Người phụ nữ đó là cô giáo Lê Thị Hồng Thanh (42 tuổi), mà như người dân ở đây thường vui miệng gọi đó là “người đàn bà chạy”. Chạy lên từng nóc, từng bản để đưa học sinh tới trường. Chạy từng hộp sữa, đôi dép, cái áo ấm cho đôi chân bớt lạnh khi gió đông lùa về tứ phía. Chạy về dưới xuôi để tìm các nhà hảo tâm, thiện nguyện xin từng đồng kinh phí để xây trường chắc chắn, làm nơi ăn ở, học hành cho các học sinh… Người đàn bà đó, đôi chân chưa bao giờ ngừng nghỉ.
Cô giáo Lê Thị Hồng Thanh bên các học trò của mình |
“Cái bang” của làng
Năm 2012, cô giáo Lê Thị Hồng Thanh được phân công về làm công tác quản lý tại Trường mẫu giáo Trà Nam (xã Trà Nam) khi còn rất trẻ. Chị đi khắp các nóc, các làng ở đây. Trà Nam, xã xa nhất của H.Nam Trà My, nơi tiếp giáp với tỉnh Kon Tum, là một trong những xã nghèo nhất của Quảng Nam với 98% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cái khó bủa vây họ trong từng cái ăn, cái mặc; khó trong từng nếp ăn ở.
“Lần đầu tiên lên nóc để vận động học sinh tới lớp, mình bắt gặp 4 đứa nhỏ đang ngồi quanh 1 nồi cơm trắng. Cạnh đó là bát muối giã với ớt xanh, cũng là thức ăn duy nhất. Xót một phần nhưng sốc thì mười phần. Chẳng thể tưởng tượng nổi, đến thời điểm đó mà vẫn phải ăn cơm với muối thì thật thương các em quá”, chị Thanh hồi tưởng.
Cái cách “trả nợ” rất riêng của chị đã khiến người dân ở đây luôn nhớ về chị như một người con của bản. Ở đó, họ thiếu cái gì, cần cái gì thì bằng mọi cách chị sẽ xin được về cho làng.
Chị Thanh tặng áo ấm cho học sinh vùng cao Nam Trà My |
Trường mẫu giáo Trà Nam có 1 điểm trường chính và 9 điểm trường lẻ ở cách xa nhau tại các điểm thôn, nóc. Những điểm trường lẻ này được dựng vội trên nền đất nhão nhoét bằng các cây rừng, tre, vách nứa… Nhiều nơi, phòng học chỉ có 9 m2, vừa đủ để kê 3 dãy bàn ghế. Trẻ em đến lớp thiếu thốn mọi mặt: áo quần rách mặc không đủ ấm, không dép, không mũ, không có đồ dùng học tập...
“Ở điểm trường Tak Ta Mang Liệt có ngôi nhà được dựng bằng mấy tấm phên, làm nơi che chắn mưa gió cho những học sinh nhà xa ở lại. Đến mùa đông, gió lùa tứ phía. Có đêm, cả cô lẫn trò ôm nhau khóc vì quá lạnh, không thể ngủ được”, chị Thanh kể.
Đó cũng chính là động lực để chị Thanh ngược xuôi vận động nguồn lực xây dựng được ngôi trường mới cho các em học sinh. Những điểm trường cứ thế mọc lên, kiên cố, khang trang. Từ Mang Liệt đến Tak Vinh, Long Riêu, Tak Pu… lần lượt được xây dựng từ phòng học cho đến sân chơi, nhà vệ sinh, đồ chơi cho trẻ. Tất cả, chị Thanh đều “đi xin”, cứ ở đâu có gì phù hợp thì chị lại xin về cho các điểm trường. “Cái bang” của làng là biệt danh mà người ta trìu mến gọi chị.
Lo xong phần ở, chị lại cắm cúi tìm nguồn hỗ trợ để bữa ăn của các em được cải thiện. Mỗi học sinh dân tộc thiểu số ở H.Nam Trà My được nhà nước hỗ trợ bán trú 120.000 đồng/tháng/học sinh, tương đương hơn 5.000 đồng/suất cơm. Vì vậy, bữa thì các em ăn mì tôm, bữa thì cơm với rau. Đến nay, qua nhiều nguồn hỗ trợ với sự chung sức của các cô giáo trong trường, 100% các điểm trường ở đây đều có được bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng với thịt, cá, trứng, rau xanh...
Đối với những làng ở xa điểm trường như Tak Ta, Mang Liệt, Tu Ron, Man Dí, chị Thanh cùng các cô giáo đến từng nóc để vận động phụ huynh ở lại trường chăm trẻ và kêu gọi các hội từ thiện nuôi luôn cả phụ huynh.
Chị Thanh trao tiền hỗ trợ cho những người dân mất nhà sau lũ quét cuối năm 2020 |
NVCC |
Cô giáo “cấp cứu”
Năm 2019, dù chuyển công tác về Trường tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai, H.Nam Trà My) thì chị cũng vẫn ngược xuôi không ngơi nghỉ. Chưa có một ngày cuối tuần nào chị ở nhà nghỉ ngơi mà lặn lội lên từng nóc để tìm đến những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật rồi tìm cách để chia sẻ.
Ở đâu có khó khăn, ở đó có chị. Khi thì những bộ quần áo cho những người nhà đang chăm sóc bệnh nhân ở trung tâm y tế huyện, khi thì những phần tiền hỗ trợ kịp thời cho những hoàn cảnh ngặt nghèo. Có những khi, cô giáo Thanh tạm gác công việc để đưa những ca bệnh nặng chuyển tuyến ra TP.Đà Nẵng cấp cứu. Cô giáo “cấp cứu” cũng xuất phát từ đó, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nhưng biết sao được, nó như cái nghiệp đã vận vào số của mình rồi. Điều an ủi duy nhất đến hiện tại, là được bà con nhớ tới mình, các nhà hảo tâm cũng rất tin tưởng. Vậy là đủ!
Để liệt kê ra những trường hợp được chị Thanh “cấp cứu” thì nhiều vô kể, chị chỉ nhớ trường hợp của em Hồ Thị Yến Nhi (10 tuổi) ở nóc Mang Lanh (xã Trà Nam) mồ côi cha mẹ. Em bị gãy chân phức tạp, nhưng do ông bà nội già yếu, gia đình lại không có tiền nên không đưa bé đi bệnh viện mà chữa trị bằng cách... lấy da khỉ đốt đắp trên da gây nhiễm trùng. Ròng rã 12 ngày, Nhi phải chịu đau đớn do chân bị nhiễm trùng. Chị Thanh phát hiện, vận động dân làng cõng xuống đường rồi chị đưa em đi điều trị và kêu gọi các anh chị em từ thiện hỗ trợ giúp em khỏi bệnh. Số tiền còn dư, chị làm sổ tiết kiệm trị giá 45 triệu đồng để giúp em tiếp tục học tập.
Đặc biệt là em Hồ Văn Gương (ở nóc Long Riêu, xã Trà Nam) bị tổn thương cột sống nặng, nhưng không có tiền chữa trị, đành bỏ học giữa chừng trong 6 năm trời. Hay tin, chị một mình vượt núi, đi bộ hơn 1 tiếng rưỡi để đến tận nhà vận động gia đình và đưa em đi chữa bệnh. Đến nay, em đã khỏi bệnh và thực hiện được ước mơ của mình đến trường sau 6 năm bỏ học và sổ tiết kiệm với số tiền 140 triệu đồng cùng 1 con bò, 2 con dê…
Còn nhiều, rất nhiều những trường hợp được chị Thanh kết nối, chia sẻ để giúp họ vượt qua khó khăn. Chị làm, chẳng hề tư lợi, chỉ để thấy rằng, mình có ích. Và, thị phi là điều không thể tránh. Nhiều đến mức, nhiều lúc chị muốn bỏ.
Nhưng rồi, thấy những mảnh đời cơ cực, lại không đành lòng rồi tiếp tục thiện nguyện. “Vì nhiều lúc quá bận, không có thời gian để minh bạch tài chính, người ta lại bảo mình có động cơ không trong sáng. Rồi thời gian dành cho con cái, gia đình cũng bị bó lại, cũng bị trách đủ điều. Nhưng biết sao được, nó như cái nghiệp đã vận vào số của mình rồi. Điều an ủi duy nhất đến hiện tại, là được bà con nhớ tới mình, các nhà hảo tâm cũng rất tin tưởng. Vậy là đủ!”, chị Thanh cười hiền.
Bình luận (0)