Nghỉ hè về miền Tây ngắm... cây
Quê chồng tôi ở Trà Vinh, mỗi dịp nghỉ hè, để về xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, các cháu trong nhà rất thích đi vòng quanh thành phố Trà Vinh trước, bởi ở đây có rất
nhiều cây xanh cổ thụ như cây sao, cây dầu thân thẳng tắp. Nhiều người ví Trà Vinh là thành phố ở trong rừng, nơi này có nhiều cách rất hay để bảo vệ cây xanh, gìn giữ những mảng bát ngát quý giá trong bối cảnh bê tông, đô thị hóa khắp nơi. Một sớm mai nào đấy, nếu bạn nghỉ ngơi trong một ngôi nhà nhỏ giữa phố xá của Trà Vinh, ghé qua một chiếc bàn con con dưới một hàng me trên con phố lạ, gọi một ly cà phê sữa đá và ngắm những màu xanh, tôi đảm bảo là sẽ quên đi rất nhiều lo toan.
Đường về miền Tây, trời xanh, mây trắng bao la
|
Thành phố Trà Vinh và ngôi chùa Khmer đặc trưng
|
Quán nước ở quê mọi thứ đều rẻ, nước chanh 4.000 đồng/ly, có võng nằm nghỉ, bạn có thể ngủ từ sáng tới chiều cũng chẳng sao
|
Đấy chỉ là phần ngắm nghía thôi, chuyện ăn uống ở Trà Vinh mới thật đã. Từ thành phố di chuyển về xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú bây giờ đường nhựa thẳng tắp, trước đây hơn ba chục năm thì đường rất nhỏ hẹp, lầy lội, đi xe gắn máy có khi nửa ngày mới được. Lần nào cũng thế, nghỉ hè mà về quê, chắc chắn các cháu trong nhà đã rất tự giác, dậy thật sớm chỉ để… ăn.
Chợ An Quảng Hữu còn giữ nguyên nét đơn sơ của vùng quê miền Tây, họp từ 4-5 giờ sáng, người mua người bán ai cũng mộc mạc, niềm nở và đặc biệt là cái gì cũng rẻ. Bắp luộc dẻo thơm, ngọt lừ mỗi trái chỉ 2.000 đồng, đủ các loại bánh, nào bánh cam, bánh ống, xôi vị, bánh da lợn… cả mẹt bày bán cứ 2.000 đồng mỗi cái, người lớn ăn hai cái là no căng.
Chợ An Quảng Hữu họp từ rạng sáng
|
Tô bún nem nướng ngon ngất ngây ở chợ quê Trà Vinh
|
Trái cây mít, xoài, thơm, ổi… bán theo mùa. Cà phê sữa đá phải không, 5.000 đồng một ly, chưa kể có cả bình trà bên cạnh, hết lại châm thêm. Nước chanh đá 4.000 đồng, quán không nằm trong chợ, lợp lá dừa khô mát rượi có để sẵn hàng chục cái võng, bạn có thể ăn no, uống say và ngủ đó từ sáng tới chiều cũng chẳng phiền. Nhưng trong chợ quê Trà Vinh, khu có nhiều người Khmer sinh sống này, thích nhất là nước thốt nốt đựng trong chai (10.000 đồng/chai) uống thơm thơm mùi khói, ngọt đậm.
Bài học tự nhiên từ... chợ
Về Trà Vinh, lũ trẻ thành phố không thể quên hai món ruột là bún nước lèo, bún nem nướng.
Bún nước lèo Trà Vinh là món ăn quen thuộc của người Khmer được nấu từ mắm bò hóc và nhiều loại cá, ăn kèm với chả giò chiên giòn khầu khậu và thịt heo quay da thì giòn, thịt thì mềm đậm đà và nhất là đủ loại rau sống, bắp chuối tươi mơn mởn.
Chợ quê với nồi bún nước lèo giá 10.000 đồng/tô của cụ bà
|
Tôi có một bà chế (dưới Trà Vinh, “chế” là chị), chế nấu ăn rất ngon, từng nấu tiệc cho nhiều nhà có cưới, hỏi. Nồi bún nước lèo của chế bao giờ cũng đậm đà, và ngon nhất là rổ rau sống tươi xanh. Đúng dịp có trái điều chín, chế bao giờ cũng mua cho bằng được. Sắt nhỏ cái trái màu vàng cam đó ra, ăn kèm với giá, rau sống, bắp chuối, cắn thêm cái chả giò, uống ngụm nước lèo ngọt đậm, ôi thôi, ngồi trước tô bún ấy thôi chẳng còn biết xung quanh là gì nữa.
Bún nước lèo bán ở chợ An Quảng Hữu có 10.000 đồng một tô đầy, không có chả giò và thịt heo quay như của chế, nhưng cũng là một bữa sáng quá tươm tất với người dân địa phương. Trẻ con, người lớn ngồi ăn xì xụp sau một cái nồi nghi ngút khói. Đi vài bước chân ra cổng chợ một tẹo thì gặp hàng bún nem nướng, món ăn phổ thông, đặc trưng thứ hai ở vùng quê này, sau mỗi bún nước lèo.
Nem xiên vào que tre, nướng xem xém, vàng nâu, bún cùng với dưa leo đã bào sẵn, rắc thêm tí đậu phộng đã rang giòn, thế rồi tất cả tô bún trông rất đơn giản ấy được khoác thêm giá trị mỹ miều nhờ tô nước chấm pha rất khéo. Không phải là nước mắm như bún thịt nướng ở TP.HCM ta vẫn được ăn, đó là tương, pha với me, đường, ớt tỏi và nhiều thứ mà tôi không biết. Cả tô bún nem nướng ăn no đẫy đà ấy, tin được không, chỉ có 15.000 đồng…
Cây thốt nốt ở Trà Vinh, nước thốt nốt uống ngọt, thơm
|
Về miền Tây để con cái học được nhiều điều
|
Những người bạn từ TP.HCM của chúng tôi về quê cùng, ngạc nhiên khi thấy ăn như hết cả chợ mới hết vài chục ngàn, mà cái cảm thấy “no” nhất, chính là tình người hồn hậu. Cô bán bún vừa thấy ly trà đá cạn đã châm thêm nước, người bán cà phê níu tay, có phải C là con ông A, bà B ngày xưa ở chốn này? Một cách tự nhiên, chẳng phải giáo điều, nó đã trở thành những bài học dễ thương nhất cho các cháu tôi
dịp nghỉ hè về tình người ở mảnh đất này.
Mùa hè chẳng phải dịp chỉ có trẻ con mơ ước. Và miền Tây cũng không phải nơi tình yêu neo đậu của riêng ai. Nơi ta dẫu không sinh ra, nhưng muốn được trở về, tôi nghĩ nó đều được gọi là quê hương.
Com-Chay-Kho-Quet-Sieu-To-o-Mien-Tay-10-07-2020
|
Bình luận (0)