Những “trái tim Việt Nam”
Trên mạng xã hội Facebook, nhà thơ Trương Anh Tú (Đức) vừa giới thiệu bản thu âm mới ca khúc Trái tim Việt Nam do anh sáng tác, được nhạc sĩ Nguyễn Phú Quốc phối khí, Mạnh Đình Quý thể hiện. Trong ca khúc có những câu hát: “Hãy nghe Hoàng Sa nói - từ ngàn năm giống nòi/Hãy nghe Trường Sa nói - từ trái tim Việt Nam”. Trương Anh Tú chia sẻ: “Tuần trước, khi nghe tin Trung Quốc có hành động khiêu khích tại Biển Đông, tôi cùng ca sĩ Mạnh Đình Quý (trước công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Hải Phòng, nay đang sinh sống tại Đức - PV) đã bàn với nhau thu âm luôn ca khúc như một thông điệp hướng về Tổ quốc”. Trong khoảng thời gian này, Trương Anh Tú vẫn sáng tác song hành nhạc và thơ. Anh vừa giới thiệu tới độc giả 2 bài thơ mới Hoa ban mai và Mẹ bên mộ liệt sĩ. Một số bài thơ mới của anh cũng sắp ra mắt trong tập thơ in chung Biển bắt đầu từ sóng xuất bản tại Việt Nam. “Với tôi, sáng tác luôn là một nhu cầu tự thân, để thể hiện cảm xúc, để gửi gắm những thông điệp. Mặt khác, sáng tác cũng là một yêu cầu của cuộc sống. Ở đó, người sáng tác phải thể hiện cảm nhận, phải “sống” cuộc sống mà chính đời sống đòi hỏi, có ích cho cộng đồng, cho nghệ thuật và cái đẹp được tỏa sáng”, Trương Anh Tú bộc bạch.
|
Vừa qua, nhiều nghệ sĩ người Việt, gốc Việt trên thế giới cùng những nghệ sĩ trong nước kết hợp thực hiện nhiều dự án âm nhạc ý nghĩa. Ca sĩ Tùng Dương cùng ca sĩ Hà Trần (Mỹ) và nghệ sĩ Nguyên Lê (Pháp) thực hiện MV Quê nhà cho thấy tình cảm với quê hương của 3 nghệ sĩ Việt đang sống ở 3 châu lục. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, bản phối cùng tiếng đàn guitar của nghệ sĩ Nguyên Lê mang tiếng nói tâm hồn Việt, thấy rõ âm hưởng tiếng đàn bầu quyện vào những câu hát ru qua tiếng hát Tùng Dương, Hà Trần. Riêng nghệ sĩ Nguyên Lê và nhiều nghệ sĩ quốc tế còn tham gia trong MV Redemption cùng với Tùng Dương. Dự án âm nhạc này được thực hiện nhằm truyền đi năng lượng tích cực tới khán giả trong thời điểm dịch Covid-19. Còn ca sĩ Hà Trần, ngoài MV Quê nhà, chị sẽ tiếp tục xuất hiện cùng nhóm Bản Nguyên trong chương trình MMF from home của nhạc sĩ Quốc Trung.
|
Sáng tạo từ chất liệu truyền thống
Hoạt động và sống tại Hà Lan, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang vừa trở lại Việt Nam. Trong chương trình thực hiện với nhạc sĩ Quốc Trung, Ngô Hồng Quang hát bài quan họ Đêm qua nhớ bạn, Thả lái buông chèo, và hát cùng nghệ sĩ Thúy Hường bài Mười nhớ. Người nghệ sĩ đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới này cũng đang thực hiện album, trong đó tiếp tục sử dụng những nhạc cụ, chất liệu âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Thời gian này, những ai theo dõi fanpage của nghệ sĩ piano Trà Nguyễn (Nguyễn Bích Trà, đang ở Hồng Kông) đều thấy cô giới thiệu, chia sẻ những bài viết về chuyện tự học của mình, mà cô hy vọng sẽ giúp ích cho sinh viên piano ở Việt Nam. Đó là những bài viết động viên sinh viên, chia sẻ về các điểm chuẩn cho sự chuyên nghiệp, là môi trường âm thanh cần có để luyện tập chuyên nghiệp, hay cách cân bằng năng lượng riêng của mình tạo ra âm thanh trên đàn piano để không là bản sao của người khác...
|
Từ Pháp, nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn cho biết đầu năm 2020, anh vừa giới thiệu album Winds of home. “Trong những đĩa nhạc trước, tôi đã cộng tác, làm việc với nhiều nhạc sĩ, nhà sản xuất, nhà soạn nhạc nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Tôi cũng đã mang đàn tranh đi lưu diễn toàn cầu. Song, trong tim tôi vẫn man mác thiếu một điều gì đó... Hè 2019, sau chuyến lưu diễn tốn khá nhiều công sức, tôi xuống vùng quê yên bình miền nam nước Pháp nghỉ ngơi. Một buổi chiều oi ả, tôi chợt nhận ra điều mình vẫn còn thiếu chính là một album nhạc mà tất cả nghệ sĩ cộng tác, thu âm đều là người Việt. Chỉ người Việt mà thôi!”, anh thổ lộ. Vậy là trong đầu anh nảy ra những điệu nhạc, những ý tưởng để đưa vào dự án mới này.
Nếu những album trước, anh biên soạn lại các bản cổ nhạc Việt Nam từ đờn ca tài tử, cải lương hồ quảng, nhã nhạc cung đình Huế... thì trong album này, anh giới thiệu những bài dân ca của quê hương mà theo anh chia sẻ: “Những bài nhạc được khẩu truyền từ Bắc vào Nam, những bài dân ca tôi đã nghe từ thuở nhỏ”. Anh và người bạn thân - nhạc sĩ Sơn Mạch, làm mới lại các bản dân ca quen thuộc, từ bố cục, nhịp và cả giai điệu đều khác lạ. “Chủ ý của tôi là gửi đến người nghe một cái nhìn khác, mới hơn, đương đại hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ nguyên hồn Việt trong dân ca”, Trí Nguyễn nói. Anh hào hứng cho biết thêm, single Walking của anh vừa thắng giải IMA (Independent Music Awards, thường được người trong nghề gọi là The Indie Grammys - giải Grammy cho các nghệ sĩ độc lập) tại New York (Mỹ) trong thể loại World Beat Song. Đây là tác phẩm mà anh thực hiện cùng nhà sản xuất/chuyên gia bộ gõ người Canada Graeme Drum.
Cũng là một dự án âm nhạc lấy cảm hứng từ dân ca, từ giai điệu mà bất kỳ người Việt nào cũng từng nghe qua, biết đến là sách nhạc kèm đĩa Chansons de mon enfance (tạm dịch: Những bài hát tuổi thơ) được ca sĩ Hương Thanh (con cố nghệ sĩ Hữu Phước) thực hiện, do Nhà xuất bản Editions Goupil vừa phát hành ở Pháp. Sách nhạc gồm 12 ca khúc với cả 3 ngôn ngữ Pháp - Việt - Anh và được vẽ minh họa (bởi Rosario Lo Presti). Đĩa nhạc có sự tham gia của Hương Thanh (hát), Franck Tortiller (đàn vibraphone, phối khí), Mohammad Sadeghin (piano, bass), Vincent Tortiller (trống), Xuân Vĩnh Phước (đàn bầu), Hồng Nguyên (guitar). Theo ca sĩ Hương Thanh, tuy sách in dành cho độ tuổi 0 - 6 nhưng những bài hát được chị chọn, thể hiện có thể nghe được ở độ tuổi rộng hơn. Cha mẹ có thể dạy cho con và cả người lớn cũng tự học được nếu muốn tìm hiểu Việt Nam qua âm nhạc.
Bình luận (0)