Nghị lực mùa thi: Tiền đâu để theo học tiếp ?

18/06/2021 07:48 GMT+7

Ngồi ôn bài mà nước mắt cô học trò giàu nghị lực Phạm Hoàng Thùy Trang cứ chảy dài vì lo lắng không biết tiền đâu đóng học phí để lấy giấy báo thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Cô học trò giàu nghị lực nhiều năm liền phấn đấu học sinh giỏi để sau này lo cho người mẹ mù và bà ngoại già yếu, nhưng giờ đây ước mơ đại học của em có thể sẽ mãi chỉ là mơ ước!

Tiền ăn hằng ngày cũng thiếu trước hụt sau

Phạm Hoàng Thùy Trang (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, H.Hóc Môn, TP.HCM) sinh ra đã không được may mắn như nhiều bạn bè đồng trang lứa. Mẹ của Trang bị mù, ba thì hắt hủi, suốt ngày đánh đập mẹ con Trang, đêm thì đuổi hai mẹ con ra ngoài chợ ngủ. Năm Trang học lớp 5, nhìn thấy cảnh cháu gái bị đánh đập rồi đêm ngủ lạnh chịu không thấu ngoài xó chợ, ông ngoại Trang mới đưa hai mẹ con về sống cùng. Từ đó đến nay, người ba chưa một lần liên lạc lại.
Năm Trang học lớp 7, ông ngoại đột quỵ và mất, mọi thứ như sụp đổ hết. Bà ngoại già yếu, mẹ Trang bị mù nhưng cũng phải trở thành trụ cột chính của gia đình.
Những năm trước, mẹ Trang lăn lộn đi bán vé số, nhưng vì không nhìn thấy đường nên suốt ngày bị lừa và giật hết vé. Không kiếm được tiền sinh sống mà còn mang thêm nợ, từ đó mẹ Trang không dám đi bán vé số nữa. Không biết làm nghề gì để mưu sinh với đôi mắt mù, mẹ Trang đi chùa làm công quả, ai cho gì thì mang về lo cho con và mẹ già.
“Mẹ đi chùa, người ta cho gì thì ăn nấy. Mẹ đi rất nhiều chùa, ở đâu người ta cho quà là mẹ đến, nhưng thường 1 tháng người ta mới cho một lần. Mỗi lần mẹ đi chùa, người ta cho được vài chục tiền xe, mẹ để dành lại đóng học phí cho em. Còn tiền ăn hằng ngày, em và bà ngoại ở nhà cắt cà pháo thuê cho người ta. Mỗi ngày khoảng 20 kg cà pháo, nếu cắt hết thì được 50.000 đồng, nhưng không phải ngày nào cũng có cà để làm, hoặc có khi cả tuần không có ngày nào”, Cô gái giàu nghị lực kể.
Trang cho biết hơn 1 tháng nay, dịch bệnh nên mẹ không đi chùa được. “Cũng may, nhà còn ít gạo để ăn, có gì thì ăn nấy”, Trang nghẹn ngào.
Bà Hoàng Thị Kim Ánh (51 tuổi, mẹ của Trang) không giấu được nước mắt, nghẹn ngào nói: “Giờ dịch bệnh chẳng đi đâu được nữa, bé Trang lại sắp phải đóng học phí, mà giờ tiền ăn còn không có thì biết xoay xở thế nào đây”.

“Tiền đâu để đóng học phí”

Tiền ăn hằng ngày còn thiếu trước hụt sau, thì lấy đâu ra tiền để lo chuyện học của Trang. Vì vậy, suốt bao năm đi học, điều mà Trang dường như quen nhất chính là ký giấy cam kết để được thi.
“Tiền mẹ dành dụm cũng chỉ được chút ít. Mỗi năm em đều cố gắng học giỏi để là một trong 2 học sinh khó khăn của trường được nhận học bổng, 1 triệu đồng/suất. Tiền này em đưa mẹ dồn thêm để đóng học phí. Còn tập vở thì năm nào em cũng được nhận thưởng nên không cần phải mua. Tết đến có phần quà cho học sinh khó khăn là vài loại nhu yếu phẩm thì em mang về để dành cho bà ngoại nấu ăn hằng ngày, chứ nếu mua nữa sẽ không có tiền đi chợ”, Trang lặng đi một lúc rồi kể tiếp về chặng đường đi học của mình. “Dường như chẳng có học kỳ nào em có đủ tiền để đóng học phí đúng hạn. Nhà trường biết hoàn cảnh nên cũng thông cảm, cho em được thi nhưng phải ký giấy cam kết sau khi thi sẽ đóng học phí”, Trang tâm sự.
Hiện tại, nhà trường cũng đã gọi Trang lên lấy giấy báo dự thi nhưng gia đình vẫn chưa có tiền để đóng. “Những giai đoạn khó khăn và áp lực nhất của em là khi đến kỳ thi. Không phải là áp lực về chuyện học mà là tiền đâu để đóng học phí. Những lúc như thế, em rất buồn, tủi thân và cứ ngồi khóc một mình, không dám khóc thành tiếng vì sợ mẹ nghe lại buồn lòng. Trường cũng gọi em mấy hôm nay lên lấy giấy báo dự thi và đóng 2,5 triệu đồng, nhưng số tiền này bây giờ quá lớn với gia đình em, không thể nào xoay xở được”, cô học trò nhỏ giàu nghị lực trải lòng.

Ước mơ làm cô giáo để dạy cho trẻ em nghèo

Những ngày này, trong khi bạn bè đang tăng cường ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô học trò bé nhỏ giàu nghị lực Thùy Trang lại nhận quần jeans về ngồi cặm cụi cắt chỉ thuê.
“Mẹ bảo em cố lên, đừng bỏ học giữa chừng. Mẹ sẽ cố kiếm thêm việc gì đó để làm. Em cũng cố để nhận quần về cắt chỉ, cắt xong một cái quần được 500 đồng, cũng rất vất vả nhưng em sẽ cố gắng”, Trang chia sẻ.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Trang, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Phạm Hoàng Thùy Trang; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Trang trong thời gian sớm nhất.
Chặng đường suốt 12 năm học, đã có lúc Trang tưởng chừng phải dừng việc học vì hoàn cảnh quá khó khăn. Nhưng cứ nghĩ đến mẹ và bà ngoại già yếu, cô gái giàu nghị lực này lại cố gắng học: “Nếu giờ em không học mà đi làm thuê làm mướn thì cũng không thể thay đổi được hoàn cảnh của gia đình. Em còn có ước mơ sau này trở thành cô giáo để đi dạy cho các em có hoàn cảnh khó khăn như mình. Nếu không học giỏi thì không thể trở thành cô giáo được. Điều em lo sợ nhất bây giờ là không có điều kiện để theo học tiếp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.