(TNO) Trong suốt cuộc nói chuyện, mỗi lời tâm sự của nghệ sĩ Ái Như đều chất chứa tình cảm và sự trăn trở cho sự tồn tại của sân khấu kịch.
Nghệ sĩ Ái Như cùng bạn diễn nhiều năm Thành Hội trên sân khấu kịch - Ảnh: Hoàng Thái Thanh
Có thể nói sân khấu kịch là “mối tình” kéo dài hơn ba thập niên của nghệ sĩ Ái Như. Bước vào nghề từ những năm 1980, đến nay nghệ sĩ Ái Như được xem như là gương mặt kỳ cựu của sân khấu không chỉ ở vị trí diễn viên với hàng trăm vai diễn đa dạng mà còn là đạo diễn cho rất nhiều vở kịch về tình yêu, các vấn đề xã hội tại sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Diễn viên phải biết ám ảnh với vai diễn
* Chị có thể chia sẻ quy trình để làm nên một vở kịch của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh? Thường thì sẽ mất bao lâu để một vở diễn đến được với khán giả?
- Ái Như: Mỗi năm làm bao nhiêu vở kịch, chúng tôi phải lên kế hoạch từ trước đó một năm. Sau đó phải tìm được kịch bản phù hợp nhưng hiện tại việc này rất khó khăn khi đa phần các tác giả có vị trí trong lòng khán giả đã lớn tuổi hoặc qua đời, còn các tác giả mới thì chưa có nhiều trải nghiệm nên nhiều khi phải tìm đến các tác phẩm cũ.
Để lên sàn tập thì quá trình chọn và mời diễn viên cũng là vấn đề khó vì thời gian dành cho một vở kịch rất nhiều. Sau đó, chúng tôi có một tháng để tập và trong suốt một tháng đó diễn viên chỉ được nghỉ ngày chủ nhật, còn lại hầu hết thời gian đều phải ở trên sàn tập.
Khi vở diễn diễn ra thì họ phải tập đi tập lại lúc chuẩn bị suất diễn. Nếu diễn viên phim truyền hình có khi trước khi quay mới xem kịch bản thì diễn viên kịch tuyệt đối không thể làm như vậy. Bởi vì trong một cảnh quay, diễn viên phim chỉ có hai, ba câu thoại và xuất hiện trên màn hình chỉ một phút nhưng với chúng tôi, có những cảnh phải xuất hiện trên sân khấu hơn nửa tiếng đồng hồ, chưa kể các vai chính thì cảnh nào cũng phải xuất hiện, suốt vở kịch là khoảng 3 tiếng.
* Vậy với chị, điều quan trọng nhất với diễn viên khi nhận vai diễn là gì?
- Chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ nhân vật, hiểu từng câu chữ lời nói của nhân vật để câu chuyện của họ thẩm thấu vào bên trong chúng tôi, rồi đem cảm xúc đó thể hiện lại trong vở diễn.
* Khi tập lấy cảm xúc và sống cùng một nhân vật có khi nào diễn viên trở nên ám ảnh với nhân vật của mình?
- Với tôi, kể từ khi bước chân vào trường học năm 1980 đến nay thì việc tìm tòi thể hiện nhân vật chỉ đúc kết bằng một chữ "khó". Và khi tôi tìm được cách thể hiện cho nhân vật, tôi vẫn luôn cảm thấy phải tìm hiểu tiếp để khi ra với khán giả, nhận được sự đồng cảm thì mới thấy nhẹ lòng. Trong suốt quá trình tìm hiểu nhân vật, họ phải biết ám ảnh với nhân vật đó thì mới thể hiện được.
Nghệ sĩ Ái Như trong vở kịch 29 anh về - Ảnh: Hoàng Thái Thanh
Không có chuyện đập cánh là bay được ngay
* Việc tìm kiếm thế hệ diễn viên thừa kế cho sân khấu kịch có phải là nỗi lo của chị?
- Tôi không quá lo và rất tin tưởng. Lứa cuối cùng chúng tôi đào tạo ở trường sân khấu và theo chúng tôi đi diễn qua nhiều địa điểm cho đến bây giờ thì cũng sắp ra trường được 10 năm, người ít nhất cũng gắn bó với sân khấu 6 năm rồi. Với Hoàng Thái Thanh, chúng tôi vẫn tuyển thêm diễn viên cho sân khấu kịch để tìm gương mặt mới và rèn luyện để có thêm bề dày sân khấu hơn. Tuy nhiên, con đường vẫn còn xa lắm.
* Vậy khoảng bao nhiêu năm để một diễn viên có thể đứng trên sân khấu?
- Rất vô chừng. Năng khiếu chỉ là một phần nhỏ, sự rèn luyện mới là chính, đi đến đâu là do chính bản thân họ. Diễn viên phải trải qua quá trình học bài bản để hiểu nhân vật, phân tích tâm lý, cách thể hiện sao cho đúng và tốt nhất.
* Vậy dường như khác với phim truyền hình hay điện ảnh, diễn viên kịch không thể diễn với bản năng hay chỉ có năng khiếu là đủ?
- Các người đẹp, người mẫu có thể đóng 1, 2 phân đoạn phim để làm quen, sau đó kết hợp với một chút năng khiếu rồi từ từ cũng diễn được vì phim có sự hỗ trợ của máy móc rất nhiều. Nhưng chừng đó thì chưa thể đứng trên sân khấu kịch được. Diễn viên phim có thể quay lại, còn chúng tôi chỉ có thể diễn một lần nên phải tập luyện rất nhiều. Ở sân khấu kịch không có chuyện đập cánh là bay được ngay.
Thu nhập của diễn viên sân khấu rất thấp
* Đã nhắc nhiều về diễn viên phim, vậy có bao giờ chị nghĩ đến sự khác biệt, nhất là họ nổi tiếng hơn diễn viên sân khấu?
- Tôi thấy bình thường. Nghệ thuật là điều tôi sùng bái, tôi cảm thấy sung sướng khi cuộc đời này mình đã được sống với niềm đam mê của mình, vậy thì tôi còn đòi hỏi gì hơn nữa.
Nghệ sĩ Ái Như (giữa) cùng các diễn viên trong vở kịch thiếu nhi hè mới ra mắt Lọ lem và hoàng tử - Ảnh: Hoàng Thái Thanh
* Thu nhập có phải là khó khăn lớn với các diễn viên kịch?
- Thu nhập của diễn viên sân khấu thấp hơn rất nhiều so với công việc khác của họ.
* Vừa rồi sân khấu 5B phải tạm ngưng để sửa chữa, dường như tình hình sân khấu ngày càng khó khăn hơn, chị có sợ rằng một ngày nào đó sân khấu kịch có thể biến mất?
- Nếu những năm trước, vấn đề khó khăn của sân khấu chỉ là việc tìm kịch bản, khó khăn về phương tiện kỹ thuật thì ngày nay ngoài hai khó khăn trên, chúng tôi còn gặp thêm sự cạnh tranh của các loại hình khác như video, các trang mạng, phim rạp, truyền hình. Các đoàn kịch tư nhân phát triển hơn nhưng mặt bằng không có, con người, diễn viên cũng khan hiếm hơn. Tới một lúc nào đó, nếu sân khấu kịch vẫn không nhận được sự quan tâm hợp lý thì điều đó là tất yếu thôi.
Bình luận (0)