Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, hai bộ phim Tết Vương tơ và Bến bờ yêu thương là những tác phẩm mà nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam (VFF) thực hiện để cho thấy họ rất dồi dào năng lực và có khả năng làm ra những tác phẩm đa dạng. Bà Nhã là người tham gia thực hiện cả hai bộ phim.
“Nếu phim Bắc có tính chính luận thì đó cũng là thế mạnh của VFF, nhưng phía Nam lại mang tính giải trí. Hai bộ phim để nói những người làm VFF hoàn toàn có thể hoà vào dòng chảy của điện ảnh”, bà Nhã nói.
Do thủ tục nhập về VOV chưa hoàn thành, logo của VFF chưa xuất hiện trên phim. Tuy nhiên, những người làm điện ảnh của VFF vẫn coi đây là mối lương duyên họ mong muốn.
Vương tơ kể về làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc, khi nghệ nhân phải học cách tham gia thị trường tiêu dùng. Có những cú sốc về gian lận thương mại khiến họ dở khóc dở cười nhưng cuối cùng làng nghề vẫn đứng vững nhờ tình yêu lụa và lòng nhân hậu bao dung, sự sẵn sàng đón cái mới.
Bến bờ yêu thương lại kể câu chuyện giữ truyền thống giữa các thế hệ, và trong hoàn cảnh đô thị hóa phải xa rời quê cũ. Phim gửi tới bài học về giữ gìn nếp nhà, hướng về truyền thống. Bến bờ yêu thương được phát sóng vào 12 giờ từ mồng 1 đến mồng 5 Tết. Vương tơ phát sóng vào khung giờ 19 giờ từ mồng 1 đến 5 Tết trên kênh truyền hình Văn hóa- Du lịch (Vietnam Journey) Vietnam Journey.
Ê kíp thực hiện cả hai bộ phim đều cho biết, đây là các tác phẩm mang sắc màu tươi vui và nụ cười ấm áp. Chúng mang những câu chuyện thời cuộc thấm thía nhưng luôn xen lẫn nụ cười. Nhờ đó, nó có thể chuyển tải được sự vui vẻ ấm cúng cho những ngày đầu năm.
“Chúng tôi bàn với nhau làm phim Tết sao cho nó mới, cho nó tươi. Nhưng câu chuyện nếu chỉ có tươi thì không thành chuyện. Nó cũng có thăng trầm, đổ vỡ nhưng đan xen. Nhiều diễn viên hài đóng trong phim này, tập nào cũng có hài. Diễn viên diễn có màu hài. Một số diễn viên được yêu cầu diễn over hơn một chút”, đạo diễn Nguyễn Đức Việt chia sẻ.
Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn cũng chia sẻ, trước Vương tơ, ông đã có may mắn làm việc ở Vạn Phúc trong một dự án tư liệu ảnh và phim khác. Vì thế, ông biết rất nhiều câu chuyện, những nét đẹp cổ kính trong làng. Điều đó cũng giúp đoàn phim trong việc tạo dựng không gian làng nghề này.
“Tôi vừa ở đó nên biết nhiều. Diễn viên khi học làm tơ lụa cũng rất chuyên nghiệp. Chúng tôi quay ở nhà nghệ nhân để họ tìm cách quay nhanh nhất, làm đúng nhất quy trình của làng lụa. Đạo diễn và diễn viên vào vai có trao đổi, có bàn với nhau về vai của mình, làm thế nào để bóc được tinh thần của làng lụa”, ông Tuấn nói.
Diễn viên Bùi Bài Bình, nam chính trong Bến bờ yêu thương cũng bị chính câu chuyện truyền thống thu hút. Trong phim, ông vào vai ông bố rất dí dỏm. Nhân vật của ông từ Bắc vào Nam sinh sống, có con nuôi Sài Gòn, con rể Huế.
“Trên nền phim vui hài hước nhẹ nhàng, chúng tôi muốn truyền lại cho khán giả, có mái ấm gia đình, có bố mẹ ông bà. Quan trọng hơn chúng ta còn có nền văn hoá qua phong tục tập quán người Việt. Cái này càng ngày càng mai một đi nếu không dạy. Có một câu tôi thích nhất trong phim, tôi nói với con nuôi, tất cả phong tục lề thói phải giữ con ạ, không có là mất hết. Mất hết là mất văn hoá. Đó là cái chúng tôi muốn gửi tới khán giả”, diễn viên Bùi Bài Bình nói.
Bình luận (0)