Lan tỏa trên mạng xã hội:

Nghị lực của nữ sinh cầm bút khi không có đôi tay

Phan Diệp
Phan Diệp
09/10/2024 14:42 GMT+7

Đỗ Nguyễn Ngọc Mãi, học sinh lớp 12 Trường THPT U Minh (tỉnh Cà Mau), truyền năng lượng tích cực đến cộng đồng với video trên mạng xã hội chia sẻ cách cầm bút, viết chữ đẹp, dù không có đôi tay lành lặn.

Ngọc Mãi là chị cả trong gia đình có 2 người con, ba mẹ làm nông ở xã Khánh Thuận, H.U Minh. Chị Nguyễn Thị Nhớ (38 tuổi), mẹ của nữ sinh Ngọc Mãi, vẫn nhớ như in khoảnh khắc đón đứa con đầu lòng 17 năm trước.

"Hồi đó, ôm con trong tay, tôi chưa kịp vui mừng thì đã chất chồng nỗi lo về tương lai của con. 2 tay con ngắn ngủn, nhỏ xíu, rồi lớn lên con sẽ sinh hoạt thế nào, liệu có thể đi học được không?", người mẹ kể.

Hành trình nỗ lực

Năm Mãi 4 tuổi, em được ba mẹ cho đi học mẫu giáo. Hành trình cùng con đến trường của chị Nhớ cũng bắt đầu từ đó. Cô giáo có tập cho Mãi cầm bút và các đồ vật bằng chân nhưng em thấy khó. Thay vào đó, em tự kẹp bút bằng đôi tay nhỏ xíu và bắt đầu tập viết. Ngoài giờ đi học, ở nhà chị Nhớ cũng tập cho con cầm bút viết chữ với hy vọng con có thể đi học như người bình thường.

Nghị lực của nữ sinh cầm bút khi không có đôi tay- Ảnh 1.

Ngọc Mãi hát trong ngày khai giảng và viết chữ bằng đôi tay nhỏ xíu

Ảnh: NVCC

Nhờ sự kèm cặp của cô giáo và mẹ nên khi vào lớp 1, Mãi có thể viết chữ, theo kịp chương trình học như các bạn. Điều này khiến hành trình chinh phục tri thức của Mãi không gặp quá nhiều rào cản. Khó khăn lớn nhất của Mãi là những bất tiện trong sinh hoạt cá nhân, phải nhờ mẹ giúp đỡ một số việc như cột tóc, mặc áo dài… và không thể tự đi xe đạp đến trường.

Dành thời gian đưa đón và chăm sóc con nên chị Nhớ lui về làm nội trợ, gánh nặng kinh tế gia đình đè lên vai một mình chồng với công việc đồng áng. Tuy cuộc sống gia đình khó khăn nhưng vợ chồng chị Nhớ luôn ủng hộ con gái theo đuổi việc học. "Khiếm khuyết cơ thể có thể lấy đi của con nhiều cơ hội trong đời vì thế việc học lại càng trở nên quan trọng. Tôi vẫn thường dặn con gái rằng con vẫn rất may mắn khi còn đôi chân lành lặn và có sức khỏe để đến trường", người mẹ nói.

Năm cấp 1, Mãi từng đi thi vở sạch chữ đẹp. Mãi có năng khiếu hội họa nên lên cấp 2 từng tham gia hoạt động trang trí báo tường của lớp. Năm học cuối cấp này, Mãi được một người bạn trong lớp chở đi học thay vì nhờ mẹ giúp đỡ. Em đã tự lập hơn và cũng tự tin hơn nhờ sự yêu thương của bạn bè và thầy cô Trường THPT U Minh.

Phải thay đổi để cha mẹ không lo lắng

Cô gái chia sẻ hồi nhỏ khá rụt rè, ít nói và ít tiếp xúc với bạn bè vì thấy mình khác biệt. Đến nỗi, sợ con gái buồn, mẹ Mãi thường giục em ra ngoài chơi với bạn. Thấy cha mẹ vất vả lo kiếm tiền nuôi 2 chị em ăn học, giờ lại buồn lòng vì thấy mình lủi thủi, Mãi quyết tâm thay đổi.

Nghị lực của nữ sinh cầm bút khi không có đôi tay- Ảnh 2.

Nữ sinh được bạn bè và thầy cô yêu quý

Ảnh: NVCC

Đầu năm lớp 10, được bạn bè và cô giáo động viên, Mãi đăng ký thi hát văn nghệ mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 dù khi đó còn rất nhút nhát.

"Đó là lần đầu tiên em đứng trên sân khấu để làm điều mình thích và cũng đánh dấu sự thay đổi tâm lý của em. Vậy là 2 năm đầu cấp 3, em thấy bản thân tự tin, thay đổi nhiều hơn theo hướng tích cực", Mãi chia sẻ.

Lễ khai giảng đầu năm học này, Mãi xung phong lên sân khấu hát cho thầy cô và các bạn học sinh trong trường nghe. Hình ảnh nữ sinh mặc áo dài ngắn tay, kẹp micro tự tin ca hát lan tỏa trên mạng xã hội được cộng đồng mạng quan tâm. Không ít người bình luận, tò mò về cách Mãi cầm bút như thế nào để viết chữ. Sau đó, Mãi tiếp tục chia sẻ video kẹp bút bằng 2 tay nhỏ xíu, cặm cụi viết chữ khiến nhiều người xúc động.

Nhận được những lời chúc tốt đẹp từ người xa lạ, Mãi bất ngờ và bày tỏ lòng biết ơn. Cô gái không nghĩ câu chuyện và hình ảnh của bản thân lại tiếp thêm động lực và khiến nhiều người thấy ấm áp đến vậy.

Mãi có nguyện vọng lên TP.HCM học đại học. Chị Nhớ ủng hộ con gái và cho biết sẽ lên thành phố để tiếp tục đồng hành cùng con. "Con học tới đâu thì chúng tôi sẽ lo tới đó. Thấy con ham học nên chúng tôi càng có động lực để lo cho con", chị Nhớ nói.

Cô Lâm Hồng Chúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C4, chia sẻ: "Mãi là học sinh khuyết tật duy nhất của trường. Tuy có khiếm khuyết nhưng Mãi rất tự tin, thường tham gia văn nghệ và có học lực khá. Các bạn học sinh trong lớp yêu thương Mãi, tự động giúp đỡ em ấy trong các hoạt động sinh hoạt lớp".

Nghị lực của nữ sinh cầm bút khi không có đôi tay- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.