Trong tâm trí của các bậc lão niên ở Cẩm Vân, P.Nhơn Hưng, TX.An Nhơn (Bình Định), vẫn còn hình ảnh những chuyến xe trên đường vào nam ra bắc thường dừng lại Cẩm Vân để mua những món hàng có khảm xà cừ. Những hình ảnh ấy bây giờ đã nhạt nhòa.
Vang bóng một thời
Đến Cẩm Vân, hỏi những người đã có tuổi về nghề khảm xà cừ, không ai là không biết, dù có thể họ chưa từng kinh qua nghề này. Thậm chí, nếu cần thì họ có thể “chỉ điểm” một số người thợ có đôi tay tài hoa. Một trong số ấy là ông Lê Kim Anh, người làng thường hay gọi là Bảy Anh, năm nay 78 tuổi.
|
“Khi tôi vừa bước chân vào nghề, cả dân Nhơn Hưng và một ít ở Nhơn An đã sống khỏe với nghề này. Tuy vậy, đẹp nức tiếng chỉ có ở Cẩm Vân. Cũng vì ở đây nổi tiếng là khảm xà cừ đẹp, khi nghề này lỗi thời, một số người thấy tiếc nên quyết tâm khuyên bảo con cháu giữ nghề”, ông Bảy Anh nói.
Theo ông Anh, những sản phẩm có khảm xà cừ thường dùng ở nơi thờ cúng, tôn nghiêm. Thường là hoành phi, câu đối, bình phong, tam sơn, tủ thờ… Đồ nghề để khảm xà chỉ là mấy cái đục, dùi, búa, cưa, giũa… Tuy là đơn giản nhưng người sử dụng nó phải có đôi tay thật khéo léo, bên cạnh đó là óc sáng tạo để có những hoa văn, họa tiết đẹp và lạ để hút được người mua. Loại gỗ có thể khảm xà cừ được là cây gỗ gụ, trước kia có rất nhiều nhưng nay rất ít. “Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến nghề này lụi dần. Những năm gần đây nhiều mặt hàng tương tự được sản xuất kiểu công nghiệp tuôn ra thị trường với giá rẻ hơn rất nhiều, khiến thợ khảm ở Cẩm Vân điêu đứng và đành bỏ nghề”, ông Anh bùi ngùi nhớ lại lúc nghề khảm xà cừ đi vào suy vong.
Loay hoay giữ nghề
Ông Trần Văn Hùng - quản lý một cơ sở sản xuất đồ khảm xà cừ cho biết cơ sở do bốn anh em ruột trong nhà gầy dựng nên. Cha ông Hùng là ông Trần Nhi, một người vốn nổi tiếng với nghề khảm xà cừ, cả tài nghệ tích lũy được ông đều truyền hết cho bốn người con trai. Ông Bảy Anh nhận xét: “Người ở đây khen tôi khảm đẹp, có tiếng trong vùng thì tôi… không dám từ chối. Nhưng thú thật, tôi chỉ khảm được cây cối, hoa lá. Còn Hùng thì khảm được tất cả, tôi phục nó cái tài khảm hình nhân, điều mà tôi không làm được”.
Không buồn nói về cái biệt tài của mình, ông Hùng kể về cơ sở lắm truân chuyên do mình quản lý. Khi nghề khảm xà cừ dần chết, bốn anh em họ Trần nhận lệnh của ông Nhi là phải cố giữ nghề. Không để cha buồn lòng, anh Hùng cùng các anh em chung tay lập Cơ sở sản xuất đồ khảm xà cừ Hồng Hà. Ban đầu công việc tương đối thuận lợi nên chuyển cơ sở từ Cẩm Vân sang Tuyên Hóa để tiện cho việc bán mua, đồng thời mở rộng quy mô lên thành công ty cổ phần. Nhưng khi năm 2011 chưa khép lại, ông phải đệ đơn xin bỏ công ty để xuống lại cơ sở. Ông Hùng giải thích: “Thời gian đầu bán buôn thuận lợi, sau mặt hàng này có vẻ bão hòa nên bán không được bao nhiêu. Mà công ty thì phải chi phí cho thư ký, kế toán, rồi thuế má nữa… nên chịu không nổi, thế là xin chuyển lại thành cơ sở vừa sản xuất cầm chừng, vừa tìm cơ hội”.
Bị chi phối bởi đặc điểm sử dụng, nên đồ khảm xà cừ rất khó mở rộng thị trường, ông Hùng thẳng thắn thừa nhận rất khó có cơ hội để vực dậy nghề khảm. Để có một sản phẩm khảm, ông phải “bao thợ” từ khâu mộc cho đến khâu khảm. Nghĩa là thuê thợ mộc làm ra cái tủ hay bình phong, sau đó đưa cho thợ khảm để đính xà cừ. Ngay công việc khảm cũng tốn rất nhiều thời gian, bởi nó đòi hỏi tính tỉ mỉ và độ khéo tay cao. Chính vì vậy nên chi phí bán ra cao hơn so với những sản phẩm làm kiểu công nghiệp hoặc “tân thời”, khiến nghề khảm xà cừ mất dần vị thế.
Hiện cơ sở của ông Hùng có 20 thợ vừa làm vừa học việc. Ông cho biết số người học việc thường bỏ ngang vì không đủ kiên nhẫn do phải mất ít nhất là 3 năm mới có thể gọi là biết khảm. “Dễ nản nhất là quá trình vẽ và cắt theo hình vẽ, ai không khéo tay và đủ kiên nhẫn thì sẽ bỏ ngay lập tức, dù đã có mẫu photo để “đồ” theo. Thợ học việc để từng miếng xà cừ đã mài phẳng lên một tờ giấy đã vẽ sẵn mẫu. Cả xà cừ và tờ giấy đều đặt trên miếng kính, phía dưới miếng kính là một bóng điện sợi đốt. Rồi bật công tắc cho bóng điện sáng làm cho hình vẽ trên mặt giấy nổi lên miếng xà cừ và “đồ” theo, sau đó dùng cưa cắt theo nét “đồ”. |
Lê Xuân Thọ
>> Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 5: Trống Lâm Yên sắp lâm chung
>> Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 4: 30 năm giữ chảo nấu đường
>> Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 3: Nghệ nhân cuối của gánh tuồng cổ
>> Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 2: Bặt tiếng xe tơ xứ tầm tang
>> Nghề xưa còn một chút này - Mai một làng mộc Văn Hà
>> Sống lại nghề xưa - Kỳ 3: Sen giấy thất truyền lại nở hoa
>> Sống lại nghề xưa - Kỳ 2: Hồi sinh pháp lam Huế
>> Sống lại nghề xưa - Người mang thổ cẩm đi Tây
Bình luận (0)