Nghị định dung dưỡng cho 'lờ' tác quyền?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
11/11/2018 06:19 GMT+7

Với Nghị định 142, các nhà tổ chức show ca nhạc vốn đã ít muốn trả tác quyền càng dễ 'lờ' tác quyền hơn.

Theo nghị định này, họ không cần phải chứng minh đã thỏa thuận tác quyền khi nộp hồ sơ xin phép tổ chức biểu diễn.
Danh sách 78 show lớn chưa đóng tác quyền
Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) đã có buổi làm việc với ban chủ nhiệm CLB Cựu đại biểu Quốc hội tại Hội nghị về tác quyền âm nhạc (tổ chức tại Hà Nội hôm qua, 10.11) một danh sách dài, trong đó có 78 chương trình chưa thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả âm nhạc tính đến ngày 26.10.
Nhiều chương trình được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Nhà hát lớn Hà Nội… với các tên tuổi ca sĩ ngôi sao. Ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC, băn khoăn không biết có thu hồi được khoản tiền tác quyền này hay không. “Đã có trường hợp các sở cấp phép cho biểu diễn mà không cần chứng minh đã có văn bản thỏa thuận tiền tác quyền. Sau khi biểu diễn xong chương trình, chúng tôi tới địa chỉ đơn vị đó thì họ đã chuyển đi. Nhiều công ty có tới 4 công ty. Cứ biểu diễn xong, họ lại hủy 1 công ty”, ông Cẩn nói.
Cũng vì thế, VCPMC rất thấm thía sự khác nhau trước và sau Nghị định 142 quy định về nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực. Nghị định 142 sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VH-TT-DL. Nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành 9.10.2018. “Trước kia, luật buộc phải có cam kết xác nhận tài sản của chủ sở hữu nhạc sĩ. Như vậy, đơn vị tổ chức đã xin phép nhạc sĩ và tiền tác quyền đã thỏa thuận xong. Nhà nước chỉ rà lại và cấp phép thôi. Nhưng tới khi có Nghị định 142, việc xin phép và trao đổi trước của tác giả không còn nữa. Hồ sơ chỉ xét dựa trên danh mục tác phẩm thôi”, ông Cẩn cho biết.
Theo VCPMC, việc Nghị định 142 cho phép thu tiền như vậy rất nguy hiểm. Nó tiềm ẩn nguy cơ chính người cấp phép vi phạm pháp luật về bản quyền. Theo điều 18, 19, 20 của luật Sở hữu trí tuệ, các quyền tài sản “do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện”; tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền tác giả phải xin phép và trả nhuận bút, thù lao. Việc trả tiền này luôn tuân thủ nguyên tắc: phải xin phép trước mới được sử dụng. “Vì là độc quyền, nên tác giả có quyền không cho hát tác phẩm của mình”, ông Cẩn nói.
Ông Đinh Trung Cẩn còn dẫn ra ví dụ về trường hợp thu tác quyền của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo đó, gia đình cố nhạc sĩ từng gửi văn bản chất vấn một sở văn hóa về việc cấp phép cho một đơn vị sử dụng nhạc của ông. “Gia đình đã hỏi sở đây là tài sản riêng của chúng tôi, tại sao sở có quyền cấp phép cho người khác sử dụng”, ông Cẩn nói. Ông cũng cho biết, từ đó về sau, các sở đều rất cẩn trọng khi cấp phép sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Chính vì thế, theo ông Cẩn, ông và các nhạc sĩ mong muốn nhà quản lý xem xét lại việc yêu cầu phải có cam kết xác nhận tài sản của chủ sở hữu nhạc sĩ khi cấp phép chương trình biểu diễn. “Phải trả lại sự sòng phẳng đúng nghĩa, không chỉ tiền bạc mà còn tình cảm. Hơn nữa, chúng tôi mong muốn điều chỉnh các điều lệ cho phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Cẩn nói.
Có thể gửi kiến nghị tới Chính phủ, Quốc hội
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13, băn khoăn về việc liệu đã có đối thoại giữa ngành văn hóa và VCPMC về vấn đề này khi nghị định được soạn thảo hay chưa. VCPMC cho biết đã gửi văn bản khi vấn đề được đưa ra lấy ý kiến. Đại diện Hội Nhạc sĩ VN, Phó chủ tịch hội - nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, cũng cho biết đã cùng VCPMC soạn thảo văn bản về việc cần thiết phải có chứng nhận này. Tuy nhiên, sau đó nghị định ra đời vẫn giữ quan điểm không yêu cầu nộp giấy thỏa thuận tác quyền trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn. Bà Bùi Thị An cho rằng: “Tôi đồng ý đây là tài sản riêng, có quyền bán, cho và quyền thỏa thuận. Khi việc này đã khơi ra, nếu luật có điều chưa thật phù hợp thì vẫn có quyền báo cáo với Chính phủ”.
Ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho rằng cần xem xét vấn đề ở nhiều góc độ. Chẳng hạn, kinh nghiệm thế giới thì những vụ việc này sẽ được kiện ra tòa. “Tại sao chúng ta không sử dụng công cụ đó? Tại sao cứ bắt nhà nước can thiệp vào?”, ông nêu câu hỏi. Tuy nhiên, ông Thuận cũng nói, việc bỏ quy định này dễ gây ra tâm lý của người sử dụng tác phẩm là “vốn đã không chấp hành rồi thì tăng thêm không chấp hành”. Chính vì thế, theo ông, bên cạnh thanh tra, kiểm soát thì yêu cầu này cũng là kênh giúp nhà nước kiểm soát. Chưa kể, nó cũng góp phần xây dựng ý thức pháp luật của người sử dụng âm nhạc. Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho biết có thể gửi kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ về vấn đề thay đổi quy định này.
Ông Đinh Trung Cẩn cũng xác nhận, hiện VCPMC rất muốn nhà nước quyết định vấn đề trên cơ sở không quên bài hát là tài sản cá nhân nhạc sĩ. Đặc biệt, độ nhạy cảm của âm nhạc rất cao. “Lưu ý một điều, đây là tài sản riêng của tác giả, không phải của cơ quan cấp phép. Nếu không, sẽ dẫn đến kiện hành chính nên cần hoạch định cho rõ. Khi xã hội ý thức tốt thì không cần giấy thỏa thuận tác quyền khi xin cấp phép nữa. Nhưng lúc này chúng ta cần để có bình ổn xã hội”, ông Cẩn nói.
Nhu cầu đơn giản hóa thủ tục cấp phép biểu diễn
Ông Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết một trong những lý do để bỏ quy định văn bản thỏa thuận quyền tác giả trong hồ sơ là nhu cầu đơn giản hóa thủ tục cấp phép biểu diễn. Chẳng hạn, phải có văn bản thỏa thuận gây khó khăn cho việc cấp phép chương trình nếu muốn thay đổi nội dung. “Có những chương trình thay đổi bài hát do yêu cầu của đơn vị duyệt hoặc nhà tài trợ, khi đó không thể nào làm kịp việc xin thỏa thuận lại, cấp phép lại”, ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.