Tiếp sức mùa thi lan tỏa giá trị nhân văn: Khơi gợi tình cảm sẻ chia của cộng đồng

15/06/2021 06:00 GMT+7

Nhìn lại hành trình 20 năm Tiếp sức mùa thi , anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam , Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, đã có những chia sẻ với PV Thanh Niên về chặng đường đáng tự hào này.

Hoạt động tình nguyện của đoàn đã huy động được 5 sắc áo

Thưa anh, có thể nói chưa có chương trình nào mà mang tính kế thừa (người đi trước rước người đi sau) với quy mô rộng lớn như Tiếp sức mùa thi. Vậy theo anh, đâu là dấu ấn tích cực của chương trình đối với xã hội?

Tự hào về tinh thần sẻ chia,
ý thức trách nhiệm của thanh niên

Tôi cũng từng là sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi, cũng từng tham gia tình nguyện hè lúc còn là sinh viên. Sau đó làm giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân và làm Bí thư Đoàn trường thì tôi lại là người tổ chức công việc đó cho các bạn, đến bây giờ ở cương vị công tác mới là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, tôi cảm thấy rất tự hào về tinh thần sẻ chia, về ý thức trách nhiệm, đặc biệt là sự sáng tạo không ngừng của sinh viên, thanh niên thông qua những hoạt động tình nguyện mà các bạn trực tiếp thiết kế, tổ chức và triển khai. Từ câu chuyện của tình nguyện thì tôi thấy phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn theo hướng phải đưa các bạn thành chủ thể để thiết kế, tổ chức và thực hiện các hoạt động, các phong trào.
Tại sao Tiếp sức mùa thi có sức sống như vậy? Vì chính các bạn thanh niên, sinh viên được trực tiếp khảo sát nhu cầu, được thiết kế hoạt động, được tổ chức chương trình để chăm lo cho những đối tượng cần được giúp đỡ… và chính các bạn tìm thấy được giá trị của mình trong đó. Và chúng tôi, những người tổ chức, lãnh đạo phong trào thì tìm thấy giá trị của mình qua giá trị của các bạn.
Trước đây, trong lịch sử của dân tộc có rất nhiều phong trào khơi gợi sự chung tay góp sức của cộng đồng, chăm lo cho người hiếu học. Tiếp sức mùa thi ra đời trong bối cảnh mà các sĩ tử, phụ huynh rất cần một sự tư vấn, hỗ trợ về mặt thông tin, kiến thức, kỹ năng, chỗ ở, phương tiện đi lại… để có thể tham gia kỳ thi đại học một cách tốt nhất. Nên yếu tố đầu tiên tạo ra giá trị bền vững của chương trình chính là phát hiện đúng nhu cầu, lựa chọn được phương pháp tổ chức hoạt động phù hợp với mong muốn của người dân mà cụ thể là phụ huynh và thí sinh (TS).
Câu chuyện ấn tượng nhất của Tiếp sức mùa thi là sự vào cuộc rất đồng bộ, đầy đủ của tất cả lực lượng. Chúng ta không thể hình dung một hoạt động tình nguyện được tổ chức Đoàn tổ chức mà huy động được sự tham gia của cả 5 sắc áo. Đấy là màu áo của: lực lượng vũ trang (cảnh sát giao thông); thanh niên, sinh viên tình nguyện; người dân; các chức sắc, tăng ni; các chức phần tôn giáo (có cả Công giáo, Tin lành, Phật giáo cùng tham gia). Các sắc áo như vậy hòa quyện vào nhau tạo thành chiến dịch mang đậm tính nhân văn của dân tộc, mang đậm tình người; Tạo sự cổ vũ, động viên và là nguồn động lực vô cùng to lớn cho TS và người nhà để vượt qua những khó khăn trong kỳ đại học và sau này là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Không những thế, chương trình Tiếp sức mùa thi còn biết bắt nhịp những xu thế mới và phù hợp với những điều chỉnh, đổi mới của ngành giáo dục đào tạo trong tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ và ứng dụng công nghệ số trong việc thực hiện chương trình.
Anh có đánh giá gì về nhận định của nhiều người rằng“20 năm chương trình Tiếp sức mùa thi góp phần lan tỏa giá trị nhân văn của người trẻ trong xã hội?”
Tôi rất đồng tình với nhận định đấy. Bởi chương trình không chỉ thu hút được giá trị nhân văn của người trẻ mà còn thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội, của toàn cộng đồng. Chính những câu chuyện của các cô chú nhường nhà mình dù còn khó khăn để TS và phụ huynh được ăn ngủ trong kỳ thi, hay có những cô chú xe ôm chở TS đi thi miễn phí…
Khi có sự tham gia của cả cộng đồng vào tiếp sức mùa thi thì nó khơi gợi, giáo dục thêm cho các bạn trẻ hiện nay về trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng. Những người còn khó khăn như vậy, người ta còn sẵn sàng sẻ chia chai nước, ổ bánh mì, hộp cơm với TS và gia đình TS thì các bạn thanh niên, sinh viên mà có điều kiện tốt hơn tại sao không chia sẻ trách nhiệm đó với lớp TS đàn em của mình. Chính câu chuyện Tiếp sức mùa thi khơi gợi được tình cảm sẻ chia của cộng đồng, của dân tộc, của đất nước mình nói chung và cũng đúng với truyền thống lâu nay của dân tộc mình chứ không riêng gì trong các bạn trẻ.

Luôn sáng tạo và tìm ra  phương thức, cách thức phù hợp

Sự đóng góp rất lớn của cộng đồng tạo nên nguồn lực to lớn, mang tấm lòng nhân ái của hàng triệu người dành cho thế hệ trẻ. Phải chăng chính niềm tin và sự nhân ái này đã nuôi dưỡng Tiếp sức mùa thi lớn mạnh không ngừng suốt 20 năm qua?
Đấy là một trong những yếu tố làm nên thành công của Tiếp sức mùa thi. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là dân tộc mình trọng việc học, trọng người tài, luôn quan tâm cho người tài, cho việc học. Nên khi thấy những người đam mê học hành, dám phấn đấu để học hành tốt thì cả xã hội sẽ chung tay vào cuộc.
Yếu tố thứ 2 là sự vào cuộc, hỗ trợ, chia sẻ rất có trách nhiệm, tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, của ngành giáo dục đào tạo, của các trường ĐH, CĐ trên cả nước… Nếu không có câu chuyện đấy, nếu không được tạo điều kiện chăm lo, quan tâm, động viên thì các bạn sinh viên, các gia đình trên địa bàn mà có các điểm thi sẽ không có được những chia sẻ kịp thời và hiệu quả như vậy.
Yếu tố thứ 3 là chương trình có sức hiệu triệu, đặc biệt sinh viên mỗi năm khác nhau, mỗi giai đoạn khác nhau luôn sáng tạo và tìm ra những phương thức, cách thức phù hợp để làm Tiếp sức mùa thi một cách hiệu quả nhất.
Nếu như Tiếp sức mùa thi những năm đầu chỉ đơn giản là hỗ trợ chuyện đi lại, tìm địa điểm thi cho TS thì đến những năm tiếp theo phát triển lên nhà trọ, hỗ trợ phương pháp ôn thi hiệu quả… Chính nỗ lực sáng tạo không ngừng của các bạn, giúp cho Tiếp sức mùa thi luôn phát triển qua hằng năm và cho đến bây giờ sau 20 năm vẫn không hề lạc hậu, vẫn đáp ứng được nhu cầu của TS và người nhà, đáp ứng được những đổi mới trong thi tuyển của ngành giáo dục đào tạo.
Năm nay, năm ghi dấu chặng đường 20 năm chương trình Tiếp sức mùa thi, nhưng chắc vẫn sẽ là năm có nhiều thách thức, khi mà dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Anh có những dặn dò gì dành cho thanh niên tình nguyện, thưa anh?
Định hướng của chương trình năm nay thì T.Ư Đoàn đã bàn với Bộ GD-ĐT để có được phương thức tiếp sức phù hợp với tình hình dịch bệnh, với đổi mới thi và tuyển sinh, phù hợp với mong muốn đổi mới của sinh viên - những người trực tiếp làm tiếp sức mùa thi.
Tôi muốn nhắn nhủ với các đội hình Tiếp sức mùa thi năm nay là tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, của T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động để làm sao mình hỗ trợ, chia sẻ kịp thời, hiệu quả nhất với TS dù các bạn thực hiện việc thi tuyển, xét tuyển vào ĐH, CĐ theo phương thức nào. Bên cạnh đó, nên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nhu cầu của TS, người nhà và sự hỗ trợ có thể tương tác với nhau một cách trực diện, kịp thời và hiệu quả nhất. Đặc biệt không quên đảm bảo tuyệt đối những điều kiện, phương thức để an toàn trong mùa dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.