Nghị định có 'tuổi thọ' siêu ngắn, vừa ban hành 6 tháng đã phải sửa đổi

06/10/2023 16:49 GMT+7

Được ban hành để sửa đổi, bổ sung cho một nghị định khác, nhưng chỉ chưa đầy 6 tháng sau, Chính phủ lại phải ban hành thêm một nghị định mới để sửa đổi cho nghị định vốn có nhiệm vụ là sửa đổi.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134/2020 của Quốc hội khóa XIV, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến kỳ họp thứ 4, thuộc lĩnh vực tư pháp.

Một trong những nội dung được báo cáo đề cập, đó là công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị định có 'tuổi thọ' siêu ngắn, vừa ban hành 6 tháng đã phải sửa đổi - Ảnh 1.

Báo cáo của Chính phủ nhận định ngoài những kết quả đạt được, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay vẫn còn hạn chế

VGP

Sửa đổi của sửa đổi

Báo cáo cho biết, ngoài những kết quả đạt được, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay vẫn còn hạn chế.

Một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn.

Điển hình là Nghị định số 65/2022 được ban hành (ngày 16.9.2022) để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, chưa đầy 6 tháng sau, Chính phủ lại phải ban hành Nghị định số 08/2023 (ngày 5.3.2023) để tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định số 65/2022.

Tương tự, Nghị định số 27/2022 (ngày 19.4.2022), quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Thế nhưng, chỉ hơn 1 năm sau, Chính phủ đã phải ban hành Nghị định số 38/2023 (ngày 24.6.2023) để sửa đổi Nghị định số 27/2022.

Vẫn theo báo cáo, một số văn bản ban hành nhưng lại gây vướng mắc, cản trở sự phát triển. Kết quả rà soát cho thấy có tới 446 văn bản chứa quy định sơ hở, bất cập cần được xử lý.

Trong số 116 văn bản quy định chi tiết được ban hành, có tới 72 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành chậm hơn so với hiệu lực thi hành của luật (chiếm 62,08%). Văn bản ban hành chậm nhất lên tới 3 năm 9 tháng.

Hay như tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; tính đến nay vẫn còn 13 văn bản thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các bộ chưa được ban hành…

Bộ trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản

Báo cáo nhận định, nguyên nhân dẫn tới những hạn chế nêu trên là do Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành phải xây dựng, ban hành văn bản để quy định chi tiết một số lượng lớn nội dung được giao.

Các bộ còn phải tập trung nguồn lực cho công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.

Một số luật có số lượng nội dung quy định chi tiết nhiều tạo gánh nặng cho Chính phủ, Thủ tướng, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết.

Năng lực, trình độ và số lượng công chức làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan cấp bộ và địa phương chưa đồng đều, chưa tương xứng so với tầm quan trọng, tính chất công việc…

Để khắc phục, Chính phủ đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng thể chế, pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Thủ tướng về tiến độ cũng như chất lượng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng với đó là bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật; chú trọng củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác xây dựng pháp luật.

Đồng thời, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.