Nghi án đạo thơ: Cứ để Phan Huyền Thư chứng minh

21/10/2015 15:16 GMT+7

(TNO) Sau những tranh cãi qua lại, mới đây nhà văn Phan Huyền Thư đã trả lại giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội trao cho tác phẩm Sẹo độc lập . Cô cũng gửi lời xin lỗi đến nhà văn Phan Ngọc Thường Đoan về việc 'có trùng lặp nội dung giữa hai bài thơ' nhưng tuyệt nhiên không chấp nhận đã đạo thơ.

(TNO) Sau những tranh cãi qua lại, mới đây nhà văn Phan Huyền Thư đã trả lại giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội trao cho tác phẩm Sẹo độc lập. Cô cũng gửi lời xin lỗi đến nhà văn Phan Ngọc Thường Đoan về việc 'có trùng lặp nội dung giữa hai bài thơ' nhưng tuyệt nhiên không chấp nhận đã đạo thơ.

 
Phan Huyền Thư và tập thơ Sẹo độc lập xuất bản năm 2014 - Ảnh: T.L
Tìm bản gốc để đối chiếu
Trong giới văn nghệ, khá nhiều người chơi thân với cả Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan. Những người này đều cho rằng đây là sự cố đáng tiếc của làng văn trong năm 2015. Nhà thơ Phan Huyền Thư là người rất có tài, chị vừa làm thơ, biên kịch phim, gần đây còn tham gia tư vấn tình yêu, hôn nhân gia đình được mọi người yêu thích. Còn nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan hiện đang công tác tại báo Văn nghệ TP.HCM, cũng sống bằng nghề viết và sinh hoạt dưới mái nhà chung Hội nhà văn Việt Nam với Phan Huyền Thư.
Xung quanh nghi án này, nhà thơ Phùng Hiệu nhớ lại: “Tối 18.10, tôi cùng nhà thơ Đặng Huy Giang và nhà thơ Phan Hoàng đang ngồi uống vài chai bia với nhau sau giờ làm việc ở quận Tân Phú (TP.HCM). Nửa chừng thì nghe có điện thoại của chị Phan Ngọc Thường Đoan gọi cho anh Phan Hoàng thông báo là Phan Huyền Thư có “đạo” gần nguyên văn bài thơ Buổi sáng của chị. Nhà thơ Phan Hoàng ngạc nhiên và có khuyên chị nên bình tĩnh xem xét cho thấu đáo”.
Sau đó, nhà thơ Phan Hoàng có liên lạc với Phan Huyền Thư và thông báo cho cô biết về việc này. Qua tìm hiểu, Phan Huyền Thư xác nhận đúng là bài thơ Buổi sáng trong tập thơ Đếm cát của chị Thường Đoan được in từ năm 2003, trước bài thơ Bạch lộ trong tập thơ Sẹo độc lập (in năm 2014) của cô.
Nhà thơ Phùng Hiệu tiết lộ sau khi biết được thông tin này, Phan Huyền Thư đã mua vé máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM để xin lỗi chị Thường Đoan. Tuy nhiên, vào sáng hôm Huyền Thư tính bay vào TP.HCM thì hàng loạt các báo đã đăng tin về nghi án đạo thơ liên quan đến cô và nhà thơ Thường Đoan. Vì vậy, Huyền Thư quyết định không vào TP.HCM nữa.
Nhà thơ Huyền Thư khẳng định với nhà thơ Phùng Hiệu rằng năm 1996, cô đã làm bài thơ này và gửi sang Mỹ để in trong tạp chí nào đó nhưng cô không nhớ được. Cô nói rằng sẽ cố gắng liên lạc với các bạn bên Mỹ để nhờ tìm lại bản gốc.
Nhà văn Phan Ngọc Thường Đoan và tập thơ Đếm cát xuất bản năm 2003 - Ảnh: T.L
Hãy để cho Phan Huyền Thư được chứng minh
Trả lời Thanh Niên Online, nhà thơ Phan Hoàng, Phó chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM cho rằng: “Việc ăn cắp, đạo thơ của người khác dù với bất cứ lý do gì cũng là hành vi đáng lên án. Tính đến thời điểm này, nếu Phan Huyền Thư không đưa ra được bằng chứng nào để chứng nhận Bạch lộ được viết trước bài thơ Buổi sáng của chị Phan Ngọc Thường Đoan thì độc giả đã nhận biết ngay ai đạo thơ của ai rồi. Tuy nhiên, trong vụ việc đau lòng này, cả hai đều là người của công chúng, tôi nghĩ hai bên hãy bình tâm để cho Phan Huyền Thư tìm bằng chứng chứng minh. Đời người ai chẳng có lúc sai lầm, chúng ta không nên dồn một người phụ nữ vào chân tường. Sự tình nguyện trả lại giải thưởng cho Hội nhà văn Hà Nội và xin lỗi bạn bè văn chương, xin lỗi nhà thơ Thường Đoan cũng cần được ghi nhận. Sau này, nếu các bằng chứng không ủng hộ Phan Huyền Thư thì lúc đó có phán xét vẫn chưa muộn…”.
Tuy nhiên, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thì khác. Anh gay gắt hơn: “Hôm qua, khi bị phanh phui bài thơ Bạch lộ giống bài thơ Buổi sáng của Thường Đoan, nhiều người vừa buồn vừa thương Phan Huyền Thư. Rõ ràng, quá nhiều đồng nghiệp không hiểu gì về Phan Huyền Thư. Vì vậy, tôi đã bình luận vào Facebook để nhắc nhở mọi người rằng Phan Huyền Thư sẽ trổ tài biên kịch để chống chế đến cùng. Đồng thời, tôi cũng cam đoan rằng, Phan Huyền Thư quen thói rồi, không nhận đạo thơ đâu, chứ đừng nói đến động thái văn hóa là xin lỗi công chúng”.
Trên trang cá nhân, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, bức xúc viết: “Cho tới giờ phút cuối cùng, trước trách nhiệm xử lý văn bản của Hội nhà văn Hà Nội, Phan Huyền Thư vẫn không tới, lại gửi email xin rút giải, có xin lỗi tác giả bài thơ đã lấy in vào tập thơ Sẹo độc lập nhưng vẫn cố vớt vát danh dự, dù sự vớt vát ấy, ai công minh chính trực không thể tin được rằng cô ta sẽ truy tìm bài thơ ấy cô ta viết vào năm 1996. Như một sự trá hàng, hoãn binh về một sự "trấn lột" thơ biến thành trò cười tạo ra một nghi án văn thơ dang dở. Chính vì điều này, tôi nhận ra sự xử sự của nhà thơ Phan Huyền Thư ở phút cuối cùng tuy là khôn nhưng chưa ngoan. Sự vớt vát ấy người già như tôi lại kinh qua nhiều trận mạc hiểu được. Âu như sự trí trá mà có lẽ tôi và nhiều người nên hiểu để không dồn ai vào con đường cùng”.
"Vụ việc của hai nhà văn Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan gây xôn xao vừa qua, về luật theo tôi có 3 vấn đề xảy ra: Nếu như nhà thơ Phan Huyền Thư tìm ra được cơ sở pháp lý chắn chắn, đáng tin cậy là đã được in tại báo nào, tác phẩm nào ở nước ngoài thì đương nhiên nghi vấn ai đạo thơ ai sẽ sáng tỏ ngay. Trường hợp nữa là khả năng tư tưởng lớn gặp nhau rất khó xảy ra. Trường hợp cuối cùng chị Phan Huyền Thư tìm không ra chứng cứ thì về mặt hình sự không có qui định nào xử lý đối với hành vi đạo thơ nhưng uy tín, danh dự sẽ bị mất nhiều. Về dân sự, một tác phẩm văn học quyền nhân thân của tác giả đương nhiên sẽ được bảo hộ nên bà Phan Ngọc Thường Đoan có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình nếu bị xâm phạm", luật sư Đỗ Quốc Anh (Công ty luật Đất Luật) - Đoàn Luật sư TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.