Sống lại nghề xưa - Kỳ 3: Sen giấy thất truyền lại nở hoa

30/06/2013 00:30 GMT+7

Rằm tháng tư âm lịch đến cũng là khi làng hoa giấy Thanh Tiên nhộn nhịp trở lại. Những người nông dân, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đôi bàn tay nhăn nheo, thô ráp lại trở nên khéo léo tạo nên những cánh sen giấy tươi xinh không kém hoa thật.

Phục hồi sen giấy thất truyền hơn 50 năm

Chúng tôi tìm về làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Ngôi làng nhỏ được bao bọc bởi cánh đồng lúa mêng mông, nằm bên hạ lưu sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế chừng 10 km về phía đông bắc. Trong ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân, họa sĩ Thân Văn Huy, sen giấy được bày biện khắp nơi với nhiều sắc màu như hồng, xanh, tím. Chủ nhân đang hướng dẫn du khách Tây làm hoa sen giấy.

Nghệ nhân Thân Văn Huy giới thiệu sen giấy tại nhà của mình - d
Nghệ nhân Thân Văn Huy giới thiệu sen giấy tại nhà của mình - Ảnh: Tuyết Khoa 

Cách đây ba năm, làng hoa giấy Thanh Tiên có một sự kiện đặc biệt quan trọng. Sau nhiều năm mày mò, với lòng nhiệt huyết với nghề hoa giấy tổ tiên, năm 2008, ông Huy phục hồi thành công hoa sen giấy Thanh Tiên sau hơn 50 năm thất truyền. Hoa sen giấy Thanh Tiên chính thức có mặt trở lại trong dịp Festival Huế 2008. Năm 2010, ông ghi danh vào sách kỷ lục Việt Nam với kỷ lục “Người đầu tiên phục hồi làm hoa sen bằng giấy”.

Hoa sen bằng giấy không chỉ phục vụ cho việc thờ cúng mà còn được chưng trang trí trong nhà rất tinh tế. Ngoài ra, hoa đang trở thành mặt hàng lưu niệm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

“So với hoa giấy thông thường của làng Thanh Tiên thì hoa sen đòi hỏi kỹ thuật cũng như độ khéo của bàn tay người thợ. Một trong những yếu tố quyết định đến thẩm mỹ của hoa là khâu nhuộm màu. Nhuộm màu bằng phương pháp thủ công, nhưng làm sao sắc hoa có thần thái thì cần con mắt tinh tế của người thợ. Nhờ áp dụng nghệ thuật nhuộm của hội họa nên cánh sen có sắc màu độc đáo, từ hồng đậm, nhạt dần và phớt trắng. Màu từ đậm ở phía chóp rồi chuyển sang nhạt dần ở cuống hoa. Nó tạo nên cái hồn cho cánh sen nhẹ nhàng, thanh thoát”, ông Huy chia sẻ.

Trong dịp Festival nghề truyền thống 2013 diễn ra vào ngày 27.4 - 1.5 tại TP.Huế, gian hàng hoa giấy Thanh Tiên của nghệ nhân Thân Văn Huy thu hút đông đảo du khách bởi những cánh hoa giấy mộc mạc, chân quê nhưng muôn màu muôn vẻ.

“Hoa sen giấy có nhiều kích thước cũng như màu sắc. Song màu chủ đạo vẫn là màu hồng. Hoa được làm từ giấy A4. Cọng sen được làm bằng mây. Mỗi hoa thường được làm từ 9 - 12 cánh. Ngoài hoa sen thường còn có hoa sen được mắc thêm bóng đèn rất bắt mắt. Mỗi hoa giá từ 15.000 - 20.000. Chỉ cành 5 hoa là đã có một bình sen tươi xinh trong nhà”, ông Huy nói.

Sen giấy Thanh Tiên không chỉ xuất hiện vào dịp xuân về tết đến mà trở thành một mặt hàng thường xuyên. Đặc biệt, làng sen giấy Thanh Tiên đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của các kỳ festival. Giờ đây, hoa giấy Thanh Tiên không chỉ phục vụ tín ngưỡng người Huế mà còn trở thành một loại hoa trang trí rất tinh tế.

Làng hoa giấy 300 năm

Men theo một xóm nhỏ, chúng tôi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Hóa. Chiếc sân nhỏ phơi đầy mây và tre. Người con trai của ông là anh Nguyễn Hiếu đang hoàn thành từng cành sen hồng. Đôi tay thoăn thoắt cắt dán hoa, anh Hiếu nói: “Rằm tháng tư là mùa Phật đản nên nhiều người đặt sen giấy lắm. Mùa thu hoạch lúa vừa xong là làm liền cho kịp”.

Ông Nguyễn Hóa vừa vui vẻ mời khách vào nhà vừa nói: “Tre và mây đang được phơi khô để dành đến những tháng cuối năm làm hoa bán tết. Làng Thanh Tiên có nghề làm hoa giấy truyền thống hơn 300 năm nay. Dân làng nơi đây vẫn lưu truyền câu ca: Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng/Cứ đến tháng chạp cả làng làm bông. Hoa giấy Thanh Tiên là loại hoa phục vụ cho việc thờ cúng. Cũng giống như hoa tự nhiên, hoa giấy Thanh Tiên cũng có mùa. Mùa hoa giấy chỉ kéo dài chưa đầy 3 tháng. Chừng rằm tháng 10 âm lịch, người dân làng Thanh Tiên lại tất bật chuẩn bị làm hoa tết. Đến chiều 30 tết, mùa hoa cũng khép lại, người dân lại dọn dẹp và cất  đồ nghề cho năm sau. Từ ngày khôi phục được sen giấy, khi nông nhàn, người dân Thanh Tiên làm thêm sen giấy để tăng thu nhập”.

Ông Hóa cho biết thêm, tuy lời lãi không nhiều nhưng làm hoa giấy rất tốn công. Người thợ phải khéo léo và tỉ mỉ thì mới tạo ra những nhành hoa đẹp. Nguyên liệu chính giấy, tre và hồ (keo dán). Để làm ra được một nhành hoa phải trải qua nhiều công đoạn. Làng Thanh Tiên, từ già đến trẻ, hầu như ai cũng biết làm hoa giấy. Từ rằm tháng 10, khi trời Huế còn nắng ấm thì người làng Thanh Tiên đã chuẩn bị chẻ tre, vót nan làm thân, làm cành, giấy làm lá làm hoa được nhuộm màu phơi khô. Hoa sau khi được cắt thành hình hài thì được bàn tay khéo léo của người thợ xoắn, bấm và dán thành các loại hoa như thật.

Hoa giấy Thanh Tiên rất đa dạng, gồm nhiều loại hoa như cúc, hồng, trường tiền, lan, mai… Màu sắc cũng rất phong phú, mang màu tươi tắn và rực rỡ không kém gì hoa thật. Với sự phong phú và đa dạng ấy, hoa giấy Thanh Tiên đã đáp ứng được nhu cầu về tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế mà nghề trồng hoa tươi trên vùng đất khắc nghiệt Phú Xuân - Huế không đáp ứng được.

Thông thường, ngoài lá và búp thì một nhành gồm nhiều loại hoa ghép lại như hoa mai, hoa lan, hoa hồng, hoa hướng dương, hoa cúc. Chúng được sắp xếp theo một bố cục sẵn có. Mỗi nhành thường từ 9 - 13 hoa. Đó là những con số may mắn theo quan niệm người Huế. Các nhành hoa được cắm lên một cây chông gọi là cây hoa từ 300 - 500 nhành, mỗi nhành từ 4.000 - 5.000 đồng.

Sen giấy sau khi hồi sinh cũng đã theo chân họa sĩ, nghệ nhân Thân Văn Huy vào nam ra bắc, có mặt tại các cuộc triển lãm lớn. Sen giấy theo đó cũng trở thành loài hoa trang trí có mặt trong rất nhiều gia đình và theo chân du khách đến những phương trời xa. 

Tuyết Khoa

>> Gió lớn "tấn công" Festival nghề truyền thống Huế trước giờ bế mạc
>> Khai mạc Festival nghề truyền thống 2013
>> Nhiều chương trình hấp dẫn tại Festival Nghề truyền thống Huế - 2013
>> Vĩnh Long: Công nhận 23 làng nghề truyền thống
>> Làm thêm bằng nghề truyền thống
>> Mai một những làng nghề truyền thống
>> Hỗ trợ khắc phục ô nhiễm tại làng nghề truyền thống
>> Bế mạc Festival nghề truyền thống Huế 2011

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.