Như Thanh Niên đã thông tin, theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), trong Tháng hành động vì ATTP (từ 15.4 - 15.5), các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP nông lâm thủy sản; kiểm tra, giám sát về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
Một cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm về sản phẩm có vi phạm trên trang web chính thức vfa.gov.vn |
CHỤP MÀN HÌNH |
Liên quan đến quảng cáo thực phẩm, lãnh đạo Cục ATTP cho biết hiện nay bên cạnh những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) vẫn còn tồn tại rất nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định.
Bộ Y tế mới đây đã có công văn về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo TPBVSK. Trong đó, đề nghị Bộ TT-TT xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật; Bộ VH-TT-DL tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng; Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra xử lý nghiêm để làm gương các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, chủ trì phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ TT-TT, UBND các tỉnh, TP điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng…
Tụt cảm xúc khi thấy loại quảng cáo này
“Tôi cực kỳ dị ứng với các nghệ sĩ, người nổi tiếng khi họ quảng cáo thổi phồng các loại TPBVSK, thuốc chữa bệnh. Trông cứ như thế nào, thấy “diễn”, không thật, rất phản cảm. Có ông sao mà đủ thứ bệnh, uống đủ thứ thuốc mà vui cười hớn hở, nhà tôi gọi là “ông bá bệnh”, quảng cáo kiểu này quá ngán ngẩm. Nhất là khi đang coi phim hấp dẫn, clip hay… thì được “tặng” cái quảng cáo tào lao làm tụt cả cảm xúc”, bạn đọc (BĐ) Trung Thành bức xúc kể.
Cùng ý kiến, BĐ bondoemxxxxx@gmail.com cho biết: “Hãy kiểm tra quảng cáo đi, có nghệ sĩ mắc rất nhiều bệnh và uống rất nhiều thuốc mà vẫn… khỏe re”. Còn BĐ Tien Cong thì ca thán: “Kinh hãi nhất là nghe cái quảng cáo “nhà tôi ba đời…”, mới nghe đến đó đã muốn tắt ngay cái màn hình. Không phải nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo mà làm mình muốn nổi cả… da gà”.
“Nhiều người nói với tôi là muốn phát điên với các thực phẩm chức năng xương khớp, tiểu đường… rồi đủ kiểu quảng cáo lố trên YouTube. Không lẽ ta bó tay với thực trạng này?”, BĐ Thanh Tran nêu ý kiến.
Thuốc đắng mới dã tật!
Nhiều BĐ ủng hộ việc các bộ ngành tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo TPBVSK, trong đó, cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật. BĐ hai2015xxxx@gmail.com viết: “Thấy nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật là phạt liền, không cần phải đề nghị gì nữa. Cái gì mà quảng cáo nhận tiền bỏ túi, rồi khi khán giả thấy không đúng sự thật phản ứng thì lên xin lỗi khán giả là xong sao? Phải phạt thật nặng vào!”. BĐ Hung Minh thì cho rằng: “Nên quy vào tội lừa đảo, đề nghị cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm”.
Trong khi đó, BĐ Tuetranba đề nghị: “Ngoài việc xử lý nghiêm những nghệ sĩ và bất kỳ ai “đóng kịch” quảng cáo tác dụng thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, thậm chí chữa bách bệnh, còn cần phải xử lý nghiêm những tổ chức, đơn vị đăng tải những quảng cáo thổi phồng này. Có xử phạt nghiêm thì mới chấm dứt được”.
Nhìn từ góc độ một khán giả, BĐ Hòa mong mỏi: “Dân mình cũng hiền thật. Có người nổi tiếng quảng cáo thổi phồng, bị báo chí, người dân la quá, thế là nói vài câu “xin lỗi”, vậy là xong! Ở Trung Quốc hay Hàn Quốc thì như vậy “chưa xong” đâu! Tôi nói vậy không phải muốn “ăn thua” với nghệ sĩ, mà muốn nghệ sĩ phải hết sức cẩn trọng với hành động, lời nói của mình, muốn họ phải chuẩn mực, vì họ là người của công chúng”.
* Nghệ sĩ là những người có ảnh hưởng nhiều tới người khác nên rất cần chuẩn mực trong lời nói, việc làm khi ra ngoài và trước mặt công chúng.
binh46xxx@gmail.com
* Tôi ủng hộ việc xử phạt thật nặng những nghệ sĩ quảng cáo thổi phồng. Là người của công chúng, nghệ sĩ càng phải có trách nhiệm với những việc mình làm, nhất là việc có liên quan đến sức khỏe người khác. Không thể qua loa được!
Anh Tâm
Bình luận (0)