Nghề xưa còn một chút này: Còn đó một thợ sửa xích lô

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
23/02/2023 07:21 GMT+7

Những chiếc xích lô dần vắng bóng trên đường phố Đà Nẵng đã đẩy nghề sửa loại xe 3 bánh này đi vào ngõ cụt. May thay, những người hành nghề đạp xe ít ỏi vẫn còn đó một người thợ có tâm…

MỘT THỜI VÀNG SON

Hộp phanh chiếc xích lô cũ kỹ rít lên những tiếng nghe chát tai vẫn không thể hãm chiếc xe đến đúng trước nhà ông Nguyễn Văn Hạ (63 tuổi, tên thường gọi là "Trung sửa xích lô") trên đường Ông Ích Khiêm, cạnh chợ đêm Lê Duẩn, TP.Đà Nẵng. Từ trong nhà, ông Hạ bước ra, nhoẻn miệng cười: "Thay bố phanh hả?". Người đạp xích lô đáp vui: "Thợ lão luyện như anh nghe tiếng xích lô là đã biết bệnh rồi!".

Ông Hạ nổi tiếng trong giới sửa xe xích lô bởi tay nghề điêu luyện suốt mấy chục năm qua. Khi thưa vắng dần những vòng xe, căn nhà nhỏ cũng là tiệm sửa xích lô không bảng hiệu trở thành địa chỉ tìm đến của cánh đạp xe. "Ngoài anh Hạ, tìm khắp Đà Nẵng này không có thợ sửa xe xích lô thứ hai", người đạp xích lô già nói.

Nghề xưa còn một chút này: Còn đó một thợ sửa xích lô  - Ảnh 1.

Nghề xưa còn một chút này: Còn đó một thợ sửa xích lô  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hạ, người được giới xích lô ở Đà thành gọi là “truyền nhân cuối cùng” của nghề sửa loại xe này

HOÀNG SƠN

"Người thầy đầu tiên cũng là cuối cùng dạy nghề sửa xích lô cho tôi là ông cụ thân sinh Nguyễn Út. Ông làm nghề từ năm 1945. Từ năm 1975 trở đi, thấy nhiều người đạp xích lô, cha tôi bắt đầu dạy nghề cùng lúc cho 4 anh em trai. Năm đó, tôi 15 tuổi…", ông Hạ lần giở chuyện nghề: "Những năm bao cấp, có thể nói đó là thời điểm vàng son đúng nghĩa của nghề sửa xích lô. Cha tôi nhanh nhẹn thuê mặt bằng sửa xe cho HTX Vận tải xích lô trên đường Hải Phòng, gần Trường THPT Phan Châu Trinh ngày nay; 5 cha con với 2 - 3 người làm mà vẫn không xuể".

Ông Hạ kể trước năm 1990, HTX có khoảng 800 chiếc xích lô chuyên chở khách, còn gọi là "xe đỏ" (giá bán đến 1,5 cây vàng/xe). Chưa kể, xe xích lô chở hàng (còn gọi là "xe đen") cũng đông không kém. Xe nhiều, hoạt động như thoi trên đường phố nên nghề sửa xích lô cũng đông khách theo. Cứ thủng lốp, méo vành, mòn phanh, hỏng nhông, xích, líp… là các xe lại vào tiệm của gia đình ông Hạ. Cảnh tượng khiến ông nhớ nhất đó là vào mỗi dịp "khám" xe, xích lô phải đến từ sáng sớm mới mong được ra đường sớm… Người tới trễ cứ thế xếp hàng, chờ đến lượt vào "khám".

NỖI LÒNG NGƯỜI CUỐI

Mấy mươi năm qua, giá sửa chữa xích lô có nhích lên đôi chút nhưng cũng chỉ ở mức vài chục ngàn đồng, như: thay bố 20.000 đồng; vá ruột 15.000 đồng; đập nhíp 50.000 đồng... Có tận mắt chứng kiến mới thấy thù lao sửa chữa xích lô quá "mềm" so với công sức mà ông Hạ bỏ ra. Với những kỹ thuật chỉ có những thợ cứng như ông mới làm được, ông Hạ hoàn toàn có thể nhận được tiền công cao hơn. Ông nói nghề sửa xích lô nhìn qua cứ tưởng dễ như sửa xe đạp nhưng làm rồi mới biết không đơn giản như suy nghĩ. Chẳng hạn, khi vá săm, nếu chỉ chăm chăm cạy lốp mà không biết cách thì sẽ làm gãy phần tanh vốn dĩ rất giòn. Hay may lốp, người thợ phải biết cách để phần chỉ may không lòi ra ngoài, tránh tiếp xúc với mặt đường.

"Khó nhất là kỹ thuật đập nhíp. Nhíp xích lô là bộ phận chịu lực nên lâu ngày sẽ bị duỗi, biến dạng. Người thợ tháo nhíp ra đập lại cho cong như ban đầu thì đơn giản nhưng căn chỉnh làm sao để xích lô giữ được thăng bằng, bánh quay đều, không nghiêng… thì phải có quá trình học và kiên trì theo nghề", ông Hạ chia sẻ. Dù công sức bỏ ra không ít, vận dụng nhiều kỹ năng khó nhưng không vì thế mà ông có ý định lấy thêm tiền. Ngược lại, với những lỗi đơn giản có khi ông làm không công, phức tạp hơn cũng chỉ lấy "giá hữu nghị". Là người sáng ý, sau nhiều năm làm nghề, ông Hạ đã nghĩ ra nhiều kỹ thuật để tiết kiệm chi phí cho người đạp xích lô, như: lật sên, nối săm, may lốp...

Nói sửa xích lô có nguy cơ thất truyền cũng đúng, bởi như lý giải của ông Hạ, nghề này mang tính cha truyền con nối. Từ xưa, người theo nghề đã có những bí quyết riêng. Vả lại, nghề khi xưa có thu nhập khá cao nên thường không truyền cho người ngoài. Nhưng nay, vì nghề không còn đủ sống nên ông Hạ không truyền lại cho con cái nữa. Ông còn sửa xe là vì thấy anh em đạp xích lô còn cần đến, kiếm ít đồng cà phê cho vui. "Giờ "xe đen" chở hàng cạnh tranh không lại với xe ba gác máy, nên lay lắt ở vỉa hè. "Xe đỏ" được quản lý để chở khách du lịch còn đâu 50 - 60 chiếc cũng phủ bạt vì dịch dã triền miên…", ông Hạ cho hay. Nghề của ông "cộng sinh" vào những chiếc xích lô nên nỗi lòng cũng như câu hát trong bài Xích lô (Võ Thiện Thanh) "chẳng buồn chẳng vui, khóc hay nên cười"…

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.