Người trẻ mê “kể chuyện ngày xưa”
Được thành lập từ nhóm bạn trẻ làm nhiều ngành nghề: diễn viên lồng tiếng, giảng viên luyện giọng nói, nhân viên marketing, nhân viên thiết kế... do có chung sở thích sưu tầm những bài viết về văn hóa, lịch sử và con người Sài Gòn, kênh Hẻm Radio thời gian đầu hướng đến việc chuyển thể những bài viết về Sài Gòn sang dạng phát thanh để chia sẻ tư liệu cho nhiều người cùng nghe.
Theo Phan Lê Trung Tín - người đồng sáng lập kênh, sau đó, Hẻm Radio muốn mở rộng đối tượng thính giả hơn, nên ngoài việc đọc những bài viết về Sài Gòn còn chuyển thể các tác phẩm văn học thành audio như: Chữ người tử tù, Rừng xà nu, Chí Phèo, Số đỏ, Hai đứa trẻ, Tắt đèn, Mảnh trăng cuối rừng..., rồi các tác phẩm văn xuôi ngoài chương trình học đường (qua việc xin phép tác giả hoặc nhà xuất bản) nhằm giúp học sinh có thể tiếp cận thêm nhiều tác phẩm hay (nhưng... ngại đọc), và cả những bài đọc về tình cảm gia đình, thầy cô, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước (với gần 1.000 video được đăng tải).
Tín cho biết hiện nay Hẻm Radio đang thực hiện tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, với hình thức chia làm nhiều trường đoạn để nhấn mạnh quá trình lưu lạc của Thúy Kiều; sau mỗi trường đoạn có “dừng lại” để phân tích tác phẩm, giải thích ý nghĩa câu chữ nhằm giúp người nghe dễ dàng cảm nhận hơn. Hẻm Radio còn khuyến khích người nghe viết những tản văn ngắn và chọn những bài viết giàu cảm xúc để thu thanh, như là cách giúp học sinh rèn luyện kỹ năng viết lách của mình chứ không học văn một cách thụ động. Đặc biệt, kênh này dự kiến sẽ thực hiện thêm nội dung Phim truyền thanh.
Bình Nguyên, một trong những giọng đọc chủ chốt của Hẻm Radio, chia sẻ: “Đa số các tác phẩm học đường đều của những nhà văn lão làng, cách hành văn và dùng từ khá lạ lẫm so với thế hệ trẻ bây giờ, nên để giúp các bạn dễ dàng tiếp thu, Nguyên luôn cố gắng đọc một cách gần gũi nhất. Để thêm phần sinh động, mỗi nhân vật trong truyện, Nguyên thể hiện bằng nhiều giọng nói khác nhau, qua đó cũng bộc lộ được tính cách của nhân vật mà tác giả muốn truyền tải”.
“Ngoài nghề chính của mỗi người, tụi mình luôn dành một chút thời gian để làm những công việc có tính chất cộng đồng và mang những thông điệp tốt đẹp cho cuộc sống, qua kênh YouTube này”, Trần Ngọc San, một trong những giọng đọc được nhiều thính giả yêu mến, cho biết.
Nghe truyện lịch sử và hơn thế nữa
Hiện nay, cùng hoạt động như Hẻm Radio còn có những kênh được thính giả quan tâm, yêu thích không chỉ vì nội dung mà còn vì những giọng đọc như SaigonVoice (các thành viên đều là những diễn viên lồng tiếng, đam mê văn học và muốn đem tiếng nói của mình chuyển tải các tác phẩm văn học đến thính giả); hay K Channel với chuyên mục LoveSaigon gắn với những giọng đọc nổi tiếng mang đậm chất Sài Gòn như nghệ sĩ Tú Trinh, Kim Xuân... hoặc người gắn bó và yêu Sài Gòn như nghệ sĩ Ái Như, MC Trác Thúy Miêu...
Có thể kể đến kênh Hùng ca sử Việt của nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi. Từ kênh này, người hâm mộ giọng lồng tiếng “huyền thoại” của diễn viên Đạt Phi (qua các phim Bao Thanh Thiên, Mộc Quế Anh, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên trường địa cửu, Tân dòng sông ly biệt...) cũng trở nên yêu thích và tìm hiểu sử Việt nhiều hơn. Những bình luận dưới các câu chuyện kể về lịch sử của anh ở kênh này cũng rất thú vị; giọng đọc truyền cảm cùng phong cách kể sử đôi khi hài hước với ngôn ngữ rất hợp thời. “Hiện nay, sau khi có phần 1 của Tử chiến thành Đa Bang (thời nhà Hồ), tôi đang thực hiện phần ngoại truyện - như là bước đệm để chuẩn bị cho Tử chiến thành Đa Bang phần 2”, nghệ sĩ Đạt Phi cho biết. Thú vị hơn, từ câu chuyện sử này của anh, nhóm bạn trẻ yêu sử Đuối Mồi đã nảy ra ý tưởng làm phim dã sử với hình thức diễn họa để tăng thêm tính hấp dẫn cho người thưởng thức.
Trong thời gian tới, bên cạnh kênh Hùng ca sử Việt, nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi tiếp tục phối hợp với Phạm Vĩnh Lộc - một bạn trẻ yêu sử có nhiều nghiên cứu, tìm tòi để “viết lại lịch sử” theo phong cách trẻ trung hiện đại - series phim radio về Lý Thường Kiệt, với 3 phần: Tử chiến Ung Châu thành, Đại chiến Như Nguyệt giang, Lý Thường Kiệt chinh phạt Chăm Pa; dự kiến lập kênh Truyện kể lúc 0 giờ.
“Trong thời đại mà ai cũng dùng smartphone, gần như luôn kết nối internet, và tương lai sẽ còn gắn liền với thói quen ngồi xe hơi nhiều hơn, nhu cầu nghe radio bất cứ nơi đâu hay khi nào (mà không lệ thuộc tần sóng của đài phát thanh) sẽ ngày càng nhiều. Đó là lý do tôi đầu tư và mở rộng các nội dung radio trên mạng xã hội”, nghệ sĩ Đạt Phi cho biết. Còn theo Phan Lê Trung Tín: “Nghe radio trên YouTube, thính giả có thể chủ động chọn những nội dung mình muốn và nghe lại những chương trình mình yêu thích. Người dùng có thể thoải mái tương tác cùng với giọng đọc và thính giả qua hình thức bình luận sau mỗi clip”.
Bình luận (0)