Nghị lực mùa thi: Cậu học trò bán bánh mì nuôi ước mơ vào đại học

Vũ Thơ
Vũ Thơ
25/06/2021 06:48 GMT+7

Bố ốm yếu, mẹ mất do tai nạn giao thông, Xeo Văn Hồng (dân tộc Khơ mú, học sinh lớp 12 ở Nghệ An) phải dậy từ 4 giờ sáng bán bánh mì để có tiền ăn học, nhưng ước mơ vào đại học của em thật khó khăn.

Nhà cách trường tới hơn 50 km

Xeo Văn Hồng hiện là học sinh lớp 12A1 Trường THPT Kỳ Sơn, H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Em sinh ra và lớn lên ở bản Huồi Bắc, xã Bắc Ly, H.Kỳ Sơn, trong một gia đình rất nghèo, bố mẹ đều làm nương rẫy.
Cả nhà 5 người (gồm bố mẹ, anh trai và em gái) sống trong căn nhà sàn tuềnh toàng, không có tài sản gì đáng giá. Nơi đây còn chưa làm đường, chưa có điện. Từ nhà em đến trung tâm xã phải đi 13 km đường đất gập ghềnh, cứ mưa là trơn trượt. Thế nhưng, không ngại gian nan, cậu học trò hiếu học vẫn thường xuyên đi bộ đến trường, suốt những năm học cấp hai. Lên THPT, đường đến trường cách nhà tới hơn 50 km, nhưng không từ bỏ ước mơ đi học, Hồng đã ra thị trấn huyện thuê nhà trọ, tự lo cho cuộc sống của mình.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Hồng, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Xeo Văn Hồng; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Hồng trong thời gian sớm nhất.
Nhưng khó khăn không chỉ có vậy, vừa bước vào lớp 10 thì tai họa ập xuống gia đình. “Mẹ em trên đường đi làm rẫy về thì bị ô tô đâm trúng và mất luôn. Bố em trong một lần đi làm, bị ngã đập đầu vào xe, sau đó mắc bệnh đau đầu dữ dội, nhưng bố chỉ đắp thuốc nam chứ không có tiền đi khám chữa bệnh…”, Hồng ngậm ngùi kể về gia cảnh của mình.
Hồng cũng cho biết anh trai của em do hoàn cảnh khó khăn nên chỉ học hết lớp 9 đã phải nghỉ học, đi làm. Mẹ mất, bố ốm yếu, anh trai Hồng phải vào tận Lâm Đồng làm phụ hồ để nuôi em. “Khi mẹ mất, em buồn lắm. Về nhà thấy bố đau, em thương bố định nghỉ học, đi làm, nhưng bố bảo học tiếp đừng bỏ, con phải tốt nghiệp cấp 3. Vậy là em nghĩ lại và tiếp tục đi học”, Hồng tâm sự.
Để có tiền trang trải cho việc học, đỡ gánh nặng cho anh trai, Hồng vừa học vừa đi làm bánh mì và đi bán thuê cho một quán bánh mì ở gần trường. Sáng em dậy từ 4 giờ để làm bánh và 5 giờ 50 thì ra cổng trường bán. Đến 6 giờ 40 em vào trường để học. Hồng cho biết em chọn làm việc vào giờ đó để không ảnh hưởng nhiều đến việc học. Buổi tối em vẫn có thời gian học thêm ở trường.

Bát canh rau và đĩa ớt dầm muối

Mỗi ngày làm thêm, Hồng chỉ kiếm được 20.000 đồng, trung bình mỗi tháng em được trả 500.000 đồng, trong khi tiền thuê nhà trọ đã mất gần 400.000 đồng, chưa kể tiền ăn học. Hồng cho biết em được cấp 700.000 đồng chế độ cho những học sinh phải trọ học, số tiền đó phải tiết kiệm tối đa để chi tiêu. Em ở trong một căn phòng rộng chừng 5 m2, có 3 người ở và phải ngủ chung trên chiếc giường con. “Mỗi một tháng em chỉ chi tiêu chừng 1 triệu. Em tự nấu ăn, 3 bạn góp vào khoảng 40.000 - 50.000 đồng/ngày, mua 10.000 đồng tiền rau, 20.000 đồng tiền thức ăn, còn lại mua gạo, mắm, muối…”, cậu học trò nghèo tâm sự.
Cô giáo Trần Thị Kiều Oanh, giáo viên chủ nhiệm của Hồng, kể nhà cô ở gần phòng trọ của Hồng, thỉnh thoảng cô vẫn mang đồ ăn đến cho. Có hôm thấy bữa cơm của học sinh chỉ có mỗi bát canh rau và đĩa ớt dầm muối. “Hồng tội lắm, phòng ở của em chỉ có mỗi cái quạt cóc cách. Mấy hôm trời nắng nóng, tôi thấy vẫn không bật quạt, cứ cởi trần nằm ở nền nhà. Tôi hỏi thì em bảo sợ tốn tiền điện…”, cô Oanh ngậm ngùi kể.

Ước mơ làm giáo viên tiểu học

Dù khó khăn nhưng Hồng vẫn cố gắng học và nhiều năm liền là học sinh giỏi. Năm lớp 12, em còn là một trong số ít học sinh đạt loại giỏi của lớp với điểm tổng kết đạt 8,0. Đặc biệt, là người dân tộc Khơ mú, trong khi các bạn chỉ học hết phổ thông là nghỉ học đi làm, Hồng vẫn ước mơ tiếp tục thi vào đại học. “Em muốn thi vào Trường đại học Vinh, ngành sư phạm tiểu học, để sau này về bản dạy học. Em thấy ở bản còn thiếu nhiều giáo viên lắm, vì khó khăn, nên không ai muốn đến dạy. Nhưng em không biết lấy đâu ra tiền để đi học…”, Hồng lo lắng nói.
Chia sẻ về cậu học trò nghèo, cô giáo Trần Thị Kiều Oanh cho hay: “Tôi ấn tượng về em khi mỗi buổi học xong lại lên xin cô bài tập để về nhà tự học. Nhiều học sinh dân tộc bỏ học nửa chừng, nhưng Hồng vẫn khát khao đến trường. Chỉ tội hoàn cảnh quá éo le, nên lúc đầu em không dám đăng ký thi đại học. Hồng nói với tôi: Em khổ quá cô ơi. Em chỉ thi tốt nghiệp thôi, chứ học đại học thì không ai nuôi…”, cô Oanh kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.