Loay hoay thu tiền truyền hình, karaoke
Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) về thủ tục xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả đã diễn ra sáng 5.9 tại Hà Nội. “Bộ VH-TT-DL mời trên 50 DN văn hóa, trên 20 DN lưu trú du lịch và các luật sư”, bà Lê Thị Hà, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT-DL, nói. Hội nghị này được thực hiện với hỗ trợ của chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN của Bộ Tư pháp.
Vấn đề tác quyền âm nhạc, nhất là với karaoke được nhắc đến nhiều. “Chúng tôi đi thanh tra, các DN kinh doanh karaoke thắc mắc họ đã trả tiền mua đầu karaoke rồi tại sao vẫn phải trả tiền khi kinh doanh”, bà Đặng Thị Quỳnh Hoa, Phó trưởng phòng Thanh tra văn hóa - gia đình, Thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết. Khi đó, thanh tra lại tiếp tục phải giải thích cho các đơn vị kinh doanh này về luật.
Một điểm khó nữa là việc thu tác quyền âm nhạc nói chung và karaoke nói riêng phải dựa trên số lần sử dụng tác phẩm. “Không thể thu khoán tác quyền âm nhạc và karaoke như trước được. Nghị định 22 nói rõ rồi. Phải công khai. Thu tù mù thì chia lại không thể minh bạch được”, ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT-DL, đưa ý kiến.
Ông Đặng Đình Long cho rằng việc đếm đầu máy để thu tiền cũng dẫn đến thu không đúng bản chất. “Chẳng hạn đầu máy karaoke đến vài ngàn bài, nhưng có bài không phát lần nào, có bài phát hàng trăm nghìn lần. Công nghệ giải quyết rất đơn giản. Nếu Bộ yêu cầu đơn vị sản xuất đầu karaoke đính “bọ”, khi dùng là có thể đếm được bài nào được sử dụng bao nhiêu lần. Việc minh bạch đó có tác dụng cho tất cả các bên”, ông Long nói.
tin liên quan
Sẽ thu phí 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke kinh doanhBà Hà Thủy, Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, cũng cho hay hiện tại việc đòi tiền khá khó khăn. “Chúng tôi đòi bên truyền hình, các kênh đã phát sóng các nghệ sĩ và họ đều không trả. Kể cả đài ở TP lớn cũng không trả”, bà Thủy bức xúc.
Phải có ý thức tự bảo vệ mình
Ông Hoàng Trọng Quang, Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép VN, cho biết việc kiện đòi tác quyền khá rắc rối vì phải qua nhiều bước như xác lập vi bằng, mua các tư liệu kỹ thuật. Ông từng gặp trường hợp “Có chỗ chúng tôi đòi tiền còn bị họ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để nói chúng tôi phá hoại sản xuất kinh doanh”.
“Chúng ta đã có khung pháp lý về sở hữu trí tuệ, nhưng lại đang bị mắc mứu ở khâu thực thi. Việc này không chỉ liên quan cơ sở pháp lý, chủ thể quyền và người đại diện chủ thể quyền mà ý thức bảo vệ quyền của họ như thế nào. Họ có tài sản nhưng họ có ý thức bảo vệ hay không?”, ông Đặng Đình Long đặt vấn đề và cho rằng, ý thức bảo vệ này còn quan trọng hơn cả công nghệ.
Về việc này, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL nêu trường hợp của nhà sản xuất phim Cô Ba Sài Gòn như một câu chuyện đáng học hỏi. Bộ phim này đã bị live stream khi mới ra rạp, và nhà sản xuất đã thực hiện đầy đủ các bước để đưa người vi phạm ra xử lý. “Chúng tôi mở game show cho sinh viên luật, có ví dụ về Cô Ba Sài Gòn. Khi mình bị vi phạm thì phải hoàn thiện hồ sơ chứ không chỉ đưa ra cơ quan báo chí. Tại diễn đàn của các nhà xuất bản, các đơn vị kêu về vi phạm bản quyền nhiều. Nhưng cũng tại diễn đàn này, đại diện Bộ TT-TT nói cho tới thời điểm đó không có một văn bản kiến nghị yêu cầu xử lý của nhà xuất bản nào cả”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng nêu việc cần liên kết với các đơn vị như các hãng luật, văn phòng luật về sở hữu trí tuệ: “Làm một bộ phim điện ảnh hàng chục tỉ đồng mà một ông luật sư trong hãng phim không có. Nên chăng kết nối với các văn phòng luật về sở hữu trí tuệ”. Ông Hoàng Minh Thái cho biết Vụ sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt pháp lý. “Muốn có công nghiệp sáng tạo thì phải có văn hóa, có bảo hộ quyền tác giả... Nó đòi hỏi nhiều phía, kể cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đồng hành với nhau”, ông Thái nói.
Bình luận (0)