Sơn ta là nghề dùng nhựa cây sơn phủ lên đồ vật nhằm chống mối mọt bảo quản bề mặt, tạo độ bóng và tăng vẻ đẹp của đồ vật. Thế giới có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ sở hữu cây sơn như Nhật, Triều Tiên, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Myanmar… nhưng nhựa (sơn) chỉ vài giờ là khô, trong khi nhựa cây sơn VN cực lâu khô, có khi mất… cả tháng. Chuyện chậm khô lại hợp với sáng tác hội họa sơn ta bởi dễ mài bóng, dễ moi màu từ các lớp nền, tạo hiệu ứng lạ.
Dát bạc lên tác phẩm sơn mài, nghệ sĩ trong công đoạn này là một thợ nghề thủ công |
Lam Phong |
Bóng hình sơn ta
Đi khắp những công trình cổ đình làng, chùa Việt xưa vùng chiêm trũng Bắc bộ như đình So, Chu Quyến, Thụy Phiêu, Tường Phiêu, Tây Đằng… đâu cũng hiện hữu những hiện vật từ tượng thờ, cửa võng, hoành phi, đại tự, liễn đối, đồ thờ cúng, mâm xe, các cấu kiện kiến trúc… đã qua hàng trăm năm tuổi, phần đa thường được “áo” lên chất liệu sơn ta. Dù bảng màu sơn ta khá “nghèo” chỉ với đen, vàng, đỏ son, nâu, cánh gián… nhưng lại hợp không gian thờ tự, chốn linh thiêng. Qua thời gian, ít nhiều lớp sơn đã bị bào mòn, bong tróc.
Không chỉ trong kiến trúc, sơn ta còn được dùng nhiều trong trang trí tượng thờ. Nhìn lại những tượng thờ “kinh điển” được công nhận bảo vật quốc gia như bức tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp (1656), tượng hậu Phật Trần Thị Ngọc Trúc... vẻ đẹp thâm trầm của sơn ta không chỉ tăng thêm tôn nghiêm, mà còn tạo những hiệu ứng thị giác, làm nổi bật đường nét điêu khắc tinh tế của nghệ thuật tượng thờ thế kỷ 17. Nhờ các lớp sơn - thếp, tượng có thêm chiều sâu, có hồn hơn.
Nghịch lý sơn mài
Trong sơn mài, có một nghịch lý đang tồn tại, người không vững nghề thì đảm nhiệm vai trò giảng dạy, người biết nghề lại giấu kín vì sợ mất nghề. Kỹ thuật làm nguyên phụ liệu mỗi người mỗi phách, tự phát khiến sơn mài phát triển ở số đông theo nghề, nhưng chất lượng lại là vấn đề khác.
Tính thích ứng mọi chất liệu của sơn ta cũng là một lợi điểm để qua bao thời đại vẫn không dễ gì tìm chất liệu thú vị hơn. Bộ tượng đất chùa Nôm (tác tạo vào khoảng thời Lý - Trần cách đây gần ngàn năm) là một điển hình. Sử dụng cốt đất, người xưa đã dựng nên Thập bát La Hán, Bát bộ Kim Cương, Tứ đại Bồ Tát, Nhị vị Hộ Pháp… với phần áo ngoài của tượng là sơn ta. Qua nhiều thiên tai, lụt lội, tượng ngâm trong nước nhiều ngày, nhưng nhờ chất sơn ta vừa chống thấm, chống biến dạng, bộ tượng đất chùa Nôm vẫn bền theo thời gian.
Cũng lấy sơn ta làm chất phủ, Việt Nam còn có một hình thức an táng độc đáo được nhà cổ nhân học PGS-TS Nguyễn Lân Cường định danh là tượng táng (an táng theo hình thức thân hóa tượng), với các vị thiền sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu, thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu, thiền sư Chuyết Chuyết chùa Phật Tích. Các vị thiền sư khi tịch ở thế tọa thiền, được phủ toàn thân bằng chất liệu sơn ta để định khối, chất liệu sơn ta cũng giúp bảo quản nhục thân các ngài qua hàng thế kỷ.
Hình lợn ở đình Thụy Phiêu thời Mạc trên cột thờ gác lửng với chất sơn ta còn lưu trên nền chạm |
Nghề hay nghệ ?
Sơn ta là một nghề, ứng dụng vào đời sống với nhiều sản phẩm thủ công. Từ sau năm 1925, khi các thế hệ thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương khai sinh ra môn nghệ thuật sơn mài, tính sáng tác của sơn mài trở nên vượt trội, hợp với nhu cầu và định hướng thị trường. Bán một tác phẩm tranh sáng tác sơn mài có khi bằng cả một kho đồ thủ công mỹ nghệ.
Ở góc độ khác, trong sơn mài, các kỹ thuật của nghề sơn thường được thợ nghề giấu, ém bí quyết, trong chế tác thì lược bỏ nhiều phần để đáp ứng nhu cầu nhanh, giá thành hạ. Từ đó, kéo theo chất lượng sơn mài đi xuống. Người làm sơn mài chú trọng nhiều vào biểu hiện (sự sáng tạo) hơn là cấu tạo nguyên liệu và giá trị cốt lõi của tác phẩm (yếu tố nghề thủ công).
Họa sĩ sơn ta người Nhật Bản Ando Saeko tại xưởng vẽ |
Từng được cử sang Nhật học sơn mài vào những năm 1960, họa sĩ sơn mài Nguyễn Văn Trung lúc sinh thời chia sẻ rằng, sơn mài Nhật phần đa sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, ít sáng tác, nhưng chú trọng kỹ thuật cơ bản, đúc kết thành khoa học, tính nghiên cứu cao, không làm tùy tiện. Ví dụ, tấm vóc phải qua 30 công đoạn khắt khe, nên khi sản phẩm hoàn thiện, mang vẻ đẹp toàn diện. Cả đời làm nghề, ông Trung chẳng thấy mấy người chú tâm dạy hay học làm vóc mà toàn chăm lo vào kỹ thuật sáng tác.
Sơn mài phải giỏi nghề thủ công
Sơn mài là nghệ thuật sáng tác, nhưng trong đó luôn có yếu tố nghề thủ công, từ kỹ thuật cẩn trứng, vỏ ốc, thếp quỳ vàng, quỳ bạc… rồi vẽ, mài, toát sơn, đánh bóng… chất nghề phải thật giỏi, người sáng tác khi ấy là thợ thủ công lành nghề, vậy mới đủ kỹ thuật để chuyển tải ý tưởng thành màu sắc, bố cục, đường nét, nếu không thì sơn mài cũng chỉ dừng ở mức sơn mò mà thôi.
Họa sĩ sơn mài Nguyễn Xuân Lục
Nghệ sĩ sơn mài người Nhật Ando Saeko - hơn 20 năm gắn bó nghệ thuật sơn mài Việt - kể: “Hơn 20 năm trước, tôi làm tiếp viên hàng không, khi mua sắm ở phố cổ, gặp đồ mỹ nghệ sơn mài rất đẹp, nhưng chất lượng yếu quá, tôi quyết định tìm câu trả lời. Khi càng hiểu sơn mài Việt, tôi càng đam mê và quyết định gắn bó với sơn mài cho đến giờ”.
Trong giới nghệ sĩ sáng tác tranh sơn mài, người chọn chất liệu thuần túy là sơn ta không nhiều. Lượng sáng tác và làm đồ mỹ nghệ phần đa chọn chất sơn công nghiệp, bởi phổ biến, nhanh khô, dễ vẽ, giá thành rẻ. Một sản phẩm/tác phẩm chỉ đôi ba ngày xong, trong khi nếu làm từ sơn ta, mất cả tháng trời. Tư duy ăn xổi, thu lợi trước mắt, vẽ sơn mài tốc độ nhanh như sơn dầu… là thực trạng tồn tại từ lâu, chất “nghề” trong nghệ thuật sơn mài bị coi nhẹ, dẫn đến tuổi thọ tranh ngắn, năm mười năm đã xuất hiện nứt sơn, bong tróc.
Họa sĩ sơn mài Trần Tuấn Long cho biết: “Theo nghề sáng tác sơn mài, nghệ sĩ thường lệ thuộc vào nhiều yếu tố mà nếu không vững nghề, non kinh nghiệm, sẽ khó kiểm soát. Từ nền tảng là sơn ta, vóc, màu, quỳ… mỗi chi tiết đều là nghề riêng biệt, xâu chuỗi hết các nghề ấy, mới đến công đoạn thể hiện của nghệ sĩ. Nếu xuề xòa bỏ qua các nghề, sáng tác có hay, tốt, hấp dẫn mấy cũng chẳng thể bền. Muốn tác phẩm hoàn hảo theo năm tháng, nền tảng của các nghề bổ trợ cho sơn mài, phải thật quy chuẩn”.(còn tiếp)
Bình luận