Gặp nhau tại Công ty TNHH kinh doanh tổng hợp Ân Điển (Đà Nẵng), nhìn cách bà giám đốc đã ngoài lục tuần điều hành doanh nghiệp, vừa xử lý xuất nhập hàng vừa thảo hợp đồng cho nhân viên, đón tiếp đối tác… thấy cứ nhẹ nhàng, an nhiên như không. Nhưng mọi thứ đến với cuộc đời bà vốn không dễ dàng như vậy, tất cả do cách bà lựa chọn để đối mặt với áp lực và thành công.
tin liên quan
Chưa 8.3 nhưng người người Sài thành đã săn hoa tặng người thương yêuBất ngờ “chị từ thiện”
Nếu không vì “biến cố” khiến phải tìm cách thay đổi đời mình, giờ này có thể bà vẫn sống một cuộc đời bình lặng của một giáo viên dạy văn. Năm mới ngoài 40, chồng mất sau một cơn bạo bệnh, con cái đang tuổi ăn học..., phải sau một thời gian dài bà mới vượt qua nỗi đau. Bà phải tìm cách thay đổi, bắt đầu bằng cách... tiếp quản công việc sửa chữa lắp ráp, thay mới lốp ô tô do chồng để lại.
Những người bạn thân cũng bất ngờ khi thấy một cô giáo dạy văn lại có thể sử dụng thành thạo dụng cụ, điều khiển máy móc thiết bị vận hành và sửa chữa lốp. Bà học việc ở xưởng và các chứng chỉ ngắn hạn, dài hạn cần thiết cho kinh doanh. “Chính suy nghĩ tích cực về cuộc sống đã giúp tôi hun đúc ý chí phải học hỏi, phải học giỏi những kiến thức mình cần, phục vụ công việc. Việc học còn giúp tôi mở rộng các mối quan hệ và tự tin hơn trong cuộc sống”, bà tâm sự.Chính vì luôn dự trữ cho mình nguồn năng lượng tích cực mà bà có thể tự cân bằng cuộc sống gia đình và công việc. Bà tiếp tục tìm thấy niềm vui mới ở công việc thiện nguyện. Chúng tôi từng ngạc nhiên khi trong danh bạ của nhiều y bác sĩ có lưu một cái tên khá lạ: “Chị từ thiện”. Một phần vì họ không biết rõ danh tính, chỉ cần thấy ai có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ là liên lạc với bà. “Chị từ thiện” tất nhiên cũng không muốn người khác biết về công việc thiện nguyện của mình nên chẳng bao giờ xưng tên. Số điện thoại của “chị từ thiện” còn được lưu rộng rãi ở danh bạ nhiều hội, đoàn thể, mặt trận. Khi một bác sĩ tỏ ý “thắc mắc” về cách cho nhẹ nhàng và rộng rãi, bà đáp: “Mình làm có chút dư dả thì giúp người khó khăn hơn thôi, trong khả năng của mình”.
Cả 2 cơ sở kinh doanh của bà Liên đều duy trì ổn định số lượng hơn 30% những người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật và họ được tạo môi trường làm việc tốt nhất. Bà luôn tham gia tích cực các chuyến thiện nguyện ở vùng sâu, vùng xa và vận động nhân viên mình cùng mở rộng “cánh đồng từ tâm, nhân ái”…
Hãy nghĩ đơn giản!
Theo quan điểm của “bông hồng vàng” Nguyễn Thị Kim Liên, phụ nữ nên sống vì mình. Nhưng “vì mình” không phải hưởng thụ và thỏa mãn bản thân, mà đó là tự trau dồi tri thức để nâng cao địa vị và sự tự tin; luôn đặt những mục tiêu nho nhỏ, vừa sức để tự chinh phục và làm mới mình. “Vì mình” cũng bắt nguồn từ lối sống khoa học trong ăn uống, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp ngoại hình và làm đẹp tâm hồn. Bà cho rằng, chính suy nghĩ tích cực, lan tỏa cảm hứng sống đến người thân trong gia đình, đồng nghiệp... sẽ giúp ta dễ đạt đến “cảnh giới” hạnh phúc.
Bà Liên vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ nhắn, giản dị. Hỏi bà có hạnh phúc không, bà không ngần ngại thừa nhận mình “vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện”. Quan niệm hạnh phúc của bà được “tích hợp” trong nhiều khía cạnh: sống tích cực, sống chan hòa, sống chia sẻ. Để cuối cùng, bà nhận về cho mình một sự bình an, nhất là khi những đứa con cách xa nửa vòng trái đất vẫn luôn nhớ về mẹ... “Phụ nữ, nghĩ đơn giản sẽ hạnh phúc”, bà chia sẻ.
Bình luận (0)