Lan tỏa trên mạng xã hội:

Nghị lực của ông chủ ngồi xe lăn khởi nghiệp từ… 'khúc củi'

Phan Diệp
Phan Diệp
05/09/2023 09:33 GMT+7

Duy Đức cho biết sau cú ngã giàn giáo buộc đời anh gắn liền với xe lăn, công việc chế tác gỗ lũa đang mang lại thu nhập tốt và là động lực để anh "đứng dậy".

Thái Duy Đức (32 tuổi, ở H.Đơn Dương, Lâm Đồng) ngồi xe lăn cúi gập người nhấc khúc gỗ nặng gần 20 kg lên vai. Tay phải cố giữ khúc gỗ trên vai, tay trái đẩy bánh xe lăn tới bàn cao làm việc và miệt mài chế tác.

Nghị lực của ông chủ ngồi xe lăn khởi nghiệp từ… 'khúc củi' - Ảnh 1.

Duy Đức cưa cây, vác gỗ dù ngồi xe lăn khiến dân mạng cảm phục

NVCC

Ngồi xe lăn vẫn cưa cây, vác gỗ

Cú trượt ngã từ giàn giáo công trình cao khoảng 8 m năm 2015 khiến Đức phải gắn liền với xe lăn. Chấn thương tủy sống làm anh mất cảm giác từ phần bụng xuống chân, vệ sinh mất kiểm soát. "Có những đêm thức giấc, tôi thấy mình đang nằm trên vũng nước tiểu của chính mình", Đức kể về lý do đôi lần anh "muốn kết thúc".

Hơn 1 năm loay hoay tìm hướng sống, nhờ mạng xã hội, Đức quen biết nhiều bạn bè. Đó cũng là cơ duyên để cô gái Bùi Thị Chinh (30 tuổi, quê Phú Thọ) trở thành bạn đời của anh. Nhà Đức có trang trại nuôi bò sữa. Cưới vợ về, cả hai phụ mẹ anh chăm sóc đàn bò. Cuộc sống có thể gọi là quá ổn với một chàng trai liệt 2 chân như Đức. Nhưng từ một "khúc củi" được tặng đã giúp anh khởi nghiệp thành công, trở thành ông chủ trên xe lăn.

Năm 2018, sang nhà bạn chơi, thấy mấy khúc gỗ lũa (phần lõi gốc của các cổ thụ đã chết) ở góc nhà, Đức cầm lên ngắm nghía và nhớ thời chưa bị tai nạn đã vài lần anh từng giúp người quen vệ sinh gỗ lũa. Thấy Đức thích, người bạn tặng anh vài khúc nhỏ. Anh mang về làm sạch hết lớp bụi đất bên ngoài. Thử đăng sản phẩm lên Facebook cá nhân, không ngờ có người hỏi mua. Đức bán, kiếm được hơn trăm ngàn đồng. "Lần đầu tiên sau tai nạn, một suy nghĩ nghiêm túc về nghề nghiệp lóe lên. Tôi quyết định tập tành vào nghề chế tác, buôn bán gỗ lũa", Đức kể.

Nghị lực của ông chủ ngồi xe lăn khởi nghiệp từ… 'khúc củi' - Ảnh 2.

Ông chủ trẻ bên cạnh những khúc gỗ lũa trong sân nhà

Ngồi xe lăn nhưng mọi việc anh đều tự làm. Ban đầu, anh đặt khúc gỗ dưới đất, cúi gập người xuống vệ sinh, ghép nối để tạo dáng. Có khi mải làm lúc ngẩng lên thì choáng váng. Từ đó, anh đóng bàn để "sáng tác" trên ấy.

Có loại anh chỉ cần làm sạch, giữ nguyên dáng gốc. Nhưng có khúc phải cắt, cưa, ghép nối thành dáng ưng ý bằng keo chuyên dụng. Năm đầu tiên, Đức làm chuyên gỗ lũa trang trí, ghép với hoa lan… Mấy năm nay, phong trào chơi gỗ lũa trong hồ thủy sinh tăng mạnh nên anh chuyển hướng. Công việc thuận lợi, 2 năm trước vợ chồng anh dư dả, góp tiền cùng mẹ xây ngôi nhà khang trang. Cả hai cũng vừa chào đón cô công chúa nhỏ sau 3 lần thụ tinh ống nghiệm. "Có công việc, lo được cho vợ con và vẫn là một người trụ cột gia đình đúng nghĩa, mình quên đi đau đớn. Thậm chí, mình chẳng còn mặc cảm là người khuyết tật nữa", Đức nói.

Trưởng thành, mạnh mẽ hơn sau biến cố

Trên trang cá nhân, Đức không "gắn mác" người khuyết tật hay ngồi xe lăn để kêu gọi sự thương cảm nhằm bán hàng. Chàng trai tâm niệm, cố gắng làm ra những sản phẩm tốt, thẩm mỹ thì dần sẽ thu hút được khách vì chất lượng.

Nhiều người đặt anh làm hàng số lượng lớn nhưng Đức không nhận. Anh chia sẻ, người chế tác gỗ lũa cũng giống như người nghệ sĩ, làm việc phụ thuộc nhiều vào cảm xúc. Hơn nữa, anh biết được sức khỏe bản thân không kham nổi. Thấy cộng đồng mạng gần đây chuộng xem những video ngắn, Đức cũng tập tành làm video, thu âm, chèn nhạc… đăng lên trang cá nhân.

Trên chiếc xe 3 bánh, Đức vẫn phụ vợ gom cỏ chở về cho bò ăn. Thỉnh thoảng, anh chở vợ rong ruổi ra Nha Trang, Ninh Thuận… tìm kiếm thêm nguồn hàng. Anh gọi vui đó là những chuyến phượt, du lịch bụi của 2 vợ chồng.

Mới đây, số phận lại đẩy anh vào một biến cố khác. Mẹ anh, bà Trần Thị Lương, phát hiện mắc ung thư, phải vào hóa chất. Sau những gì đã trải qua, Đức mạnh mẽ hơn, lạc quan hơn, không cho phép bản thân buồn bã. "Mình đang cố gắng cho mẹ những điều tốt nhất. Dù không nói trước điều gì, nhưng bản thân không bao giờ cho phép ngừng hy vọng", Đức cho biết.

Nghị lực của ông chủ ngồi xe lăn khởi nghiệp từ… 'khúc củi' - Ảnh 3.

Đức kể, thời chưa bị tai nạn, anh là một thanh niên đua đòi. Thậm chí đã có lúc rơi vào những tệ nạn. Nhưng có một điều Duy Đức chắc chắn, nếu không gặp biến cố, anh cũng chỉ là một anh công nhân làm thuê. Anh chưa từng nghĩ mình có thể tĩnh tâm, ngồi hàng giờ chế tác sản phẩm như bây giờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.