Công vụ bí mật
Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, vì sự kiện “giả vương nhập cận” vô cùng quan trọng trong bang giao giữa hai nước “cựu thù” nên những người đương thời có liên quan sẽ giữ bí mật tối đa là điều tất nhiên. Những người liệu việc như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích... rất chỉn chu. Ngay Phúc Khang An, tổng đốc Lưỡng Quảng của nước Thanh, đã cho người thân tín qua gặp Ngô Thì Nhậm để bàn bạc, dặn dò kỹ lưỡng việc tổ chức phái đoàn.
Theo đó, “giả vương nhập cận” phải ở suốt năm trời bên nước Thanh, không những tiếp kiến vua Càn Long mà còn thù tiếp biết bao người từ cửa ải biên giới Lạng Sơn, qua những dịch quán đến cung đình vua Thanh. Vì thế “giả vương nhập cận” phải được chọn kỹ lưỡng, hội đủ nhiều tiêu chí như dáng vóc, độ tuổi phải trung niên như vua Quang Trung, biết phép tắc cung đình phong kiến Đại Việt, Đại Thanh và phải có văn học để thù tiếp, ứng xử không chỉ đối với vua Càn Long mà còn đối với các thân vương, đại thần, các sứ thần lân bang trong đại lễ “bát tuần đại khánh” của hoàng đế Càn Long.
tin liên quan
Nghi án 'giả vương nhập cận': Vì sao cần người đóng giả vua?Như các sử liệu đã dẫn, trong đối sách ngoại giao với nhà Thanh, có 2 lần triều Tây Sơn cho người đóng thế vua Quang Trung, nhưng theo các tư liệu được chép cũng như vừa phát hiện thì cho thấy có đến 3 người đóng giả vua.
Thế nhưng, theo Nguyễn Thế Long trong sách Đại Việt quốc thư (xuất bản năm 2005) đã trích dẫn một đoạn trong tờ dụ của vua Càn Long gửi bầy tôi của ông, từng đặt vấn đề “giả vương nhập cận” không phải là Phạm Công Trị. Đoạn trích: “Còn như con y là Nguyễn Quang Thùy còn tuổi trái đào cũng có lòng ân cần thiết tha muốn chiêm cận, trẫm khen là có bụng trung hiếu, gốc ở chí tình nên trước đây đã giáng chỉ phong làm thế tử. Nay vì trên đường đi chẳng may nhiễm bệnh nóng lạnh, quốc vương kia khẩn khoản xin cho về nước điều trị nên thuận cho lời xin đó. Nguyễn Quang Thùy tuổi nhỏ, sức yếu, đang bị bệnh mà đi đường xa vạn dặm, không khỏi thêm phần mệt nhọc. Nghe Phúc Khang An nói đã phái bồi thần Đặng Văn Chân cùng với cháu của quốc vương là Phạm Công Trị cùng đưa ra khỏi cửa quan về nước, dặn là chữa trị cho chu đáo, việc đó rất đúng”.
Cùng quan điểm, sử gia Tạ Chí Đại Trường trong cuốn Việt Nam thời Tây Sơn: Lịch sử nội chiến 1771 - 1802 (NXB Công an nhân dân, 2007) cũng đặt nghi vấn: “Theo Liệt truyện thì vua giả là Phạm Công Trị, người có mặt ở Gia Định năm 1783. Rắc rối là trong sứ bộ năm 1790 lại có tên Phạm Công Trị đã đến Quảng Tây mà vì Nguyễn Quang Thùy bị bệnh, phải hộ tống trở về”.
Nghi vấn hoán đổi ở Quảng Tây
Từ 2 thông tin trên, chúng ta có thể nhận thấy “giả vương” Phạm Công Trị đã có mặt trong đoàn sứ đến Quảng Tây. Như vậy, từ khi tiếp chiếu ở Thăng Long vào tháng 11 năm Kỷ Dậu đến đầu xuân Canh Tuất, vài tháng đủ cho kẻ thù nắm bắt tin tức về giả vương Phạm Công Trị, có thể dâng sớ “tố cáo” lên thiên triều. Vì thế, triều Tây Sơn vẫn để “giả vương” Phạm Công Trị dẫn đầu đoàn, khởi hành từ Phú Xuân ra Thăng Long, có thêm hoàng trưởng tử Nguyễn Quang Thùy. Ngô Thì Nhậm vẫn chỉ đạo lập danh sách các thành viên của đoàn, có tên Phạm Công Trị, Nguyễn Quang Thùy để báo cáo vua Thanh.
Khi từ Thăng Long đến biên ải Lạng Sơn, “giả vương” là Phạm Công Trị vẫn tiếp tục đảm trách. Nhưng sau khi đến Quảng Tây, phải hộ tống hoàng trưởng tử Nguyễn Quang Thùy trở về nên lúc này buộc phải thay đổi một vị “giả vương” khác.
Việc hoán đổi “giả vương” có thể đã được bí mật tiến hành. Phái đoàn một mặt dâng biểu lên vua Càn Long rằng Nguyễn Quang Thùy bị ốm, nên cử Phạm Công Trị và Đặng Văn Chân hộ vệ Nguyễn Quang Thùy về nước và vua Thanh chấp thuận. Mặt khác, đã thay Nguyễn Quang Trực làm “giả vương nhập cận” vậy. Thêm một lý do nữa cần phải thay đổi “giả vương”, theo nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, là vì Nguyễn Cửu Trị (giả định cũng chính là Nguyễn Quang Trực) cũng xấp xỉ tuổi tác với vua Quang Trung, đã chín chắn, có văn học, quen lễ nghi cung đình và tướng mạo tuấn tú, đủ tiêu chí để làm “giả vương nhập cận”.
Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, những giả thiết đưa ra ở trên dựa vào logic của các dữ kiện lịch sử, tuy nhiên để khẳng định thì cần phải kiểm chứng khoa học.
tin liên quan
Nghi án 'giả vương nhập cận': Tiếp chiếu phong vương ở Thăng LongNăm 2012, Báo Thanh Niên trong loạt bài Theo dấu tích vương triều Tây Sơn đã đề cập thông tin phát hiện tông tích một vị giả vương của vua Quang Trung, có tước Trị an hầu, tên là Phạm Công Trị.
Bình luận (0)