Nghệ sĩ và công chúng: Ai hơn ai?

17/05/2021 15:30 GMT+7

Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng được đặt lên 'bàn cân' đã tạo nên những ý kiến trái chiều.

Nghệ sĩ lâu nay là những người tạo nên tác phẩm nghệ thuật để công chúng thưởng thức. Làng giải trí Việt có rất nhiều nghệ sĩ làm nghệ thuật chân chính, họ “bán” trí lực, sự sáng tạo của mình để tạo nên những “đứa con tinh thần” có chất lượng và được khán giả công nhận, yêu mến.

Thu Trang, Tiến Luật lên tiếng giữa ồn ào 'không cần khán giả'

Còn công chúng chính là những người bỏ tiền ra để thưởng thức nghệ thuật, giải trí, hay để ủng hộ thần tượng của mình. Nếu không sẽ không có những bộ phim phá kỷ lục phòng vé, những live show được hàng ngàn khán giả đón chờ, mua vé xem… Nếu xét ở góc độ đơn thuần nghệ thuật và giải trí thì đây là mối quan hệ có qua có lại. Nghệ sĩ được tôn vinh, tỏa sáng, “ăn nên làm ra” cũng nhờ những khán giả trung thành, nhờ sự yêu thương của công chúng. Bởi nếu tạo ra món hàng đó mà không có người mua, không có người thưởng thức thì chẳng đem lại lợi ích gì cả. Làm nghệ thuật dù đặc thù nhưng cũng tương tự một nghề nào đó trong xã hội, có cung ắt phải có cầu. Tất nhiên “cầu” đó tùy vào nhu cầu thưởng thức, giải trí của mỗi người. Có những khán giả chỉ yêu thích, có nhu cầu nghe, xem những nghệ sĩ trẻ; cũng có những khán giả chỉ thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu, chất lượng, họ không chạy theo thị hiếu, xu hướng, nhưng cũng có những người vẫn “thần tượng” những nghệ sĩ mang đầy điều tiếng, thị phi… Chính vì vậy môi trường giải trí vẫn đang “loạn” lên bởi các chiêu trò, danh xưng nghệ sĩ quá dễ dàng, tạo nên các giá trị ảo khiến công chúng đôi khi bị tác động, bị cuốn vào những giá trị na ná nghệ thuật và danh xưng nghệ sĩ.

Với những nghệ sĩ đi ngược lại giá trị xã hội, không quan tâm đến giá trị cộng đồng thì chắc chắc sẽ bị khán giả quay lưng

Ảnh: Thanh Niên

Nói thẳng ra nghệ sĩ luôn cần khán giả và khán giả cũng chính là nguồn “nuôi” nghệ sĩ và những tác phẩm nghệ thuật của họ. Nên việc một đạo diễn bày tỏ ý kiến đại loại rằng: Nghệ sĩ và khán giả, không ai nuôi ai… trong đó anh khẳng định mình sống bằng sức lao động của mình cũng như bao ngành nghề khác, cần được tôn trọng đã khiến dư luận dậy sóng.
Cụ thể, vị đạo diễn này viết: “Tôi khẳng định 21 năm sống bằng nghề viết và nghề dàn dựng, tôi hoàn toàn sống bằng sức lao động của mình và tôi cũng như bao nghề nghiệp khác có quyền đòi sự tôn trọng của xã hội, cũng như tôi hãnh diện là tôi có đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Tôi không ăn cơm của ai cho hết. Mà tôi phải làm việc mới có chén cơm bưng ăn được. Vì vậy, tôi hi vọng là đồng nghiệp hoạt động nghệ thuật như tôi sẽ đồng cảm với suy nghĩ mà thay đổi những suy nghĩ đã lỗi thời kia. Và xã hội cần chấm dứt quan điểm lạc hậu là "nuôi" nghệ sĩ đi nhé. Thời buổi này, tay làm hàm nhai không ai nuôi ai đâu ạ”.
Thật ra với những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật vì đam mê, cống hiến lâu nay vẫn luôn được công chúng trân trọng, ủng hộ, họ luôn biết rõ giá trị của mình, thương hiệu của mình và cũng luôn “giữ mình” trong suốt mấy chục năm làm nghề. Công chúng chỉ quay lưng với nghệ sĩ, những người mang danh nghệ sĩ nhưng phủi bỏ trách nhiệm với cộng đồng, chỉ vì quyền lợi của mình mà tiếp tay cho những điều gian dối. Đó cũng là lẽ thường tình.
Ở một số nền giải trí phát triển như Hàn, Nhật, Trung Quốc... có rất nhiều ngôi sao hạng A, những tên tuổi tầm cỡ quốc tế nhưng chỉ cần vướng vào một scandal nào đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi, tổn thương công chúng thì ngay lập tức họ bị tẩy chay không thương tiếc, thậm chí có rất nhiều người không còn cơ hội quay lại trong ngành giải trí. Ở Việt Nam, điều này hiếm khi xảy ra, nếu có thì chỉ ở mức độ nhẹ. Có lẽ vì vậy mà một số nghệ sĩ tự cho mình quá nhiều “quyền lực” rồi tạo nên những hệ lụy, vấn nạn như báo chí đã đề cập thời gian qua.
Trong làng giải trí Việt, đã đến lúc công chúng cũng nên sáng suốt, đừng quá “thần thánh hóa” nghệ sĩ, cũng nên phân biệt, lựa chọn đâu là những nghệ sĩ tâm huyết, làm nghề bằng sự trân trọng và cũng “ăn cơm nghệ thuật” bằng sự tự trọng. Nói như một ý kiến: “Mình vẫn thích một vài nghệ sĩ, nhưng chỉ là yêu thích khi họ trên phim, trên sân khấu, yêu thích sự xinh đẹp thanh lịch của họ. Chứ với mình nghệ sĩ cũng là người, họ khác chúng ta là mọi thứ chúng ta thấy ở họ đều là diễn, có thứ theo kịch bản, có thứ theo trào lưu, nói chung là làm vui lòng chúng ta. Nếu chúng ta không thần thánh hóa nghệ sĩ thì giá trị của họ sẽ trở về nguyên vẹn là người làm công việc giải trí”.
Nghệ sĩ - công chúng, mối quan hệ này phải được xây dựng trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Đã là người của công chúng thì phải có trách nhiệm với cộng đồng. Còn công chúng có quyền lựa chọn những sản phẩm nghệ thuật - giải trí có giá trị và “quay lưng” với những nghệ sĩ xem thường mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.