'Nghĩ đến gạo, nghĩ đến Việt Nam'

19/11/2022 05:45 GMT+7

Tại sao hàng trăm người trồng lúa ở An Giang mang về thu nhập 4 - 5 tỉ đồng/năm trong khi cũng trồng lúa nhưng rất nhiều nông dân khác tại vùng ĐBSCL chưa thể thoát nghèo?

Được coi là vùng đồng bằng trù phú nhất khu vực và thế giới nhưng đa số các tỉnh/thành miền Tây rất khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư... Phát triển kinh tế ĐBSCL, cải thiện thu nhập của người nông dân trồng lúa không phải là vấn đề mới nhưng luôn là vấn đề tâm huyết với rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế hàng đầu đất nước, lãnh đạo chính quyền các tỉnh/thành miền Tây bởi các nghịch lý nói trên vẫn còn tồn tại.

Không thể tham dự vì lịch trình công tác, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị quay hình trực tiếp và đặt hàng một loạt vấn đề cho Hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa” do Báo Thanh Niên và tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức hôm qua tại TP.Cao Lãnh.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp trăn trở cần tìm ra giải pháp để diện tích giảm nhưng giá trị mang về từ cây lúa, hạt gạo phải tăng. Một số lãnh đạo các viện, các đơn vị kinh tế ở TPHCM chủ động đề nghị tham dự với mong muốn đóng góp một tiếng nói, một góc nhìn của mình về những vấn đề hiện hữu của ĐBSCL. Nhiều diễn giả, ngoài chủ đề đã được đặt hàng, đã đăng ký nói thêm về những quan sát, nghiên cứu của họ, từ đó kiến nghị giải pháp để bà con nông dân vùng ĐBSCL có thể cải thiện thu nhập.

Trong hàng trăm bài viết tham gia cuộc thi Nghĩa tình miền Tây, có nhiều tác phẩm không khác gì một công trình nghiên cứu, xét cả về quy mô và chất lượng. Đặc biệt trong đó, rất nhiều tác giả trẻ, một số còn đang là sinh viên, cũng không phải sinh ra từ ĐBSCL... Chưa bàn đến tính khả thi của các giải pháp, các đề xuất thì điều mà ai cũng có thể cảm nhận và tôn trọng, đó là tình yêu của họ đối với vùng ĐBSCL và người dân miền Tây, đó là trách nhiệm của họ - những người trẻ đối với những vấn đề thời sự của đất nước.

Trở lại với Hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa” từ một góc nhìn khác. Đó là nếu như trước đây, đầu tôm, da cá là phế phẩm trong nông nghiệp thì giờ đây, những thứ bỏ đi này đã trở thành nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp làm đẹp với giá trị gia tăng cao. Chỉ vài năm trước thôi, ai mà nghĩ rằng có một ngày viên nén gỗ được làm từ phụ phẩm do các xưởng xẻ gỗ, ván bóc, xưởng dăm…thải ra lại có thể mang về tỉ USD xuất khẩu. Thế thì lý do gì mà cây lúa, hạt gạo - lương thực mà tất cả chúng ta đều sử dụng hằng ngày - lại không thể mang lại đời sống sung túc cho những người làm ra nó? Cây lúa không thể tiếp tục đi một mình, người nông dân trồng lúa không thể mãi “cô đơn” trong chuỗi giá trị lúa gạo. Xen canh thế nào để phát huy hết lợi thế của đất đai? Chính sách nào để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ĐBSCL? Là một trong những cường quốc xuất khẩu gạo nhưng chiến lược xây dựng thương hiệu cho ngành này chỉ thành công nếu chúng ta làm cho thế giới “Nghĩ đến gạo, nghĩ đến Việt Nam” như gợi mở của GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Cây lúa vẫn và sẽ là nông sản chủ lực và quan trọng hàng đầu với người dân ĐBSCL nhưng thay vì chạy theo sản lượng, chúng ta hướng tới chất lượng. Chỉ có chinh phục bằng chất lượng, thì ngay cả khi giảm diện tích, giá trị từ sản xuất lúa gạo vẫn tăng. Và cũng chỉ khi đó, chúng ta mới xây dựng được thương hiệu cho nông sản hàng đầu của Việt Nma, làm cho thế giới nhắc tới gạo là nhớ tới Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.