Dù có thể bị nhốt trong phòng, phải phụ cha mẹ làm việc kiếm tiền nhưng với những đứa trẻ quê, được lên thành phố, được ở cùng ba mẹ là phần thưởng không gì quý bằng.
Mót sắt, phụ việc ở công trường
|
Từ nhỏ mẹ đã làm xa, Tú ở quê với người cô. Hằng ngày nhìn cô và các con quây quần, em lại tủi thân nhớ mẹ. Nhưng mỗi năm chỉ vào dịp hè Tú mới được lên chơi với mẹ một, hai tuần. Tiếng là lên chơi nhưng mỗi ngày em đều phụ mẹ mót sắt ở công trường. Tiền bán sắt, Tú được để riêng lo việc học.
Vừa kéo theo bao sắt mót được ở công trường, quệt ngang giọt mồ hôi trên trán, Tú nói: “Hè này em muốn ở lại thành phố luôn, không về quê nữa. Em giờ lớn rồi, có thể tự kiếm sống. Chỉ cần được gần mẹ thì dù khổ tới đâu em cũng chịu được”.
Chị Phùng Thị Nga (47 tuổi, mẹ Tú, đang là công nhân xây dựng tại Q.2, TP.HCM) kể, nhiều hôm trời nắng, thấy con mồ hôi nhễ nhại tôi bảo cháu nghỉ nhưng nó không chịu. Nó bảo ở nhà buồn, ra công trường làm thấy vui hơn vì đỡ đần được cho mẹ.
Chị cho biết: “Hôm trước, kiểm lại tiền bán sắt của con được 1,2 triệu đồng, tôi nói cháu lấy 200.000 đồng mua sách đọc trước để vào năm học không bỡ ngỡ. Cháu nói là chỉ mua vài cuốn cần thiết như: toán, ngữ văn, Anh văn… còn những cuốn bài tập hay cuốn ít tiết sẽ mượn bạn”.
Học hành ở thành phố tốn kém, lại ở cùng nhà bố dượng nhiều bất tiện nên Tú không được ở lại với mẹ, vài hôm nữa phải về quê. Chị Nga tâm sự: “Năm nay con bé học lớp 11, chỉ 2 năm nữa sẽ vào ĐH. Khi đó tôi có thể yên tâm thuê phòng trọ cho cháu ở với bạn và đi học. Tôi cũng như bao phụ nữ khác thương con, nhớ con nhưng vì muốn tốt cho nó nên phải cố gắng chịu”.
Nếu Tú đi mót sắt thì cô bé Nguyễn Phương Thùy (15 tuổi) đã thâm niên 4 năm phụ việc công trường vào dịp hè. Em kể: “Từ 7 - 8 tuổi mọi việc nhà từ nấu cơm, rửa chén con đều thành thạo. Các cô, chú ở công trường cũng rất thương con, hay cho con đồ ăn. Năm trước, khi sắp về quê có chú còn mua cho con ba lô mới. Chú bảo về quê gắng học giỏi. Được giấy khen giỏi vào chú thưởng”.
Năm nay, Thùy đạt học sinh giỏi nhưng người thợ xây tốt bụng đó đã chuyển công trường. Dù vậy, Thùy không buồn: “Dù không gặp chú nhưng con tin khi gặp bạn khác ở công trường, chú cũng sẽ tốt với bạn đó như con. Chỉ cần nghĩ như vậy, con cảm thấy luôn vui khi ở cùng với mọi người dù chỉ trong thời gian ngắn. Điều đó giúp con có những ngày hè ý nghĩa”.
|
Ước mơ trong căn phòng khóa trái
Khi cha mẹ đi làm, Trần Thị Bé Thảo (10 tuổi) và Nguyễn Văn Nghĩa, (9 tuổi - cùng học Trường tiểu học Tân Thành B, Đồng Tháp) được dặn ở yên trong phòng, ngoài ba mẹ, ai gọi cũng không được mở cửa. Bởi lời dặn đó nên hôm gặp Thảo và Nghĩa tôi phải ngước ngược lên khe cửa trên gác mới có thể nói chuyện.
Trong phòng trọ không bật đèn, Thảo hỏi tôi có nhìn thấy tòa nhà cao phía bên kia cầu không, cô bé ước có một tấm hình thật lớn chụp chung với tòa nhà đó, minh chứng là mình đã lên thành phố để khoe với bạn bè khi tựu trường. Năm nay, ngoài việc được giấy khen học giỏi, Thảo còn đi thi viết chữ đẹp, múa và được lên truyền hình. “Mẹ con hứa, nếu viết chữ đẹp thì lên thành phố sẽ được ăn chè đậu đen và đi chơi công viên”, Thảo hào hứng.
Hứa là vậy nhưng từ hôm Thảo lên thành phố đến nay đã ba tuần, ngày nào vợ chồng chị Nguyễn Thị Khá (34 tuổi) và anh Trần Văn Tí Em (43 tuổi - công nhân xây dựng tại Q.2) cũng tăng ca tới 21 giờ. Công ty lại nợ lương, tiền ăn không đủ nên chị chưa thể thực hiện lời hứa với con.
“Hôm lên đây, con bé khư khư giữ con heo đất được mấy trăm ngàn định là khi nào về quê sẽ mua một bộ sách mới. Thế nhưng thiếu tiền ăn, tôi mượn mua gạo trước. Hôm nào có lương sẽ trả con sau”, chị Khá kể.
Đang trong diện giải tỏa nên nhà vợ chồng chị Khá thuê nằm chơ vơ không hàng xóm. Trong nhà tiện nghi không có gì ngoài phòng vệ sinh cũ, hư hỏng. Để con có chỗ nằm chị sắm thêm vài cái võng.
Chị Khá cho hay, hôm trước có người nghiện ngồi trước cửa chích ma túy. Thấy chị về họ còn vào nhà xin nước và hỏi chích ở đây công an có bắt không. Chết lặng người vì nghĩ hai đứa trẻ ở nhà không có người lớn, lỡ không may có chuyện nên khi đi làm chị nhốt chúng trong phòng.
“Con người ta hè được đi chơi, con mình thì bị nhốt trong gác trọ, một ngày chỉ được ra ngoài chừng một giờ (giờ phụ huynh về nghỉ trưa - PV). Nhiều đêm con bé thủ thỉ hỏi bao giờ mẹ về hẳn. Tôi bảo chắc còn lâu vì nhà không ruộng đất, lúa giờ gieo trồng, thu hoạch bằng máy chẳng ai thuê nên không đi phụ hồ thì không có tiền. Đợi khi nào con đậu ĐH, mẹ đợi sẵn trên này”, chị rưng rưng nói.
Hè này Thảo mới lên lớp 3, tính ra khoảng 10 năm nữa em mới vào ĐH…
Bình luận (0)