Trong những ngày gần đây, truyền thông Nga đưa ra một loạt giả thiết về các vụ bắt giữ 4 nghi phạm phản quốc liên quan đến tình báo mạng và cơ quan an ninh nội địa. Liệu đây có phải là hậu quả của việc Mỹ cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11.2016? Hay đó là một phần cuộc săn lùng của Moscow nhằm vào đối tượng đã rò rỉ thông tin cho tình báo Mỹ? Hoặc có phải giữa các cơ quan an ninh Nga đang xảy ra một cuộc tranh giành quyền lực?
Vụ bắt giữ kịch tính
Thông tin về vụ bắt giữ đầu tiên rộ lên trong tuần qua sau khi giám đốc đơn vị điều tra của Công ty an ninh mạng Kapersky Lab, ông Ruslan Stoyanov “xộ khám”. Theo hồ sơ trên LinkedIn, ông Stoyanov được tuyển vào đơn vị chống tội phạm mạng của Bộ Nội vụ Nga trong những năm đầu thập niên 2000 trước khi đầu quân cho Kaspersky Lab vào năm 2012. Công ty này cho hay cáo buộc nhằm vào ông Stoyanov liên quan đến thời gian trước khi ông gia nhập Kapersky Lab.
Một số phương tiện truyền thông Nga sau đó tiết lộ 3 sĩ quan thuộc bộ phận chống tội phạm mạng của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cũng bị bắt vào tháng 12.2016. Hai trong số đó được xác định là đại tá Sergei Mikhailov, Giám đốc Trung tâm an ninh thông tin của FSB (TsIB), và cấp dưới Dmitry Dokuchayev. Tờ Novaya Gazeta đưa tin Mikhailov bị bắt ngay giữa một cuộc họp chính thức của giới lãnh đạo FSB và bị dẫn giải ra khỏi phòng với một chiếc bao trùm đầu.
Ngày 1.2, tờ The Daily Beast dẫn lời ông Sergei Markov, một cố vấn của Điện Kremlin, xác nhận tình tiết trong vụ bắt giữ ông Mikhailov. Theo ông Mark Galeotti, chuyên gia về Nga tại Viện Quan hệ quốc tế ở thủ đô Prague (Czech), TsIB là một “đơn vị chống phản gián trên mạng dày dạn kinh nghiệm” vốn đã mở rộng hoạt động một cách nhanh chóng trong những năm gần đây.
AP ngày 1.2 dẫn lời luật sư Nga Ivan Pavlov, chuyên về các trường hợp phản quốc, khẳng định đã có 4 vụ bắt giữ liên quan đến cáo buộc này. Người thứ 4 là một thân chủ của luật sư Pavlov, nhưng ông này từ chối tiết lộ danh tính. “Có nhiều hơn 4 nghi can trong vụ án, và tôi bảo vệ vài người trong số đó nhưng tôi không thể nêu tên của họ trước ngày thứ năm (2.2)”, ông Pavlov nói với tờ The Daily Beast.
tin liên quan
Nga bắt 2 quan chức tình báo FSB giữa cáo buộc tuồn thông tin cho CIAHai lãnh đạo tình báo cấp cao thuộc bộ phận an ninh mạng của Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) đã bị bắt giữ với cáo buộc phản quốc. Báo chí đưa tin họ bị nghi tuồn thông tin mật cho tình báo Mỹ CIA.
Mối liên hệ với CIA
Tờ Novaya Gazeta đưa tin vụ bắt giữ các sĩ quan FSB nói trên có thể là kết quả của một chiến dịch trả thù do Vladimir Fomenko thực hiện. Theo tiết lộ của công ty an ninh mạng Mỹ ThreadConnect hồi năm ngoái, nhân vật 26 tuổi này là chủ nhân của hệ thống máy chủ King Servers được các tin tặc sử dụng để tấn công các hệ thống bầu cử ở 2 bang Arizona và Illinois của Mỹ. Cùng tham gia chiến dịch trả thù có doanh nhân Nga Pavel Vrublevsky, từng bị cầm tù hồi năm 2013 về tội tổ chức các cuộc tấn công mạng nhằm vào một đối thủ.
Theo ông Brian Krebs, nhà báo chuyên về lĩnh vực an ninh mạng, Mikhailov có thể đã cung cấp thông tin về các tội phạm mạng Nga cho giới chức thực thi pháp luật và báo giới Mỹ từ nhiều năm qua, bao gồm dữ liệu về Vrublevsky mà ông ta nhận được. Vrublevsky hôm 30.1 nói với Hãng tin AP rằng ông chỉ quen biết sơ với Fomenko. Doanh nhân Nga từ chối bình luận về các vụ bắt giữ nhân viên FSB nhưng khẳng định họ là “những người đã đưa tôi vào sau song sắt”.
Vụ án phản quốc này càng trở nên kịch tính hơn khi Interfax hôm 31.1 dẫn nguồn giấu tên tiết lộ Mikhailov và Dokuchayev bị cáo buộc chuyển thông tin cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Tuy nhiên, CIA đã từ chối bình luận về thông tin này. Cũng theo hãng tin Nga, cáo buộc cụ thể nhằm vào 2 sĩ quan FSB Mikhailov và Dokuchayev là “phản bội lời thề và hợp tác với CIA”. Bản tin của Interfax không nói rõ 2 người này là điệp viên hai mang hay chỉ cung cấp thông tin thông qua trung gian. Ở Nga, người bị cáo buộc phản quốc được xét xử bí mật và có thể lãnh mức án lên đến 20 năm tù nếu bị kết tội.
Các tình tiết này càng đổ thêm dầu vào lửa cho tin đồn rằng vụ án của các sĩ quan FSB có liên quan đến nghi án Nga tấn công mạng Mỹ. Trước đó, vào đầu tháng 1, các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tiến hành một chiến dịch tác động vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhằm tạo thuận lợi cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Trong nhiều hành động khác nhau mà Nga bị cáo buộc thực hiện, có việc trưng dụng một nhóm tin tặc có tên gọi Fancy Bear để xâm nhập tài khoản thư điện tử của các thành viên thuộc Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC).
Các cơ quan tình báo Mỹ khi đó không tiết lộ họ đã thu thập thông tin như thế nào, và Nga cũng đã phủ nhận sự dính líu đến cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, tờ The New York Times dẫn lời giới chức Mỹ nhận định nhiều khả năng “nguồn lực con người” đã giúp tình báo nước này đi đến kết luận gây căng thẳng giữa chính quyền của tổng thống vừa mãn nhiệm Barack Obama và Moscow.
Trả lời báo giới ngày 1.2, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Tổng thống Putin đã được báo cáo về những bài báo liên quan đến vụ bắt giữ. Nhưng ông Peskov từ chối xác nhận các thông tin được giới truyền thông tiết lộ.
tin liên quan
Nga bắt nhiều quan chức tình báo về tội phản quốcMoscow bắt giữ 4 nghi phạm can tội phản quốc sau cuộc điều tra mà theo giới chức tình báo Mỹ là nhằm đáp trả cáo buộc cho rằng Điện Kremlin đứng sau vụ tấn công mạng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Những ngày qua, truyền thông Nga cũng bàn tán về một giả thiết khác trong vụ án phản quốc. Các trang Life News và Rosbalt đưa tin 2 nhân viên FSB vừa bị bắt giữ đã cung cấp nhiều thông tin nhạy cảm cho nhóm tin tặc Shaltai Boltai, và nhóm này đã sử dụng thông tin đó để tống tiền hàng chục chính khách Nga.
Giới hữu trách đã tìm thấy 12 triệu USD khi lục soát nhà của Mikhailov trong quá trình điều tra vụ việc.
Hôm 30.1, một tòa án ở Moscow đã xác nhận vụ bắt giữ Vladimir Anikeyev, một trong những chỉ huy của Shaltai Boltai, về các cáo buộc tấn công mạng.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian ở ngoại ô một thủ đô châu Âu vào mùa hè năm 2014, một đại diện của Shaltai Boltai tuyên bố nhóm này có một khối lượng lớn thông tin nhạy cảm chưa được tiết lộ mà họ có thể lựa chọn để công bố dần trong tương lai hoặc “bán cho người có đủ tiền mua”.
Các thông tin này bao gồm hàng ngàn thư điện tử do những phụ tá thân tín của Tổng thống Putin gửi đi.
|
Bình luận (0)