Nguyễn Thị Kim Ly (30 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) theo nghề vẽ áo dài gần 3 năm. Theo Ly, muốn sống được công việc trước tiên cần phải có năng khiếu, đam mê với nghề vẽ.
“Mình tốt nghiệp đại học về mỹ thuật và khi ra trường, mình lại chọn nghề vẽ áo dài để mưu sinh. Từ nhỏ mình đã rất mê vẽ. Mỗi khi tạo ra sản phẩm nào đó từ nét vẽ của mình thì cảm thấy vui và thích thú vô cùng”, Ly chia sẻ.
Vừa nói dứt câu, cũng là lúc bức tranh hoa sen đã được phác họa xong, Kim Ly lại tiếp tục bận rộn chuẩn bị tô màu nước. Để được một tác phẩm hoàn chỉnh, Ly cho biết cần phải trải qua nhiều bước từ khâu lên ý tưởng, phác họa, tô màu nước, làm khô màu... đều phải chỉn chu và cẩn thận. Vẽ trên áo dài đòi hỏi người họa sĩ cần độ mềm mại, tỉ mỉ, cũng như có kỹ năng cao.
“Để tạo sự khác biệt và tránh lối vẽ sao chép máy móc, theo mẫu thì nên vẽ mộc và trực tiếp lên áo dài, như thế tác phẩm sẽ như thật”, Ly nói.
Chấu Thị Nung (27 tuổi) theo nghề vẽ áo dài được 4 năm từ khi tốt nghiệp ngành sư phạm mỹ thuật tại Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư. Tuy được gia đình định hướng theo nghề giáo viên mỹ thuật, nhưng vừa lấy được tấm bằng cử nhân thì Nung quyết định vào TP.HCM lập nghiệp với nghề vẽ trên áo dài.
Nung cho biết thu nhập trung bình là trên 10 triệu đồng/tháng, những dịp lễ, tết nhiều đơn đặt hàng hơn thì thu nhập tăng lên.
“Hiện nay khách hàng chuộng các họa tiết như: hoa sen, hoa đào, chim hạt, cảnh vật, tranh Đông Hồ vẽ lên áo dài… Tùy vào độ cầu kỳ của hình vẽ cũng như chất liệu vải như lụa, nhung… mà “ngốn” thời gian bao lâu. Nhưng trung bình mình mất 1 ngày rưỡi để hoàn thành sản phẩm. Một số khách hàng còn thích vẽ kết hợp với thêu, đính cườm... Do đó ai biết nhiều tài lẻ là một điều tốt”, Nung cho hay.
“Phải luôn trau chuốt trong từng đường vẽ, chăm chút từng nét cọ làm sao cho mẫu vẽ đẹp, bay bổng, thể hiện được cái hồn của tác phẩm. Các mẫu vẽ được vẽ thủ công hoàn toàn, không sử dụng khuôn mẫu cho nên các họa tiết rất mềm mại, sống động, từ đó người xem có cảm xúc hơn với chiếc áo dài”, Nung tâm sự.
Ngót nghét cũng đã 20 năm theo nghề, chị Ngô Thị Thiên Trang (38 tuổi), chủ tiệm vẽ áo dài nghệ thuật Vy Vy tại TP.HCM, cho biết đam mê của chị chưa bao giờ hạ nhiệt. Luôn mong muốn đem cái đẹp đến cho người phụ nữ Việt, đó cũng là tâm huyết lớn nhất giúp bản thân trụ được với nghề.
“Mình có “hoa tay” từ bé nên tạo ra sản phẩm đẹp không khó, nhưng điều quan trọng trong việc kinh doanh nghề vẽ áo dài là phải biết đối tượng mình hướng đến là ai, cũng như thị trường đang chuộng mẫu, họa tiết như thế nào chứ đừng mải mê chạy theo những thứ mình vẽ ra, vì thời trang luôn thay đổi từng ngày”, chị Thiên Trang nói.
Cũng theo chị Trang, để cạnh tranh cũng như tồn tại lâu dài, cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm cũng như lắng nghe ý kiến của khách hàng. Trước tiên, phải “đọc” được suy nghĩ của khách hàng, xem họ thích gì, cần nắm bắt “trend” (xu hướng) đang là gì. Thí dụ người ta chuộng vẽ con hạc thì mình phải biến đổi nhiều kiểu cách nhưng phải liên quan đến con chim hạc, luôn kỹ lưỡng không bao giờ vẽ ẩu, dẫu có chạy đua với thời gian để kịp có áo cho khách.
Bình luận (0)