Nghệ sĩ Quyền Linh sản xuất, dẫn chương trình thực tế đầu tiên cho trẻ tự kỷ

03/12/2022 08:26 GMT+7

Nghệ sĩ Quyền Linh cho biết, hơn 20 năm làm nghề, Chiến thắng cùng con là chương trình truyền hình khó nhất đối với anh.

Chiến thắng cùng con là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên tại Việt Nam hướng đến những con người đang ngày đêm giúp đỡ các trẻ em tự kỷ, cổ vũ những bậc cha mẹ đang cùng các con nỗ lực, vươn lên, tìm thấy ước mơ của mình. Chương trình do Trung tâm Dịch vụ Phát triển Điện ảnh Việt Nam (Hội Điện Ảnh Việt Nam) kết hợp cùng HTV thực hiện, sẽ lên sóng vào lúc 22 giờ 30 chủ nhật hàng tuần trên HTV7 từ ngày 4.12.

Nghệ sĩ Quyền Linh cho biết anh đã khóc rất nhiều khi đồng hành cùng các em trong chương trình này. Và dẫu rất khó khăn để thực hiện nhưng "nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần ai", anh nói.

THÀNH LUÂN

Nghệ sĩ Quyền Linh là người chịu trách nhiệm nội dung chính, vừa làm MC và cũng là người chơi cùng các bé tự kỷ không chỉ khi ghi hình mà cả quá trình đồng hành lẫn những khoảng thời gian "trò chuyện tâm lý" để có thể gần gũi cùng các em.

Nghệ sĩ Quyền Linh tiết lộ về chương trình khó khăn nhất trong 20 năm làm nghề

Anh cho biết đây là chương trình cộng đồng khó nhất trong 20 năm làm nghề của mình, bởi đối tượng tham gia rất đặc biệt. Việc thuyết phục phụ huynh các bé đã là một vấn đề, nhưng thực tế còn vất vả hơn khi bố mẹ đồng ý mà các bé không phải lúc nào cũng sẵn sàng hợp tác.

Tranh vẽ của các em tham gia chương trình

thành luân

"Phổ tự kỷ có nhiều dạng và mỗi bé đều khác nhau. Vì vậy, bao nhiêu format chuẩn bị sẵn đều không thể thực hiện. Cả ê kíp quyết định sẽ nương theo cảm xúc các bé, tạo cho các bé sự thoải mái và từ đó có thể tự nhiên bộc lộ được khả năng của mình", anh chia sẻ.

Từng gặp nhiều người tự kỷ theo nghề xiếc, NSƯT Quốc Cơ nhận thấy với người tự kỷ, tuy khá khó khăn trong việc giao tiếp nhưng ngược lại ở họ luôn có sự tập trung cao độ. Anh đã thấy không ít nghệ sĩ tự kỷ thành công và cho biết thêm: “Tất cả những động tác khó, những đòi hỏi khắt khe của nghề xiếc thì những người tự kỷ có năng khiếu đều thực hiện được”.

Tại buổi giới thiệu chương trình Chiến thắng cùng con, em Trần Thị Mỹ Ngọc, 16 tuổi, mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, đã tự tin trình diễn ca khúc Tuổi mộng mơ

thành luân

Theo tổng đạo diễn Đỗ Thành An, "đây là lần đầu tiên tôi tham gia một chương trình khó khăn như vậy. Sau những lần cùng biên tập của chương trình đi gặp gỡ, tiếp xúc với một số trẻ và gia đình có trẻ tự kỷ, tôi quyết tâm kêu gọi nhà tài trợ để họ chung tay đồng hành. Tôi hy vọng chương trình sẽ mang đến cảm xúc tích cực cho các bậc cha mẹ, những nguồn năng lượng lạc quan để tiếp sức những người đồng hành cùng con em mình vượt qua khó khăn nhất của cuộc đời và hòa nhập với cộng đồng tốt hơn”.

Đạo diễn Mỹ Khanh cũng chia sẻ thêm: “Chương trình đã trải qua rất nhiều thử thách từ việc tìm ê kíp sản xuất đến việc thuyết phục các gia đình và các bé quay hình hay chuyện tìm nhà tài trợ. Rất xúc động vì sau thời gian ấp ủ 5 năm, chương trình cuối cùng đã thành hiện thực...Chúng tôi tự tin là trong chương trình này, cái khó cũng là cái hấp dẫn: để cho trẻ tự kỷ được chơi với những người bình thường (nghệ sĩ, MC)”.

Tham gia Chiến thắng cùng con, Thạc sĩ Hoàng Văn Quyên - Phó Trưởng Khoa Hồi phục chức năng Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhìn nhận, từ trước đến nay có khá nhiều chương trình, hội thảo về tự kỷ được tổ chức, sản xuất nhưng hầu hết là kiểu talkshow, nơi mà những “người ngoài” nói về các trẻ tự kỷ, hoặc hướng cho xã hội hiểu thêm về chứng rối loạn phổ tự kỷ. Anh cho rằng, việc Chiến thắng cùng con - chương trình thực tế đầu tiên có sự tham gia xuyên suốt của các bé và gia đình sẽ góp thêm những kiến thức và phương pháp tối ưu trong việc hỗ trợ, can thiệp sớm, hướng nghiệp sớm cho các bé tự kỷ. Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ phụ huynh tìm đến các phương pháp chính thống thông qua từng nhân vật cụ thể của chương trình, giúp xã hội có cái nhìn chính xác hơn và chia sẻ hơn với những người tự kỷ lẫn phụ huynh có con em tự kỷ; đồng thời thúc đẩy sự quan tâm, tìm phương pháp hỗ trợ trẻ tự kỷ trong trường học và ngoài xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.