Nghệ sĩ cần tuân thủ pháp luật khi livestream bán hàng

02/10/2024 06:23 GMT+7

Tham gia bán hàng online, nghệ sĩ cần tìm hiểu kỹ càng về sản phẩm. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng cần lên tiếng kịp thời trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng từ kênh livestream của nghệ sĩ.

Làm sao để tránh điều tiếng ?

Khi bàn về việc nghệ sĩ bán hàng online, nhiều người cho rằng thách thức lớn nhất đối với họ là việc bảo vệ uy tín, danh tiếng. Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, nếu một người bình thường bán hàng kém chất lượng thường bị "bóc phốt", bị yêu cầu hoàn tiền… thì với một nghệ sĩ, ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn, thậm chí còn tác động tiêu cực đến lĩnh vực nghệ thuật mà họ đang theo đuổi.

Trước câu hỏi "nghệ sĩ có nên sử dụng sản phẩm trước khi quảng cáo hay livestream bán hàng?", diễn viên Minh Luân cho rằng đó là điều cần thiết. Bởi theo nam diễn viên, điều đó giúp nghệ sĩ có cảm nhận chính xác về mặt hàng, cùng với việc kiểm định để tránh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. "Đây cũng là cách để nghệ sĩ kiểm chứng công dụng, tính năng… của sản phẩm, tránh việc quảng cáo lố, sai sự thật", anh chia sẻ.

Nghệ sĩ cần tuân thủ pháp luật khi livestream bán hàng- Ảnh 1.

Nghệ sĩ cần kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi livestream bán hàng

ẢNH: FBNV

Theo ca sĩ Nguyên Vũ, việc nghệ sĩ bán hàng online để kiếm thêm là hình thức mưu sinh chính đáng. Bởi theo nam ca sĩ, không phải lúc nào người làm trong lĩnh vực nghệ thuật cũng có show diễn hoặc mức thù lao đủ cao để lo cho cuộc sống. "Nhưng không phải ai cũng có đủ sự hiểu biết để xem món hàng mình giới thiệu đến người tiêu dùng chất lượng tốt hay không. Quan trọng là do tâm và đạo đức của người nghệ sĩ. Khi giới thiệu, bán một sản phẩm nào đó thì họ cũng phải có trách nhiệm với nó, cần trải qua khâu kiểm định về chất lượng, giấy phép", anh chia sẻ.

Về câu chuyện quản lý chất lượng sản phẩm mà nghệ sĩ bán online, Nguyên Vũ cho rằng cần có sự hợp sức chặt chẽ từ người tiêu dùng đến cơ quan chức năng. "Đa phần người tiêu dùng mua hàng vì sự tin tưởng dành cho người bán. Nếu nghệ sĩ bất chấp đạo đức để bán hàng kém chất lượng mà vẫn có người ủng hộ thì tôi xin thua", anh nói.

Xây dựng Black List để xử lý vi phạm chủ thể quảng cáo xuyên biên giới | Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Luật sư nói gì ?

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM), người nổi tiếng hay bất cứ cá nhân nào khi vi phạm kinh doanh hàng giả, hàng cấm đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26.8.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với mức phạt tối đa đối với cá nhân vi phạm 200.000.000 đồng và đối với tổ chức vi phạm là 400.000.000 đồng tùy theo chủng loại hàng hóa và nội dung vi phạm trên thực tế. Trong trường hợp nghiêm trọng, các cá nhân buôn bán hàng giả, hàng cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh buôn bán hàng cấm tại điều 190 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) hoặc tội danh buôn bán hàng giả tại các điều 192, 193, 194, 195 bộ luật Hình sự.

Nghệ sĩ cần tuân thủ pháp luật khi livestream bán hàng- Ảnh 2.

Theo diễn viên Minh Luân, việc sử dụng sản phẩm cũng là cách để nghệ sĩ kiểm chứng tính năng, công dụng… tránh việc quảng cáo lố

ẢNH: NVCC

"Quy định pháp luật hiện hành đang điều chỉnh rất cụ thể đối với các giao dịch điện tử, buôn bán, quảng cáo qua mạng và luôn cập nhật để phù hợp với tình hình xã hội. Vì thế, các cá nhân có nhu cầu tiến hành buôn bán qua mạng nhằm sinh lời cần phải nghiên cứu thật kỹ về quy định pháp luật để xác định trường hợp của mình phải thỏa mãn các điều kiện gì để được buôn bán các mặt hàng như thế và các mặt hàng đó có được phép kinh doanh hay không. Kể cả người bán lẫn người mua cần phải có sự hiểu biết đầy đủ về mặt hàng kinh doanh, để từ đó bảo vệ bản thân và những người xung quanh, hạn chế trường hợp vi phạm đáng tiếc", luật sư Hậu chia sẻ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quảng cáo, giải quyết tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, chính người tiêu dùng cũng có thể bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc sáng suốt trong hoạt động mua hàng qua các kênh livestream của người nổi tiếng, tránh trường hợp bất chấp giá rẻ mà bỏ qua chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Những phản ánh kịp thời của người dùng cũng là yếu tố cần thiết trong việc giải quyết tình trạng nghệ sĩ bán hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi Luật Quảng cáo | Truyền hình Quốc hội Việt Nam

KIỂM TRA, XỬ LÝ NGƯỜI NỔI TIẾNG QUẢNG CÁO SẢN PHẨM KÉM CHẤT LƯỢNG

Liên quan việc quản lý hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng, Sở TT-TT TP.HCM cho biết đã triển khai công tác kiểm tra, xử lý quảng cáo đối với người nổi tiếng tham gia quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm duyệt hoặc cấp phép theo quy định; ngăn chặn kênh, tài khoản mạng xã hội, trang thông tin điện tử vi phạm. Xây dựng cơ sở dữ liệu và phân nhóm theo mảng nội dung để thực hiện các chính sách truyền thông chủ động cho ngành, lĩnh vực thông qua người sáng tạo nội dung của thành phố; triển khai các quy định, chiến lược và giải pháp của thành phố để các nhà sáng tạo nội dung, công ty truyền thông, mạng lưới quản lý đa kênh, người nổi tiếng chấp hành và cam kết phối hợp thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.