Nghề xưa còn một chút này: Người cuối cùng dệt chiếu Cẩm Nê

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
20/02/2023 07:40 GMT+7

Theo thời gian, những nghề truyền thống hoặc nghề gắn với đời sống thành thị nghèo ở Đà thành dần lui vào quá vãng, để lại niềm tiếc nuối không chỉ với những truyền nhân mà cả những người từng một thời thụ hưởng sản phẩm, dịch vụ…

Nhiều người làng Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) vẫn còn nhắc nhớ lịch sử 500 năm nghề dệt chiếu. Nhưng biết làm nghề và sống với nghề thì chỉ còn duy nhất bà Dương Thị Thông, 63 tuổi.

KHI LÀNG CHIẾU CÒN… 1 KHUNG DỆT

Sau Tết Nguyên đán chỉ vài ngày, mẹ của bà Dương Thị Thông - người thầy đầu tiên dạy cho bà nghề dệt chiếu - qua đời. Làng chiếu vốn thưa vắng thợ dệt chiếu nay lại mất thêm một người thợ lành nghề. Cụ ông Nguyễn Hữu Sừng (86 tuổi, trú tổ 5, thôn Cẩm Nê) tặc lưỡi: "Làng chiếu nức tiếng một thời mà giờ hết chiếu. Đi khắp làng này giờ tìm không ra khung dệt thứ 2. Không biết sau khi mẹ mất, cô Thông có còn giữ khung, theo nghề dệt chiếu nữa không…".

Nghề xưa còn một chút này: Người cuối cùng dệt chiếu Cẩm Nê - Ảnh 1.

Bà Dương Thị Thông giới thiệu những đặc điểm khiến chiếc chiếu Cẩm Nê bền đẹp

HOÀNG SƠN

Lần giở sử làng, cụ Sừng kể, vào khoảng thế kỷ 15, sau cuộc bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông, những con dân gốc gác từ Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã vào khai canh lập làng ở Cẩm Nê. Nghề dệt chiếu cũng theo dấu chân di dân "bén rễ" trên mảnh đất mới rồi nhanh chóng tạo nên thương hiệu cho riêng mình. Theo lời cụ Sừng, nếu buổi đầu nhờ vào thổ nhưỡng màu mỡ, thuận lợi cho cây đay, cói phát triển để lấy nguyên liệu dệt chiếu thì đến thế hệ của ông, để có sợi dệt, người làng phải lặn lội ra Thanh Hóa hoặc vào Duy Xuyên (Quảng Nam) mua về. Dù vậy, khoảng những năm 1980 - 1990, chiếu Cẩm Nê ở vào giai đoạn cực thịnh.

"Hồi đó, nhà tui có 5 khung dệt. Khung lớn, khung bé rải đều từ nhà dưới lên nhà trên. Trong nhà khi nào cũng có khoảng 10 người làm, xe cộ nườm nượp vào ra để chở chiếu đem bán. Đến mỗi dịp tết, đơn hàng tới tấp. Ngày thường, khung dệt 2 - 3 đôi thì phải tăng ca thành 4 đôi chiếu thế mà vẫn không đủ bán", cụ Sừng nhớ lại. Theo cụ, cũng nhờ nghề chiếu mà nhiều gia đình có của ăn của để, con cái học hành đàng hoàng…

Cụ Sừng chỉ tay qua nhà đối diện - nơi có một cụ bà đang lom khom quét sân rồi lại đưa tay về nhà hàng xóm bên cạnh có một bà cụ đang hái rau, rồi bảo đó là những thợ dệt chiếu lành nghề nhưng đã "lỗi thời" như mình.

"Đời tui là đời thứ 11, ai cũng biết dệt chiếu. Nhưng đến nay, đời thứ 14 của làng không còn ai biết dệt. Giờ làng này chắc chỉ còn nhà cô Thông là còn khung dệt. Cách đây 5 - 7 năm, sau nhiều năm cất giữ với ước mong hồi sinh làng nghề, tui đành phá khung dệt vì chật nhà. Đau lòng lắm…", cụ Sừng rưng rưng.

GIỮ NGHỀ VÌ NHỚ NGHỀ

So với thế hệ cụ Sừng, bà Dương Thị Thông mới là lớp thợ dệt hàng con cháu. Nhưng xét về tuổi nghề thì bà không thua kém gì bởi khi người ta bỏ khung dệt cả 10 - 20 năm qua thì bà vẫn còn bám trụ. Học nghề từ mẹ lúc mới 10 tuổi, 53 năm qua bà cũng đã thử làm vài nghề khác để mưu sinh. "Nghề khác có thu nhập cao hơn. Thế mà chỉ được dăm bữa nửa tháng là quay lại với dệt chiếu vì nhớ nghề không chịu nổi", bà Thông nói giọng chất phác. Nghề phụ hồ mỗi ngày kiếm được 360.000 đồng, còn có thời gian nghỉ trưa. Còn làm chiếu cần phải có 2 người, còng lưng cả ngày chỉ lãi được 100.000 đồng/đôi chiếu. "Cực nhọc là vậy, chớ buông khung dệt là lòng tui cứ bồn chồn", bà nói.

Lý giải nghề dệt chiếu Cẩm Nê đi vào "thoái trào", bà Thông bảo phần vì thu nhập thấp, không tương xứng với công lao động, cạnh tranh không lại với chiếu dệt công nghiệp, phần vì nghề quá cực. Mà cực nhất là khâu giũ, nhuộm sợi với 4 màu tím, đỏ, xanh, vàng để dệt chiếu hoa.

"Mùa hè mà nhuộm sợi thì đúng là cực hình. Ngoài trời thì nóng, trong nhà người thợ phải gồng mình với nồi nước màu đang sôi ùng ục. Nhuộm xong thì giũ, đem phơi… Nóng lè lưỡi nên ai không quen thử làm một ngày là nghỉ luôn", bà Thông nói.

Gần một đời theo nghề dệt chiếu, bà Thông hiểu rằng, để có được thương hiệu trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng, chiếu Cẩm Nê phải được làm hoàn toàn bằng thủ công và phải giữ đúng với "bí quyết" của làng. "Nói "bí quyết" nghe to tát, chứ thực ra ngoài đẹp thì chiếu Cẩm Nê nổi tiếng bền. Để bền thì phải làm dây tra (dây chạy dọc chiếu) cho chắc. Họ dệt sợi đơn thì mình dệt sợi đôi. Quan trọng nhất là phải bẻ biên chiếu sao cho chắc, xài lâu vẫn không bị bung. Tui không làm thì thôi chứ làm mà mang ra chợ là người ta mua liền", bà cười hiền.

Cụ Nguyễn Hữu Sừng bảo, đó là những đặc điểm nhận diện chiếu Cẩm Nê trên thị trường. Cũng nhờ đó mà người tiêu dùng sành điệu thường tìm đến để đặt bà Thông dệt tay. Giá mỗi đôi chiếu đặt 700.000 - 800.000 đồng, tương đương với chiếu trúc làm máy nhưng người ta mê chiếu của bà Thông vì mùa hè mà được ngả lưng thì êm với mát không chi bằng.

"Mẹ truyền nghề, tui sẽ cố giữ lấy nghề. Nhưng ngặt nỗi, giờ đỏ mắt tìm người làm cùng mà không ra… Mai đây, khi tui về với mẹ, chiếu Cẩm Nê chắc chỉ còn mỗi khung dệt của tui", bà Thông nghẹn giọng. (còn tiếp) 

Chiếu Cẩm Nê đi vào… thời trang

Khoe với tôi cuốn sách ảnh do một sinh viên ngành thiết kế thời trang trao tặng, bà Dương Thị Thông cho biết: "Cách đây không lâu, có một cô gái đến đặt tui dệt tấm chiếu 2 màu đỏ, xanh đậm và tấm chiếu 4 màu đỏ, xanh lá cây, trắng và xanh đậm. Tôi không ngờ, cô ấy đã biến hóa, "cắt may" tấm chiếu Cẩm Nê thành chiếc váy độc đáo đến như vậy. Tôi vừa tự hào vừa xúc động…".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.