Tỷ lệ vi phạm phần mềm tại VN dù giảm vẫn là 78% vào 2015.
Trong khi đó, việc live stream các bộ phim ngay khi mới ra rạp như với Chạy đi rồi tính, Cô ba Sài Gòn dù bị bắt tại chỗ cũng không thể xử lý hình sự do thời điểm đó pháp luật chưa quy định. Tranh của các họa sĩ bị sao chép hàng loạt tại nhiều xưởng và bán công khai trên phố ở Hà Nội, TP.HCM… Nhan nhản các trang web vô tư “đạo, luộc, xào”… tin tức, bài viết từ các báo uy tín…
Trung tâm quyền tác giả âm nhạc VN VCMPC có một vụ “án điểm” từ cách đây vài năm. Đó là một vụ đòi tác quyền của nhạc sĩ với giá trị trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ. “Tôi nghĩ, có thể vụ án này lâu vì đó là việc dân sự, theo đó, nghĩa vụ chứng minh hoàn toàn phụ thuộc bên nguyên đơn. Nếu không chứng minh được rành rẽ, vụ việc có thể kéo dài rất lâu. Những vụ việc thế này, điều quan trọng là phải đưa ra được chứng cứ pháp lý. Thậm chí là một vụ việc vi phạm rành rành rồi vẫn phải có luật sư soạn thảo và biến những chứng cứ của mình thành chứng cứ pháp lý thay vì chỉ nói khơi khơi”, một luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ cho biết.
Tuy nhiên theo bộ luật Hình sự 2015, kể từ ngày 1.1.2018, với thiệt hại trên 100 triệu đồng, đơn vị vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan không chỉ đối mặt với việc phải đền bù mà còn cả bị ngồi tù nữa. Mức phạt tù tùy vụ việc có thể lên tới 3 năm. Trong khi đó, trước đây, việc phạt vi phạm hành chính chỉ có thể lên tới 60 triệu đồng và dừng lại ở đó. Phạt 60 triệu đồng cho vi phạm tác quyền một bộ phim - quá nhỏ so với thiệt hại có thể có của nhà sản xuất. Chưa kể nhà sản xuất còn đối mặt với cảnh “được vạ thì má đã sưng”.
Tính đến nay, bộ luật mới chỉ có hiệu lực hơn 2 tháng. Vì vậy nói về hiệu quả của quy định trên vẫn còn hơi sớm. Nhưng ngay ở thời điểm này, rất cần một người đi đầu, một vụ án “điểm” để định hình việc thực thi pháp luật sau này. Sự nghiêm khắc lúc này chính là một chỉ dấu cảnh báo cho những cá nhân, tổ chức vô tư kiếm tiền trên sự đầu tư, sáng tạo và thành quả của người khác.
Bình luận