Nghề xưa còn một chút này: Le lói ngọn lửa lò rèn

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
22/02/2023 07:32 GMT+7

Trong khi phố lò rèn Nguyễn Trãi (TP.Đà Nẵng) nức tiếng một thời chỉ còn trong ký ức của nhiều người, thì ở miền quê, những thợ rèn cuối cùng vẫn âm thầm giữ lửa nghề với tâm niệm: chỉ bỏ nghề khi không còn sức cầm búa…

TUYỆT KỸ "THÉP CHÁY"

Tìm hiểu về nghề rèn ở Đà Nẵng, tôi đã không ít lần thất vọng vì khi tìm đến nơi mới hay người thì bỏ nghề, người đã qua đời vì già yếu… Phải dò hỏi nhiều lần, tôi mới gặp được những người thợ rèn hiếm hoi còn lại tại thôn Phú Sơn Tây (xã Hòa Khương, H.Hòa Vang), cách trung tâm TP.Đà Nẵng chừng 30 km về phía tây. Họ là 3 anh em, học nghề rèn từ cha, ông nội với những tuyệt kỹ thuộc hàng đỉnh cao.

Giao xong cho khách một chiếc thuổng, ông Trần Công Nhi (49 tuổi) kể: "Cỡ trăm năm trước, ông cố của chúng tôi học được nghề rèn từ H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) rồi về "dụng võ" trên đất Hòa Khương này. Kế thừa những kỹ năng được ông cố truyền lại, 3 anh em chúng tôi đã làm nên nhiều sản phẩm rèn không chỉ được người nông dân ưa chuộng mà từ dưới phố, nhiều người đã cất công lên đây đặt hàng".

Vì nhà đông con, cứ đến 15 tuổi, 3 anh em ông Nhi lần lượt xách quai búa phụ cha đập nguội. Vừa làm vừa học chừng 2 năm, anh em ông Nhi mới tự mình rèn những chiếc dao, rựa, cuốc, rìu… đầu tiên. "Dù có cha (ông Trần Công Đằng) làm thầy, bắt tay chỉ việc nhưng phải kiên trì lắm thì 2 năm sau chúng tôi mới rèn được. Nghề này nhìn tưởng dễ vì chỉ cần đập cho ra hình cái dao, cái rựa là được. Nhưng để rèn được những sản phẩm đó sao cho bền, bén thì phải có "bí kíp". Cha tôi đã chỉ cách rèn "thép cháy" mà mọi người nói vui là "tuyệt kỹ của ông Bốn Đằng", ông Nhi bật mí.

Nghề xưa còn một chút này: Le lói ngọn lửa lò rèn - Ảnh 1.

Ông Trần Công Nhi cùng anh em trong nhà vẫn quyết giữ lửa lò rèn dù nghề vất vả và thu nhập thấp

HOÀNG SƠN

"Thép cháy" là một cách hòa thép vào sắt. Nếu thợ rèn ở các nơi rèn công cụ từ những mảnh sắt thông thường thì ông Nhi tách thanh sắt làm đôi rồi cho một thanh thép vào giữa, sau đó cho vào lò nung. Khi cả sắt và thép "chín" lên thì dùng búa đập cho đến tan vào nhau, đập đến khi miếng sắt thép "lì" ra thì được. Phần sắt sẽ được tạo hình dao, rựa… còn phần thép sẽ là phần lưỡi. "Đây là cách làm gia truyền mà nhiều người không làm được. "Thép cháy" mà làm dao, đặc biệt là làm liềm thì bén không chi bằng. Từ xưa, dao, rựa, rìu… do cha, ông nội tôi rèn nên đã làm nhiều người mê mẩn. Họ nâng niu như là một vật quý trong nhà", ông Nhi nói.

Một kỹ thuật chế tác khác mà ông Nhi cho rằng khác biệt so với nhiều lò rèn: pha gang vào thép để rèn ra lưỡi cuốc. Cách rèn này tốn nhiều thời gian, nhưng một khi sở hữu, người làm vườn sẽ không bao giờ muốn dùng những sản phẩm cuốc khác đang bán trên thị trường.

"CHO THÊM TIỀN CŨNG KHÔNG AI HỌC NGHỀ…"

Là người có hoa tay và cần cù nhất trong số 3 anh em, ông Trần Công Tú (50 tuổi) cũng mất ngót nghét 2 năm mới nhuần nhuyễn kỹ năng "thép cháy". Ông Tú bảo nghề rèn tùy thuộc vào năng khiếu từng người để quyết định có trở thành thợ được hay không. "Nhìn qua thấy nên hình hài con dao, cái rựa nhưng không phải như thế là thành công. Cũng không phải cứ nung đỏ thanh sắt cho vào bể nước trui (tôi) cái xèo là có được sản phẩm. Ít nhất phải học 2 năm mới mong thành nghề. Khâu khó nhất là trui thép. Có người học mãi mà vẫn không nên", ông Tú chia sẻ.

Không ai muốn đặt một chiếc rựa, chiếc rìu mà đến khi mang lên rừng phát cây, đốn củi lại bị vỡ do thép quá già, hoặc cong vênh vì quá non. Bởi vậy, 3 anh em ông Tú quan niệm phải cố gắng gìn giữ thương hiệu mà cha ông mấy đời đã xây dựng. Lò rèn ông Nhi - Tú (2 anh em làm chung) cũng như lò rèn của người anh lớn Trần Công Tuấn (53 tuổi) đã xây dựng được uy tín và thu hút nhiều khách hàng ở xa. "Từ xưa, nhờ nghề này mà anh em chúng tôi có cơm ăn ngày 3 bữa không phải độn sắn lát. Nay cứ hễ lò đỏ lửa là có tiền. Với giá bán dao, rựa từ 150.000 - 200.000 đồng/cái, mỗi ngày thu nhập 200.000 - 300.000 đồng, đủ sống và nuôi con ăn học", ông Nhi trải lòng.

Gạt vội giọt mồ hôi trên khuôn mặt lấm lem muội than, ông Nhi tiếp: "Có điều, nghề này cực quá! Cha tôi từng nhận lứa thợ 10 người thì chỉ có 1 người theo. Tôi đam mê mới theo nghề đến giờ, chứ nay có cho thêm tiền cũng không ai học nghề này".

Vì dù có hiện đại hóa đến mấy thì nghề rèn cũng khiến những người thợ đối diện với nguy cơ cao mắc các loại bệnh nghề nghiệp, như viêm phổi, mắt mờ, tai kém… Anh em ông Nhi nói chắc như đinh đóng cột rằng: hết đời của mình, nghề rèn của gia đình sẽ thất truyền. Bởi chắc chắn các ông sẽ không truyền lại cho con vì quá cực nhọc. "Có hôm, một ông cụ mang tới cây rựa do ông nội tôi rèn từ 40 - 50 năm trước, bằng tuổi đời của tôi. Cụ ông nói đó là vật kỷ niệm của cụ, còn với tôi đó là vật chứng của niềm tự hào về nghề gia truyền. Niềm vui với lò rèn nhiều khi chỉ đơn giản vậy thôi", ông Nhi xúc động kể. (còn tiếp) 

Giữ nét xưa trong nghề xưa

3 anh em ông Trần Công Nhi vẫn cố gắng gìn giữ cách chế tác xưa cũ với suy nghĩ: cách làm truyền thống sẽ cho sản phẩm bén, bền cùng thời gian. Các thợ rèn không dùng than đá mà vẫn dùng than củi. Thay vì mua thép gia công, anh em ông Nhi vẫn dùng ve để cắt từng mảnh bom, nhíp ô tô cũ của Pháp, Mỹ, Liên Xô, cọc hàng rào kẽm gai, thép cây hình chữ X… còn sót lại sau chiến tranh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.