Làm thêm bằng nghề truyền thống

15/02/2013 03:00 GMT+7

Xuất thân từ những làng nghề truyền thống, khi lên thành phố học tập, nhiều sinh viên đã nhanh chóng phát huy “tay nghề” để kiếm tiền nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Lớn lên từ làng quê ven biển, từ nhỏ đã thạo nghề đan lưới, khi lên thành phố trọ học, Lê Thị Diệu My (Trường ĐH Khoa học Huế) đã phát huy ngay sở trường của mình bằng cách nhận lưới về gia công. Công việc nhẹ nhàng nhưng cũng đem lại cho cô khoản thu nhập đủ để khỏi phải nhờ cha mẹ gửi tiền ăn hằng tháng. Diệu My chia sẻ: “Thấy một số cửa hàng trên đường Huỳnh Thúc Kháng, TP.Huế, bày bán các loại lưới đánh cá như quê mình thường làm, mình đã xin nhận hàng về phòng trọ để gia công. Ban đầu người ta còn e ngại nhưng sau đó đã hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề của mình, bây giờ mình đã có nguồn hàng rất ổn định để làm thêm”.

Đỗ Thị Như Ái (Trường ĐH Sư phạm Huế) sau những giờ lên lớp lại trở về phòng trọ miệt mài chằm nón. Như Ái tâm sự: “Cứ dịp cuối tuần mình lại đem số nón làm được trong tuần về giao cho mẹ và nhận nguyên liệu làm nón cho tuần tiếp theo. Ngay từ nhỏ mình đã quen với công việc này nên cảm thấy rất vui, vì dù trọ học xa nhà nhưng mình vẫn được làm nghề truyền thống của quê hương”.

Không chỉ gia công sản phẩm, nhiều sinh viên còn truyền nghề cho các bạn cùng lớp hay cùng phòng trọ. Trương Thị Mỹ Lệ (Khoa Luật ĐH Huế) chia sẻ: “Nhận thấy nhiều bạn trong xóm trọ chật vật với công việc làm thêm nên mình đã truyền nghề lại cho các bạn, cả xóm có hơn 10 bạn thì đến 7 bạn làm nghề thêu giống mình”. Mỹ Lệ cho biết thêm, tiền công thêu mỗi chiếc nón là 3.000 đồng, nếu chăm chỉ có thể kiếm từ 30.000-40.000 đồng/ngày. So với các công việc làm thêm khác như bưng bê, phục vụ, giữ xe cho nhà hàng, các quán cà phê phải làm theo ca... làm thêm bằng nghề truyền thống thường nhận tiền theo sản phẩm. Vì thế  sinh viên rất chủ động về thời gian, giúp thuận lợi hơn trong việc cân bằng giữa học tập và các hoạt động ngoại khóa mà vẫn kiếm được một khoản thu nhập đáng kể hỗ trợ cho cuộc sống của mình.

Nhiều chủ hàng tỏ ra khá hài lòng về những sản phẩm truyền thống do các sinh viên làm ra. Ông Lê Vinh (chủ cửa hàng trên phố Huỳnh Thúc Kháng, TP.Huế) chia sẻ: “Nhiều em sống ở các làng nghề truyền thống nên có tay nghề cao, sản phẩm làm ra tinh xảo và rất vừa ý khách hàng. Nhận hàng của các em sinh viên một phần cũng là để giúp các em có thêm thu nhập phục vụ học tập. Bởi vậy, khi thấy các em đến xin nhận hàng về gia công là mình ủng hộ ngay”.

Lê Phước Tâm

>> Học qua mạng chưa thể thay thế truyền thống
>> “Studio” giữa làng hoa truyền thống
>> Hoa hậu Hoàn vũ 2012: Châu Á “ghi điểm” với trang phục truyền thống
>> Triển lãm mừng ngày truyền thống Mỹ thuật VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.