Nghị lực mùa thi: Nhọc nhằn đường vào đại học của cô học sinh giỏi cấp thành phố

23/06/2021 07:08 GMT+7

Từng nghỉ học giữa chừng vì áp lực cuộc sống , sau 3 năm, Như Ý quyết tâm quay trở lại trường, vừa học vừa đi làm nuôi ước mơ vào đại học. Thế nhưng dịch bệnh khiến em bị mất việc, đứng trước nguy cơ 'đứt gánh giữa đường'.

Vừa học vừa vất vả chuyện cơm áo gạo tiền, nhưng Bành Ngọc Như Ý (học sinh lớp 12, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.4, TP.HCM) luôn giữ được thành tích học sinh giỏi suốt nhiều năm. Từ lúc còn học THCS, Như Ý đã nhiều lần đoạt giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của quận. Mới đây nhất, em là một trong 2 thí sinh đoạt giải nhì học sinh giỏi môn lịch sử khối lớp 12 cấp thành phố (không có thí sinh đoạt giải nhất).

Tự đi làm lo chi phí ăn học

Nhà Như Ý nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở Q.4, trong nhà không có gì quý giá ngoại trừ thành tích học tập đáng ngưỡng mộ và nghị lực vươn lên của cô học trò nhỏ.
Bố làm bảo vệ, mẹ đi nhặt và mua bán ve chai, lại phải cưu mang người cậu lớn tuổi bị yếu tay chân không lao động được. Dù gia cảnh khó khăn, chạy ăn từng bữa nhưng Như Ý luôn đạt thành tích cao trong học tập.
Sau khi thi lớp 10 Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4) với điểm số cao, Như Ý được xếp vào lớp chuyên, nhưng vì phải lo nghĩ chuyện cơm áo gạo tiền hằng ngày nên Như Ý không thể theo lớp, cô học trò làm đơn xin được chuyển sang lớp thường nhưng không được.
“Đến đầu năm lớp 11, mọi thứ quá áp lực với em, vì không thể cân bằng giữa cuộc sống và việc học nên em phải nghỉ học”, Như Ý nước mắt lưng tròng kể lại thời gian khó khăn đó.
Nghỉ học, cô học trò nhỏ lao vào công việc để kiếm tiền giúp ba mẹ trang trải cuộc sống. Làm phụ quán được 3 năm, một ngày trong lúc làm việc, thấy mẹ đẩy xe ve chai đi khắp nơi, bới từng thùng rác giữa trưa nắng để nhặt ve chai về bán. Thương mẹ, nghĩ lại chặng đường khổ cực mẹ nuôi mình ăn học suốt 10 năm ròng rã, Như Ý thấy có lỗi vì đã phụ công gia đình, thế rồi cô quyết tâm quay lại với việc học.
“Nuôi con ăn học không hề dễ dàng, đối với gia đình em thì điều đó còn khó khăn hơn gấp vạn lần. Thế mà em lại dừng lại giữa chừng, em đã phụ biết bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu mồ hôi và cả nước mắt của ba mẹ mình. Rồi giờ ba làm bảo vệ, mẹ mua bán ve chai, mình nghỉ học nữa thì cả đời gia đình chỉ làm thuê làm mướn, bao giờ mới thoát được kiếp nghèo, bao giờ ba mẹ mới bớt khổ”, Như Ý bộc bạch.
Để có tiền đi học trở lại, Như Ý phải tranh thủ tối đa thời gian vừa học vừa đi làm. Mỗi ngày sau giờ học trên trường, cô học trò lại vội vã chạy đi cho kịp giờ làm.
“Thấy con vừa làm vừa học vất vả quá, mình thương lắm, nhưng cuộc sống khó khăn quá, chỉ biết động viên con cố gắng. Mỗi ngày, tôi cố gắng đẩy xe đi sớm hơn, đi xa hơn để kiếm thêm chút tiền”, cô Nguyễn Thị Lộc, mẹ Như Ý, trải lòng.

Ngày thi cũng phải đi làm

Ngồi trò chuyện cùng người viết, lâu lâu chú Bành Ngọc Phước, bố của Như Ý, lại nhìn lên trần nhà thở dài: “Những năm gần đây mới dám tiếp khách và khách cũng mới dám ngồi trong nhà nói chuyện thế này. Chứ trước đây căn nhà toàn bằng cây gác tạm, mà cây nào cũng mục, ai vào cũng sợ bị sập, mà cả nhà cũng liều mà sống chứ tiền đâu mà sửa. Sau này trên phường thấy thế mới hỗ trợ kinh phí để sửa lại cái nhà. Đời mình khổ quá rồi, nên cũng ráng động viên Như Ý học để sau này hy vọng cuộc sống của con sẽ khá hơn”.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Như Ý, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 -  Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Bành Ngọc Như Ý; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Như Ý trong thời gian sớm nhất
Công việc bảo vệ và nhặt ve chai của ba mẹ Như Ý chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, nên mọi chi phí ăn học Như Ý đều phải tự lo.
“Quy định của trường học sinh đóng học phí theo kỳ, nhưng để dồn một kỳ thì nhiều tiền quá, em không có đủ, nên em làm đơn xin trường được đóng tiền học phí hằng tháng. Cứ mỗi tháng nhận lương làm thêm về là lên trường đóng liền, vì nhà khó khăn nên em sợ nếu không đóng tiền liền thì kiểu gì ngày mai cũng sẽ bị hụt”, Như Ý kể.
Như Ý làm thêm tại quán cà phê từ trưa đến 21 giờ 30, có những hôm phải đến nhận ca sớm, ngồi học trên lớp mà cô cứ thấp thỏm lo đến không kịp giờ làm.
“Mệt nhất là những ngày thi. Đi làm về mệt nhưng vẫn phải cố thức để ôn bài”, cô học trò kể.

Ước mơ làm thiện nguyện

Quyết tâm quay lại với việc học, cố gắng đi làm để kiếm tiền nuôi ước mơ, thế nhưng từ hơn 1 tháng nay, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, Như Ý lại lo sợ một lần nữa phải “đứt gánh giữa đường”.
“Dịch là quán đóng cửa nên em cũng mất việc luôn. Em lên các trang tuyển dụng để tìm việc làm nhưng toàn thấy người tìm việc mà không thấy việc tìm người. Hơn một tháng nay không đi làm, em không có tiền để đóng cho nhà trường, giờ em phải nộp tiền thì mới lấy được giấy báo dự thi”, Như Ý nghẹn ngào nói.
Tuy cuộc sống khó khăn là vậy nhưng Như Ý chia sẻ ước mơ của mình: “Em rất thích làm các công tác Đoàn, Hội, thiện nguyện nên muốn sau này sẽ học ngành công tác xã hội. Nhưng ước mơ thì vẫn chỉ là ước mơ, vì nếu không có tiền thì không thể nào thực hiện được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.