Cấp phép chương trình không cần thỏa thuận quyền tác giả?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
02/04/2018 06:15 GMT+7

Bộ VH-TT-DL đang có ý định bãi bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

Muốn giảm thủ tục hành chính
Bộ VH-TT-DL vừa công bố dự thảo tờ trình Đề nghị xây dựng Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn để lấy ý kiến góp ý. Trong đó, Bộ có trình chính sách “bãi bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép”.
Theo tờ trình này, việc quy định hồ sơ cấp phép có “hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả” đã vô hình trung biến quan hệ thỏa thuận giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và tổ chức cá nhân sử dụng thành quan hệ hành chính. Cũng theo tờ trình, thực tế cho thấy thủ tục này gây bất lợi cho đơn vị tổ chức biểu diễn khi tổ chức đại diện quyền áp đặt các mức giá không công bằng, thiếu minh bạch giữa các đơn vị khai thác sử dụng. Nó cũng không đảm bảo nguyên tắc bình quyền giữa các bên trong quá trình thỏa thuận ký kết hợp đồng.
Chính vì thế, Bộ VH-TT-DL đưa ra giải pháp không quy định “bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả” trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu... Trong khi đó, dự thảo quy định trong đơn đề nghị nội dung cam kết của đơn vị đề nghị với cơ quan cấp giấy phép về việc tuân thủ quy định về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan để làm cơ sở xây dựng quy định xử phạt hành chính, trong đó có áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động tổ chức biểu diễn của các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sẽ khó thu tác quyền
Họa sĩ Bùi Trọng Dư không đồng ý với việc bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng tác quyền trong hồ sơ xin cấp phép này. Với biểu diễn, không chỉ là chuyện bài hát mà còn cả các thiết kế mỹ thuật liên quan. Ông Dư là người đã bị một nhà sản xuất chương trình truyền hình lấy ảnh chụp tác phẩm phóng lên làm phông sân khấu. “Nhờ bạn bè mách tôi mới biết tác phẩm của mình được phóng to làm phông nền cho một chương trình biểu diễn”, ông Dư nói.
Luật sư Trần Thị Tám, Công ty luật IPCOM, cho rằng các nghệ sĩ lớn có ông bầu, quản lý chuyên nghiệp lo chuyện tác quyền. Nhưng những nghệ sĩ ở hạng thấp hơn hoặc dòng indie thì thiệt thòi vô cùng. Tác phẩm của họ có thể bị xâm phạm bản quyền mà họ không biết cách nào ngăn chặn.
Trong khi đó, luật sư Phạm Duy Khương, Công ty luật SBLaw, cho rằng phải xem xét mọi việc trên bối cảnh cụ thể ở VN. “Muốn bỏ giấy phép đó mà vẫn thu được tiền bản quyền thì phải có các điều kiện đi kèm. Chẳng hạn, việc thực thi quyền phải mạnh, các chế tài cũng phải rất mạnh, đủ sức răn đe, chẳng hạn các khoản tiền phạt phải rất lớn. Việc bỏ giấy chứng nhận này sẽ gây ảnh hưởng tới việc thu tác quyền”, ông Khương phân tích.
Cũng theo ông Khương: “Việc bỏ giấy tờ này không phải bỏ thủ tục hành chính. Nếu muốn bỏ thủ tục hành chính thì sao không nghĩ đến cả việc bỏ cấp phép biểu diễn”.
Nhà quản lý lại tiếp tục làm khó Hương Giang Idol ?
Cũng trong dự thảo tờ trình, Bộ VH-TT-DL muốn thông qua quy định về việc nới rộng diện đi thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài. Theo đó, tờ trình đưa ra chính sách “thí sinh thuộc danh sách 10 thí sinh xuất sắc nhất trong cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước được tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế”. Quy định này đã mở rộng hơn so với quy định hiện hành chỉ cho phép 3 thí sinh giải cao nhất đi thi quốc tế.
Tuy nhiên, sự mở rộng này vẫn chưa đủ. Theo dự thảo tờ trình của Bộ, trường hợp của Hương Giang Idol vẫn “nằm ngoài vòng pháp luật”. Hiện tại, ở VN chưa có các cuộc thi hoa hậu chuyển giới mà thế giới lại có. Vì thế, khi Hương Giang đi thi, cô không thể được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật, kể cả khi đã mở rộng đối tượng.
Về điều này, ông Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), cũng công nhận tờ trình đã chưa tính hết các khả năng thực tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.