xã Phổ An (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) vẫn đắm say làn điệu sắc bùa, nhiệt tình truyền dạy những lời ca, điệu múa cho thế hệ trẻ.

Ở tuổi 88 với đôi mắt mờ đục, nghệ nhân dân gian Lê Hổ ở xã Phổ An (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) vẫn đắm say làn điệu sắc bùa, nhiệt tình truyền dạy những lời ca, điệu múa cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân mù “truyền lửa” sắc bùaĐoàn hát sắc bùa xã Phổ An đang biểu diễn (cụ Lê Hổ ở giữa, đang vỗ trống)
“Say” sắc bùa
Cụ Hổ hào hứng kể về cơ duyên gắn đời mình với sắc bùa: Thuở còn là cậu bé 14 tuổi, cụ cùng với nhóm bạn lội bộ thâu đêm theo đoàn hát sắc bùa ở xã Phổ An để thưởng thức lời ca, điệu múa uyển chuyển làm mê đắm bao người. Một lần, khi đoàn hát nghỉ giải lao, Hổ đánh dạn ôm trống vỗ tùng dinh trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Thay vì la rầy, ông Cái (trưởng đoàn) đến xoa đầu khen ngợi và bảo những lúc rảnh rỗi tìm đến nhà cụ để được truyền dạy làn điệu sắc bùa. Hổ mừng rơi nước mắt. Thế là sau những giờ đến lớp và giúp việc gia đình, Hổ lại đến nhà thầy để học miễn phí. Những lúc ở nhà không có trống, Hổ dùng da ếch phơi khô bịt kín hai đầu ống tre thay trống để luyện tập. Những điệu múa, lời ca luyện tập dưới trăng khiến nhóm bạn cùng xóm trầm trồ thán phục.
Gần 10 năm sau, cậu thiếu niên Lê Hổ thuở trước đã trưởng thành và thuộc khá nhiều bài hát, điệu múa, sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ: trống, kèn, đờn, phách và sênh tiền. Mỗi dịp xuân về, cụ theo đoàn hát của thầy rong ruổi khắp các làng quê, mang lời ca, điệu múa phục vụ nhân dân. Khi những bậc cao niên trong đoàn về với tổ tiên, cụ đảm nhận vai trò ông Cái, dìu dắt những thành viên trong đoàn tiếp nối bước tiền nhân. Cụ cất công sưu tầm và cải biên nhiều bài hát cho phù hợp với từng thời điểm và hoàn cảnh gia chủ. “Mở ngõ, mở ngõ/ Khoen trên còn xỏ/ Chốt dưới còn gài/ Mở ra cho chóng/ Ðể chúng tôi vào/ Năm mới giàu sang/ Gia quan tấn lộc…” - cụ Hổ tay nhịp, miệng hát những lời ca “dẫn đường” mình đến với sắc bùa.
Và nhờ “say” sắc bùa mà cụ Hổ được Hội Văn nghệ dân gian VN trao bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào năm 2007. “Cụ Lê Hổ là một trong những người hiếm hoi thuộc nhiều bài hát sắc bùa. Dù mắt đã mù, chân đã yếu, nhưng cụ vẫn hăng hái tham gia biểu diễn, giao lưu ở nhiều nơi mỗi khi có dịp. Chúng tôi vừa hoàn thành hồ sơ đề nghị cấp trên xem xét công nhận cụ là Nghệ nhân ưu tú” - ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó phòng Văn hóa - Thông tin H.Đức Phổ, cho biết.
“Truyền lửa” sắc bùa
Những năm gần đây, điệu sắc bùa ngày càng phai nhạt khiến cụ Hổ cùng với nhiều bậc cao niên thở dài tiếc nuối. Để bảo tồn làn điệu dân ca này, Phòng Văn hóa - Thông tin H.Đức Phổ đã chi hàng chục triệu đồng để mua sắm trang phục và nhạc cụ, bồi dưỡng cho cả đoàn luyện tập, biểu diễn. Đoàn hát sắc bùa ở xã Phổ An thường có từ 10-12 thành viên do cụ Hổ làm ông Cái cùng với 3 nhạc công và 6-8 thiếu nữ hát, múa theo điệu nhạc với đôi tay rung lắc sênh tiền.
“Giờ tôi mong muốn các em, các cháu có niềm đam mê sắc bùa để chúng tôi truyền nghề miễn phí chứ không đòi hỏi tiền công chỉ bảo tận tình. Tôi cũng muốn các cấp giúp đỡ gầy dựng lại đoàn hát sắc bùa như thuở trước để được rong ruổi du xuân hát múa cầu chúc tận nhà, dẫu có chết cũng thỏa lòng” - cụ Hổ bộc bạch.
Còn ông Lê Công Liêm, con trai của cụ Hổ, thì tâm sự. “Mắt cha tôi yếu từ lâu và đến 5 năm trước thì mù hẳn, nhưng không vì thế mà từ bỏ niềm đam mê sắc bùa. Hễ nghe ở đâu mời đến giao lưu hay chỉ bảo các cháu nhỏ hát sắc bùa là ông khăn gói đi ngay. Sau những lần như thế trông ông khỏe hẳn ra…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.