NVCC |
Hà Nội đang bước vào thời kỳ nhiều phố đi bộ. Trước đó, chúng ta có phố đi bộ Hồ Gươm, Phùng Hưng và Trịnh Công Sơn. Phùng Hưng rất nổi nhờ nghệ thuật thị giác. Trịnh Công Sơn với dãy ki ốt giả phố Hà Nội lại đìu hiu. Đi sau thế giới về làm phố đi bộ, bà có nghĩ Hà Nội có những phố đi bộ có đặc sắc riêng không?
Tôi nghĩ là nên nói rộng ra ở góc độ nghệ thuật công cộng. Nghệ thuật công cộng là điều có thể tạo dựng điểm đến cho phố đi bộ. Chính vì thế, một số nước có quỹ dành cho nghệ thuật công cộng. Họ sẽ thông báo cho các nghệ sĩ khắp nơi gửi phác thảo dự án trước, kiểu như có đoạn đường 2 km quanh công viên, chúng tôi định dựng 10 bức tượng hoặc 2 tranh tường ở khu vực đó. Để công bằng, cũng sẽ có giám tuyển. Nếu trúng, nghệ sĩ sẽ được cấp tiền để thực hiện công trình ở con đường đấy. Ai giỏi thì thắng, không có chuyện quen biết nọ kia. Sau đó, nó sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, biến thành phố thành thành phố nghệ thuật.
Trưng bày tranh trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Hà Nội |
Ngọc Thắng |
TP.Denver (bang Colorado, Mỹ) cung cấp hành trình tham quan đi bộ với nghệ thuật công cộng. Thông tin này có ngay trên trang web của TP, dễ dàng chia sẻ trên Facebook, ghim trên Pinterest hoặc nhiều cách khác mà mọi người tìm kiếm những việc cần làm trong kỳ nghỉ của họ. Để có khu phố đi bộ này, TP.Denver đã hoàn thành hơn 150 tác phẩm nghệ thuật trong 2 thập kỷ. Du khách có thể chọn tour đi bộ Graffity Denver hay ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật Denver, công viên trung tâm, phố mua sắm và nhiều điểm nghệ thuật công cộng hấp dẫn khác.
Nghệ thuật trong trường hợp bà vừa nói là nghệ thuật thị giác, còn những nghệ thuật khác thì sao? Trước đây, những buổi hòa nhạc trên vỉa hè Lualla Concert cũng khiến phố Lý Thái Tổ trở nên hấp dẫn?
Cái gì cũng được, miễn là phố đi bộ có điểm nhấn nghệ thuật. Nó có thể là hội họa, là điêu khắc, là âm nhạc, nó có thể là mọi thứ. Nhưng nó phải có một cái gì đó đủ chất để có thể gọi tên. Ví dụ như hiện nay phố đi bộ Hồ Gươm là chỗ để các nhóm nhảy biểu diễn và đó là một điều rất hay. Hoặc có thể là dùng cả một con phố để tất cả bọn trẻ có thể đến vẽ graffiti. Phải dám chơi đến thế để phố đó có một chủ đề.
Có người lo lắng rằng nếu không cẩn thận, các phố đi bộ đều sẽ trở thành phố chợ. Bà nghĩ sao về mối lo ngại này?
Vấn đề là chợ ở phố đi bộ thế nào. Nghĩa là chợ ở phố đi bộ cũng phải có quy hoạch. Đi sang chợ Thái Lan, hai hàng cạnh nhau cùng bán áo phông ba lỗ màu trắng, mỗi người sẽ in một loại hoa văn khác, không cạnh tranh gì nhau. Nếu muốn mua cái này vào hàng này, cái kia vào hàng kia. Có những mặt hàng mà hàng nào cũng có thì giá các hàng như nhau, đều căng biển đồng loạt. Nhưng đa số trong chợ là hàng khác nhau, nghĩa là sự khác biệt rất cao. Các chợ phố đi bộ phải có được sự khác biệt cao đó.
Theo bà, khách hàng mục tiêu của phố đi bộ ở Hà Nội là ai, là người dân trong nước hay khách nước ngoài?
Là cả người VN lẫn nước ngoài, nhưng người nước ngoài sẽ nhiều hơn. Trong số khách trong nước thì giới trẻ sẽ nhiều hơn. Và dù là đối tượng khách nào, khi tổ chức phố đi bộ cũng cần chú ý việc kết nối không gian thuận tiện, quy hoạch tổng thể và có văn hóa, cụ thể hơn là nghệ thuật công cộng để làm điểm nhấn.
Xin cảm ơn bà!
Bình luận (0)