Nhưng tìm giáo viên tốt không dễ dàng và đầy may rủi, nhất là khi xảy ra quá nhiều vụ việc liên quan đến ứng xử bạo lực trong mối quan hệ thầy - trò.
Một điều dễ nhận thấy nhất cho tình trạng “khủng hoảng giáo dục” hiện nay là lỗi từ cách thức, quan niệm trong giáo dục. Nói một cách khác là do thiếu một triết lý giáo dục.
Mấy chục năm nay, việc đào tạo ở các trường sư phạm chủ yếu chỉ tập trung vào chuyên môn, thiếu hẳn những kỹ năng cần thiết của một người được dạy làm thầy. Đó là chưa kể, một thời gian dài điểm đầu vào sư phạm thấp nên dân gian từng có câu: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Vì “cùng sào” nên không phải ai vào sư phạm cũng vì yêu nghề, phù hợp với việc giảng dạy, có khả năng giáo dục người khác… Rồi việc tuyển sinh vào khối ngành này cũng không có bước sàng lọc để xem thí sinh phù hợp với nghề hay không. Chương trình đào tạo không đặt nặng đến kỹ năng giáo dục… Thế nên xã hội mới “nhận” nhiều thế hệ giáo viên mà trong số đó, không ít người chưa phù hợp với việc giảng dạy. Vì vậy mới xảy ra những ứng xử đầy bạo lực trong môi trường giáo dục như thời gian qua.
Xâu chuỗi lại tất cả những sự kiện, dễ thấy đó là do giáo viên thiếu kỹ năng ứng xử của một người làm thầy, đến mức nhiều người phải cảm thán thốt lên: “Làm thầy, ai làm thế!”.
Có lẽ không một nghề nghiệp nào ở VN được ví von một cách trân trọng với khái niệm “trồng người” như nghề giáo. Chỉ vậy thôi là đủ thấy tầm quan trọng của nghề này. Ở cấp học càng nhỏ, giáo viên càng quan trọng bởi mỗi hành xử người thầy đều ít nhiều ảnh hưởng, tác động lên học trò. Chính vì vậy, đã làm thầy thì phải chuẩn mực. Đó là yêu cầu bắt buộc. Sự chuẩn mực ấy phải bắt đầu từ giáo dục.
Nếu hướng đến triết lý giáo dục nhân bản thì sẽ giúp nền giáo dục tiệm cận đến con người, giúp con người phát triển hơn, sống nhân ái, bao dung, hòa hợp, thích nghi hơn. Đây thật ra cũng là triết lý giáo dục mà nhiều quốc gia hướng đến trong thời đại này.
Với sự phát triển của công nghệ rồi sẽ đến lúc kiến thức không còn là thứ độc quyền của thầy cô giáo nữa. Công việc của người thầy, xưa nay không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy làm người, lại càng thể hiện rõ rệt hơn trong thời kỳ công nghệ phát triển. Lúc bấy giờ người thầy có vai trò dẫn dắt để học trò biết cách thích ứng với cuộc sống hơn là dạy kiến thức.
Vì vậy việc đào tạo giáo viên cần phải thay đổi từ chính các trường sư phạm để làm sao người thầy khi đứng trước học trò xứng đáng với vị trí và danh xưng của mình.
Bình luận (0)